Phải khắc phục ngay thiếu sót trong công tác PCCC tại trường học

Thứ Tư, 13/11/2019, 14:50
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm đặc biệt đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các trường học vì đây là nơi tập trung đông trẻ em, những người có ít kỹ năng PCCC và thoát nạn khi sự cố xảy ra.

Sáng 13-11, thảo luận tại nghị trường Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014-2018, Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đoàn Nam Định nêu băn khoăn về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong các trường học.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo.

Trích báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi tới Văn phòng Quốc hội, đại biểu cho biết, từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018 đã xảy ra 15 vụ mất an toàn về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các nhà trường dẫn tới bị thương 3 người và làm thiệt hại 650 triệu đồng.

Theo đại biểu, với số trường học khắp cả nước lên đến 33.262, thực tế cho thấy việc chấp hành các quy định PCCC chưa được nghiêm túc, mà vốn dĩ trong nhà trường lại có nhiều những vật dụng thiết bị dễ gây cháy như bàn, ghế, hệ thống phòng chức năng, thiết bị thí nghiệm hay máy vi tính. Bên cạnh đó, tại các trường bán trú còn có hệ thống bếp ăn, nếu không được vận hành đúng quy chuẩn...nên nguy cơ hoả hoạn rất lớn.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, trường học là nơi có rất đông học sinh, giáo viên, đội ngũ chủ yếu là nữ nên trong trường hợp không may xảy ra hoả hoạn thì việc xử lý sẽ lúng túng, dẫn đến thiệt hại có thể nặng nề và thương tâm.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị phải xem xét toàn diện về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không thể không quan tâm đến công tác này trong các nhà trường nhằm đảm bảo tốt khâu phòng ngừa, tránh để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng.

"Cần làm tốt, thực chất và hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại các nhà trường, không coi đây là phong trào mà cần coi là một hoạt động có tính chất bắt buộc, vì sự an toàn của học sinh và của cả nhà trường", bà Thảo nêu.

Bà Thảo cũng đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp chủ quan, lơ là với nhiệm vụ PCCC trong nhà trường. "Đối với trường học, cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là các cơ sở mầm non cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời đề nghị UBND các cấp kịp thời ra quyết định đình chỉ hoạt động những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật", đại biểu nói.

Đại biểu Ngô Thị Minh đoàn Quảng Ninh.

Đại biểu Ngô Thị Minh đoàn Quảng Ninh trích dẫn báo cáo của Quốc hội, trong đó công tác giám sát đã chỉ ra là Bộ Giao thông vận tải cũng chưa đưa nội dung thời lượng giảng dạy kiến thức về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình đào tạo lái xe theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa ban hành văn bản quy định về lồng ghép kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy vào chương trình giảng dạy và hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác. 

"Vậy, thì Chính phủ có xem xét kiểm điểm hoặc kỷ luật những người đứng đầu hai bộ này hay không? hoặc các bộ này có xem xét kỷ luật những cán bộ được giao nhiệm vụ mà không làm hay không?", đại biểu đặt câu hỏi.

Nhắc đến một khía cạnh khác của công tác PCCC tại trường học, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đoàn Ninh Thuận chỉ ra thực trạng nhiều trường học thành chỗ gửi xe của đô thị. "Các trường học, mà nhất là trong đô thị rất thiếu chỗ đỗ xe, đã trở thành nơi đỗ xe, trông xe và ai đảm bảo rằng vào một ngày xấu nào đó thì có thể cháy. Như vậy rất nguy hiểm", đại biểu đặt vấn đề.

"Tôi nghĩ rằng, vấn đề này phải đặt ra là phải có những quy định như thế nào khi lấy các cơ quan hành chính, trụ sở của các cơ quan, trường học để biến thành nơi để đậu xe và đỗ xe. Tôi nghĩ rằng vấn đề này là vấn đề cần phải quan tâm", đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nói.

Thuỷ - Minh
.
.
.