“Đẻ” ra một cơ quan chuyên bồi thường là làm bộ máy phình to

Thứ Năm, 27/10/2016, 17:34
“Toà án 10 năm mới có một vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, 17 năm mới có vụ ông Huỳnh Văn Nén, giờ một cơ quan lập ra chỉ chờ mười mấy năm mới có việc làm thì không nên” – Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình nêu quan điểm khi thảo luận về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường.


Tờ trình Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) của Chính phủ cho biết, về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường có hai loại ý kiến.  Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cơ quan nào có cán bộ thi hành công vụ vi phạm, gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường; loại ý kiến thứ hai là thành lập cơ quan giải quyết bồi thường ở các tỉnh, thành phố, các bộ…

Thảo luận tại tổ, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình khẳng định, quan điểm của chúng ta là cơ quan nào làm sai thì bồi thường, nhưng qua nghiên cứu rất ít nước bồi thường về tư pháp. 

Việt Nam là một trong số ít quốc gia có bồi thường và điều này thể hiện trách nhiệm cao trước nhân dân. Tuy nhiên ông cũng nêu kinh nghiệm của một số nước là không cho phép Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hay Toà án bồi thường mà giao cho Bộ Tư pháp. Trong khi chúng ta lại “đẻ” ra một cơ quan chuyên làm bồi thường là làm cho bộ máy phình to.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình

“Có phải lúc nào cũng có oan sai đâu, như Toà án 10 năm mới có một vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, 17 năm mới có vụ ông Huỳnh Văn Nén, giờ một cơ quan lập ra chỉ chờ mười mấy năm mới có việc làm thì không nên” - Chánh án TAND tối cao nói. Theo ông, mỗi năm chúng ta có 90.000 vụ án hình sự nhưng trong nhiều năm mới có vụ 1 vụ án oan. Nên cân nhắc việc thành lập bộ máy để làm việc này trong điều kiện chúng ta đang giảm biên chế.

ĐBQH Đào Thanh Hải (TP. Hà Nội) cùng chung quan điểm. Ông cho rằng, để cơ quan có người làm sai chịu trách nhiệm bồi thường thì sẽ sát với thực tế hơn, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý cán bộ, việc thực hiện bồi thường cũng sẽ sâu sát hơn… Một thực tế nữa là nếu theo ý kiến thứ hai thì sẽ phát sinh bộ máy cồng kềnh, không phù hợp với thực tế cả nước đang thu gọn đầu mối, đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Về vấn đề tiền bồi thường, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình đề cập đến một câu chuyện rất “nóng” mà dư luận đặt ra, thậm chí trên cả diễn đàn Quốc hội là tiền thuế do nhân dân đóng không phải để chi trả cho chuyện đền bù do oan sai. 

“Đây là câu chuyện rất nhức nhối, mà thế giới từng giải được bài toán này. Họ lập ra một quỹ, nguồn tiền lấy từ tất cả những khoản thu được do phạm tội mà có, như hối lộ, buôn lậu, ma tuý, rửa tiền… Và lấy quỹ này để bồi thường, không phải từ tiền thuế của dân. Đây là câu chuyện nên tham khảo” – đại biểu nói.

Q.Vinh
.
.
.