'Cảnh sát PCCC tham gia dập tắt gần 10.000 đám cháy, cứu nạn hàng ngàn người'

Thứ Tư, 13/11/2019, 09:20
Từ 2014 đến 2018, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tham gia, phối hợp dập tắt gần 10.000 vụ cháy; hướng dẫn thoát nạn, cứu sống hàng ngàn người và khống chế các đám cháy để bảo vệ khối tài sản trị giá hơn 600.000 tỷ.


Cảnh sát PCCC cứu nạn hàng ngàn người, bảo vệ tài sản trị giá 600.000 tỷ

Sáng 13-11, theo chương trình làm việc kỳ họp 8, Quốc hội khoá XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.

Ông Võ Trọng Việt trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Báo cáo nêu rõ, giai đoạn 2014 - 2018, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh; số lượng các cơ sở, công trình, khu công nghiệp, khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại gia tăng cả về số lượng và quy mô, song hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; phong tục tập quán sinh hoạt, sản xuất ở nhiều nơi còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, đã tác động không nhỏ đến tình hình cháy, nổ và công tác PCCC trên cả nước.

Từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 ha rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 ha rừng. Mỗi ngày có 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 ha rừng.

Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, trước tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, Chính phủ các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc triển khai, quán triệt chủ trương của Đảng về PCCC; ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật về PCCC.

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 13-10.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC được quan tâm chỉ đạo; các địa phương, cơ sở tích cực thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về công tác PCCC.

Giai đoạn 2014 - 2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng mới 96.792 phương án chữa cháy, tổ chức thực tập 52.032 phương án, trong đó có 3.642 phương án xử lý tình huống cháy, nổ lớn có huy động nhiều lực lượng.

Trong 4 năm, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10.000 vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ);hướng dẫn thoát nạn, cứu sống hàng ngàn người. Nhiều vụ cháy được Cảnh sát PCCC và nhân dân khống chế kịp thời, không để xảy ra cháy lớn; ước tính giá trị tài sản bảo vệ được trong các vụ cháy trung bình và nhỏ là hơn 600.000 tỷ đồng. Lực lượng PCCC tại chỗ xử lý được trên 3.000 vụ cháy từ khi phát sinh.

Cũng trong giai đoạn giám sát, lực lượng chức năng đã tiến hành 357 cuộc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC, kiểm tra an toàn PCCC trên 1.500.000 lượt, trong quá trình kiểm tra đã kịp thời phát hiện hàng triệu tồn tại, thiếu sót, ban hành 98.384 công văn kiến nghị. Các địa phương đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đối với trên 15 nghìn lượt cơ sở.

Đã điều tra đã làm rõ nguyên nhân 11.277 vụ cháy (đạt 85,76%); đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử hình sự 66 vụ án với 43 bị can; xử phạt hành chính trên 98 nghìn trường hợp vi phạm với số tiền 206 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 1.956 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 2.720 trường hợp…

Đầu tư cho PCCC còn chưa tương xứng

Tuy nhiên, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác này, trong đó có việc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (chủ yếu là văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật PCCC và pháp luật liên quan), tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến PCCC chưa được ban hành đầy đủ.

Chiến sĩ cảnh sát PCCC cứu nạn một thanh niên khỏi đám cháy ở Hà Nội cách đây không lâu. Ảnh: Zing.vn

Tại một số địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCCC chưa thực sự quyết liệt. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC chưa đạt hiệu quả, nhận thức, ý thức của người dân về PCCC còn hạn chế. Việc thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác PCCC, khuyến khích đầu tư kinh doanh dịch vụ PCCC chưa đạt yêu cầu vì chưa có cơ chế, chính sách phù hợp.

Công tác giám sát chỉ ra rằng việc xây dựng điều kiện đảm bảo PCCC trong xây dựng các đề án, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực đô thị chưa được chú trọng. Đầu tư cho hoạt động PCCC về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí nên đầu tư còn khiêm tốn.

"Trang bị, phương tiện của lực lượng Cảnh sát PCCC còn thiếu, chưa đồng bộ... Các điều kiện về phương tiện, sân bãi huấn luyện thường xuyên, hàng ngày rất thiếu và nhiều khó khăn; chiến sĩ nghĩa vụ trong lực lượng Cảnh sát PCCC chiếm tỷ lệ cao; mức bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác chữa cháy, CNCH chưa phù hợp với tính chất công việc nặng nhọc, nguy hiểm phải đảm nhận", báo cáo được ông Võ Trọng Việt trình bày nhấn mạnh.

Một trụ chữa cháy... không có nước trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội).

Ngoài ra, báo cáo cũng cho rằng công tác quy hoạch, bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy ở nhiều địa phương chưa thực hiện theo đúng quy chuẩn về quy hoạch xây dựng đối với hệ thống giao thông, hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị; công tác quản lý nhà nước về PCCC trong đầu tư xây dựng chưa thực sự chặt chẽ.

Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế, coi nhẹ công tác PCCC nên đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ còn mang tính đối phó; trang thiết bị, phương tiện quan sát, phát hiện cháy và chữa cháy rừng còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thiện Minh - Thu Thuỷ
.
.
.