Đại biểu Dương Văn Thống: Bộ máy cồng kềnh, nhiều bộ phận lập ra không cần thiết

Thứ Năm, 03/11/2016, 10:14
“Bộ máy chúng ta cồng kềnh, đông người, áng chừng so với 2-30 năm trước nhiều hơn khoảng 20% trở lên. Nhiều tổ chức lập ra nhiều bộ phận, nhiều ban chỉ đạo không cần thiết” – đại biểu nói

Sáng nay, 3-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội.  Đại biểu Quốc hội Dương Văn Thống (Yên Bái) bày tỏ sự tán hành với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế- xã hội năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017. Trong đó, thời gian qua chỉ đạo, điều hành của Chính phủ có nhiều điểm mới, toàn diện và quyết liệt, coi trọng xây dựng thể chế nhạy bén, phản ứng nhanh với những vấn đề phức tạp, nảy sinh…

“Tuy nhiên đọc 8 dòng nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế xong tôi phân vân. Bộ máy chúng ta cồng kềnh, đông người, áng chừng so với 2-30 năm trước nhiều hơn khoảng 20% trở lên. Nhiều tổ chức lập ra nhiều bộ phận, nhiều ban chỉ đạo không cần thiết” – đại biểu nói. Ví dụ ở Yên Bái bộ máy rất cồng kềnh, số người hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước năm 2016 là 17.200 tỷ đồng; số tiền tiêu của ngân sách năm 2016 là 1.100 tỷ đồng (trong tổng số chi thường xuyên hơn 4.000 tỷ đồng)

Theo ông, tổ chức bộ máy bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý. Chất lượng cán bộ hạn chế, yếu kém. Bác Hồ từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, đức là cái gốc của mọi cán bộ” nhưng chúng ta đã coi nhẹ, buông lỏng giáo dục chính trị, đạo đức lối sống cho cán bộ.

ĐBQH Dương Văn Thống thảo luận tại hội trường

“Tôi thấy người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo các cấp đi làm việc các tỉnh nói nhiều đến việc phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh… Nói thể là đúng nhưng chưa đủ, hầu như không thấy ai nói đến đạo đức, phong cách. 4 chữ “cần, kiệm, liêm chính” có chăng chỉ nói đến chữ “cần”. Còn “kiệm, liêm, chính” thì chỉ thấy Tổng Bí thư nói và các giảng viên học viện, nhà trường nói khi phải giảng dạy” – đại biểu phân tích.

Ông cho rằng, khi xem xét đánh giá cán bộ chỉ nặng về đánh giá hiệu quả công tác, nhanh nhạy, năng động, ít nói về đạo đức. Nếu rà soát các đầu mối tổ chức bộ máy, nghiêm khắc thanh tra kiểm tra, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ; kiên quyết, hạn chế chủ nghĩa cá nhân và lòng tham thì tham nhũng và nhũng nhiễu sẽ giảm, niềm tin của nhân dân sẽ tăng lên.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu rà soát sửa đổi cả bộ máy hệ thống chính trị, giảm cả về tổ chức và con người, trong đó biên chế phải giảm 2% trở lên chứ không phải 1%. Rà soát tổng thể toàn bộ bộ máy để trong vòng 1-2 năm sau đó sẽ thi hành trong vài năm thì sẽ gọn bộ máy. Đề nghị Quốc hội khi sửa luật cần quy định rõ không tăng biên chế, hàng năm Chính phủ và các cơ quan cần báo cáo rõ danh sách bộ máy hành chính…

Cùng với đó là thường xuyên giáo dục, rèn luyện cán bộ về đạo đức, tôn trọng và phục vụ dân. “Muốn làm được thì cấp trên phải làm trước và cấp trên phải ít khuyết điểm hơn cấp dưới. Cán bộ liêm chính thì Chính phủ và bộ máy nhà nước mới liêm chính”, đại biểu nêu.

Q.Vinh
.
.
.