Tạo động lực vươn lên cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 01/11/2019, 14:25

Sáng 1-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.


ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) bày tỏ phấn khởi vì Đề án công phu, toàn diện, thể hiện sự đánh giá cao, sự quan tâm, tri ân to lớn của Đảng và Nhà nước với vùng đặc biệt quan trọng này như Hiến pháp đã khẳng định. Ông đánh giá, nhiều năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, 118 chính sách đang có hiệu lực bao phủ hầu hết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

“Cùng với kết quả tăng trưởng cao, phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh mẽ, chính sách tín dụng cho người nghèo của Ngân hàng chính sách, Ngân hàng nông nghiệp thực sự là “bà đỡ” có hiệu quả. Đời sống kinh tế - xã hội, diện mạo buôn làng không ngừng được nâng lên, tạo ra động lực mới, niềm tin mới trong đồng bào các dân tộc”, đại biểu dẫn chứng.

ĐBQH Đinh Duy Vượt

Tuy nhiên, bên cạnh đó theo ông vẫn tồn tại một số khó khăn, trong đó đồng bào phải chịu nhiều tổn thất nhất do thiên tai, do phá rừng, do biến đổi khí hậu gây ra với số liệu đáng lo ngại. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm tới 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước, còn hơn 220.000 hộ thiếu đất sản xuất, hơn 80.000 hộ thiếu đất ở, hơn 370.000 hộ chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh...

“Nguyên nhân là tình trạng “bội thực chính sách” nhưng thiếu nguồn vốn. Điển hình như chương trình mục tiêu quốc gia 3 năm chỉ đạt 52,1%, tổng nhu cầu vốn, nhiều chính sách không bố trí được nguồn vốn như chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, chính sách bảo vệ rừng do quá nhiều chính sách dẫn đến chồng chéo, phân tán, thậm chí chính sách này suy giảm, triệt tiêu hiệu quả chính sách khác”, ĐBQH tỉnh Gia Lai lý giải.

Ông cũng cho rằng, lại có chính sách “quan cần nhưng dân chưa vội, quan có vội quan lội quan sang”. Tình trạng mất rừng, thiếu đất, sa mạc hóa đã và đang thu hẹp không gian sống, không gian văn hóa ngay trên nơi “chôn rau cắt rốn” ngàn đời. Đây là vấn đề lớn, cận kề nghiêm trọng phải kịp thời giải quyết.

Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) nêu ra “5 nhất” của vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn so với cả nước, đó là: Điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận dịch vụ xã hội thấp nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Từ đó khẳng định việc xây dựng Đề án là rất cần thiết, nhằm thúc đẩy tốt hơn sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ ở vùng này, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc ở Việt Nam thời gian tới.

ĐBQH Hoàng Thị Thu Trang

Về kinh phí thực hiện Đề án, đại biểu đồng tình giải pháp huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội, trong đó sự vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách nhà nước là quyết định. “Việc huy động mọi nguồn lực đầu tư cần phải tập trung một đầu mối để điều chỉnh thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng mỗi bộ, ngành một đầu mối, mỗi lĩnh vực phân tán, “mạnh ai nấy làm”, làm suy yếu hiệu lực, hiệu quả của đề án về việc sử dụng nguồn vốn, làm khó khăn cho việc đánh giá thực hiện của đề án”, ông đề nghị.

ĐBQH Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) đồng tình cao về các nhiệm vụ, giải pháp đề án nêu ra, để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Đảng và Nhà nước ta là phải đánh thức được tiềm năng, phát huy được lợi thế so sánh của vùng, giúp đồng bào khơi dậy nội lực làm giàu, làm chủ chính trên mảnh đất của mình. Trong các nhiệm vụ, bà cho rằng phát triển hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông và thông tin kết nối, phát triển nguồn lực và tạo sinh kế thu nhập là quan trọng bậc nhất đối với nhiệm vụ phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực.

Riêng về tạo sinh kế, thu nhập, từ thực tế địa phương nữ đại biểu thấy rằng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với đặc thù của vùng miền núi như chăn nuôi, trồng trọt, các cây, con chủ lực, cải tạo vườn tạp, xây dựng các vườn chuẩn. “Đối với mô hình kinh tế này không phải đầu tư lớn, có thể tận dụng được sức lao động, lấy công làm lãi, sẽ xóa đi các khu vườn tạm, vườn bỏ hoang như hiện nay ở một số vùng miền núi và vùng dân tộc, làm thay đổi bộ mặt cảnh quan nông thôn miền núi, mang lại giá trị kinh tế bền vững, thường xuyên và hầu hết là cho 10 hộ gia đình”, ĐBQH tỉnh Nghệ An phân tích.


A.Quỳnh
.
.
.