Quy trách nhiệm nhà trường sau vụ học sinh nhiễm sán, bị đánh hội đồng

Thứ Năm, 04/04/2019, 13:44

Ngày 4-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.



Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cho biết: Có ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa (SGK) chung cho cả nước. Thường trực Uỷ ban cho rằng, quy định về chương trình, SGK giáo dục phổ thông trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Toàn cảnh phiên họp

Theo đó, chương trình chi tiết giáo dục phổ thông là pháp lệnh, SGK cụ thể hoá các yêu cầu của chương trình; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, ban hành chương trình, SGK trên cơ sở được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. “Việc quy định một chương trình thống nhất trong toàn quốc, mỗi môn học có một hoặc một số SGK sẽ bảo đảm được sự thống nhất trong nội dung, yêu cầu giáo dục năng lực, phẩm chất cho học sinh phổ thông nhưng đa dạng trong phương pháp, hình thức giảng dạy, phù hợp với đối tượng, vùng miền. Vì vậy, Thường trực Uỷ ban đề nghị giữ như quy định của dự thảo”, ông lý giải.

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, đối với các môn học tự nhiên (toán, lý, hoá…) hầu như các quốc gia giống nhau nên mỗi môn học có thể có 1 hoặc nhiều bộ SGK. Còn với những môn khoa học xã hội, ngoài những nét chung của xã hội loài người thì còn có những đặc thù riêng của từng quốc gia như về truyền thống dân tộc, tâm linh dân tộc, lịch sử dân tộc…

“Mặt khác, nền giáo dục của chúng ta xác định trong luật là lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Do đó nên xác định theo hướng thống nhất một bộ SGK trên cả nước”, đại biểu nói.

ĐBQH Phạm Thị Thu Trang phát biểu tại hội nghị

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo đại biểu Phạm Thị Thu Trang, kiến thức trong SGK phải khoa học, chính xác và có chiều sâu, qua đó giúp hình thành nhân cách, định hướng tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, yêu thương con người cho học sinh. Vì vậy, cần có SGK do hội đồng cấp quốc gia biên soạn, áp dụng chung.

“Nếu cho mỗi cơ sở giáo dục có quyền lựa chọn SGK thì sẽ do ý chí chủ quan của người đứng đầu, việc lấy ý kiến phụ huynh liệu có khách quan, đảm bảo hay không? Việc này cũng không tạo ra sự ổn định, đề nghị Nhà nước ban hành một bộ SGK phổ thông áp dụng thống nhất trong cả nước”, nữ đại biểu băn khoăn.

ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cũng đề nghị cân nhắc kỹ để biên soạn SGK cho phù hợp sao cho lúc thi cử tuyển dễ dàng hơn, hội đồng thi soạn đề đơn giản hơn và SGK thì cần ổn định, dùng được nhiều năm để đỡ kinh phí cho xã hội. Theo ông, giao cho nhà trường lựa chọn dựa trên sự tham khảo ý kiến phụ huynh và học sinh cũng không hợp lý. Vì học sinh và phụ huynh chưa học làm sao chọn được, rồi cùng trong một tỉnh trường A dạy chương trình sách này, trường B dạy sách kia, không đồng bộ…

Tại phiên họp, các đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề trách nhiệm của nhà trường (Điều 87). ĐBQH Phạm Thị Thu Trang đánh giá, dự thảo Luật quy định rất chung, chưa cụ thể và điều chỉnh những vấn đề thực tế phát sinh trong thực tế. “Như vừa rồi các em ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn, học sinh ở Hưng Yên bị các bạn đánh hội đồng… Đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của nhà trường, người đứng đầu cơ sở giáo dục để đảm bảo môi trường giáo dục thân thiện, các em cùng nhau phát triển, ngăn chặn các tệ nạn xã hội trong nhà trường”, nữ ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nêu.

ĐBQH Phạm Văn Hoà

Đại biểu Tô Văn Tám lại cho rằng, ngành giáo dục đang gặp phải nhiều thách thức, trong đó thái độ lạnh lùng, ích kỷ, bạo lực trong học sinh chưa có cách khắc phục. Phải chăng căn nguyên một phần thuộc về thái độ hành xử thực dụng, thiếu trong sáng của một bộ phận giáo viên? Hiện tượng ép dạy thêm, học thêm, sàm sỡ, lạm dụng học sinh, đối xử không công bằng, bạo lực, làm tổn thương học sinh.

Thứ hai là do gia đình và xã hội quản lý chưa chặt chẽ, những lời nói, hành động hàng ngày trong xã hội bị chi phối bởi thói ích kỷ, vụ lợi đã tác động đến tình cảm, suy nghĩ của học sinh. Sự phân hoá giàu nghèo ngày càng xa thường đẻ ra nhiều tệ nạn khó kiểm soát như sự kỳ thị, bạo lực, sự thù hận…

Theo ông, nền giáo dục sẽ giúp làm dịu đi những điều trên bằng việc xác lập sự công bằng ngay trên lớp học, người thầy, giáo viên có vai trò quan trọng trong hàn gắn các vết thương. Học sinh cần được cảm nhận, được hưởng sự bình đẳng về phẩm giá, quyền sống, quyền học tập, không phân biệt đối xử trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

“Cho nên đề nghị việc xác định trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh trước hết là trách nhiệm của nhà nước, của ngành giáo dục chứ không chỉ là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, gia đình”, ĐBQH Tô Văn Tám nói.

Để Khá “bảnh” ảnh hưởng đến trẻ em rất nguy hiểm

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị sáng 4-4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ ủng hộ đề xuất “nói không với bạo lực học đường” bằng sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là sự ủng hộ, hưởng ứng của các ngôi sao, những người nổi tiếng, cầu thủ bóng đá…

Theo ông, những người nổi tiếng hay những tấm gương học sinh ngoan, giỏi, ưu tú đến trường để tuyên truyền, kêu gọi “nói không với bạo lực học đường” là giải pháp tốt. “Trẻ con chịu ảnh hưởng nhiều từ những tấm gương tốt, những thần tượng tốt. Còn nếu để những nhân vật xấu trong xã hội ảnh hưởng đến các cháu thì rất nguy hiểm, như Khá “bảnh” vừa rồi” – Bộ trưởng nói.

Đặc biệt, theo ông, để phòng tránh việc trẻ em bị xâm hại thì vấn đề phổ biến, giáo dục, tuyên truyền về kỹ năng phòng tránh là rất quan trọng. “Bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn tâm lý học đường nhưng nay phải tăng cường hướng dẫn trẻ các kỹ năng để phòng tránh ở nơi công cộng như thang máy, nhà vệ sinh công cộng...”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, khẳng định tới đây sẽ chỉ đạo các sở, các trường đẩy mạnh, tăng cường việc giáo dục, phổ biến kỹ năng cho học sinh…


Quỳnh Vinh
.
.
.