Chủ tịch Quốc hội: Phải làm sao để đồng bào dân tộc vượt ra được khỏi thôn bản

Thứ Ba, 10/09/2019, 18:27

Tiếp tục Phiên họp thứ 37, chiều nay 10-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018”.



Sự nghiệp giảm nghèo là điểm sáng trong chính sách an sinh xã hội

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH trình bày báo cáo kết quả giám sát cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc, sự chung tay vào cuộc, chia sẻ của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế, sự nghiệp giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được quốc tế ghi nhận, là một điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, góp phần tạo nên sự thay đổi diện mạo của vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến

Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm trung bình khoảng 3,5%/năm.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy còn một số hạn chế, yếu kém, đó là: Kết quả giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa thực sự bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao: Hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao so với tổng số hộ nghèo cả nước (52,66%) và chiếm tỷ lệ 27,55% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số tái nghèo, phát sinh nghèo, cận nghèo đều cao hơn tỷ lệ chung cả nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp...

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, báo cáo đã cung cấp một bức tranh về tình hình giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó thấy rõ việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia có kết quả tích cực, thu được thành tựu. Tuy nhiên do đây là cuộc giám sát cho nên cần xem xét hệ thống pháp luật đã đi vào thực tế hay còn vướng mắc, khiếm khuyết. “Có một thực tế diễn ra trong nhiều cuộc giám sát trước mà đến nay còn tồn tại là chính sách luôn chậm, thường lạc hậu so với yêu cầu của cuộc sống. Báo cáo giám sát lần này chỉ ra rất rõ”, Phó Chủ tịch Quốc hội lý giải.

Nghị quyết phải đi vào những giải pháp đột phá

Về mục tiêu giảm nghèo 4%, ông cho rằng cơ bản các tỉnh đạt được, thu nhập bình quân đầu người tăng so với giai đoạn trước từ 1,4 đến 1,6 lần. Tuy nhiên tỷ lệ nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với các vùng khác vẫn chênh lệch khá xa. Tình trạng tái nghèo khá cao, ví dụ ở Tây Bắc tỷ lệ tái nghèo chiếm 26,8%. “Có những nơi cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới ở vỏ, khung cảnh rất đẹp, nhưng cái lõi là quan hệ sản xuất, thu nhập của người dân có ổn định, phát triển không thì lại không đạt”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói, bày tỏ đồng tình với việc ban hành Nghị quyết song đề nghị nội dung Nghị quyết phải đi vào những giải pháp đột phá hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, thời gian qua, việc ban hành chính sách rất nhiều nhưng còn một số hạn chế, bất cập, chính sách còn mang tính ngắn hạn, manh mún, dàn trải, chồng chéo về nội dung, trùng lặp về địa bàn, đối tượng, gây khó khăn cho việc thực hiện và đánh giá hiệu quả.

“Chính sách mới chỉ hỗ trợ trực tiếp con người, mang tính chất giải quyết tình thế chứ chưa hỗ trợ tập trung phát triển để khai thác thế mạnh của vùng. Mục tiêu chính sách lớn nhưng nguồn lực bố trí hạn chế, ngân sách nhỏ giọt nên kéo dài bao năm, có khi quay lại những hạng mục công trình đầu tiên đã hỏng rồi”, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định những hạn chế, bất cập này hàng năm chúng ta đều chỉ ra, có kiểm điểm đánh giá nhưng chậm khắc phục.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thời gian qua làm tốt, các cơ quan Trung ương và địa phương theo chức năng được phân công làm việc đều tay, nguồn lực được phân bố không hề nhỏ. “Nếu tính vốn ngân sách Trung ương, địa phương, vốn hợp tác quốc tế, rồi cộng đồng doanh nghiệp trong nước, sự đóng góp của người dân qua quỹ vì người nghèo, vốn tín dụng để giảm nghèo... thì gần 135.000 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là ngân sách Trung ương, điều này khẳng định quan điểm đối với đồng bào dân tộc của Đảng, Nhà nước ta rất đúng đắn. Dù còn khó khăn vẫn dành nguồn lực để chi cho việc giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đồng bào nào nghèo nhiều phải tập trung chính sách

Theo Chủ tịch Quốc hội, phải nhìn nhận rằng, nhờ có những chương trình giảm nghèo mà có rất nhiều công trình hạ tầng được xây dựng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đừng lấy khó khăn để phủ nhận hết sự nỗ lực trong việc thực hiện chính sách pháp luật giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Nêu lên một số kết quả chưa đạt được, như thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số thấp và chênh lệch, có những dân tộc như La Hủ 83,9% còn nghèo; dân tộc Mãn 79,5%, dân tộc Chứt 75,3%..., Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị chính sách sau này phải phân biệt rõ, không thể quy định bình quân. “Chúng ta phải lựa chọn trong đồng bào dân tộc thiểu số, những đồng bào nào nghèo nhiều thì phải tập trung chính sách để trong 3 năm giúp bà con vươn lên, không để nghèo nhiều như thế. Đề nghị Nghị quyết cần phải gia công thêm để thể hiện quan điểm này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian tới Quốc hội cần phê duyệt đề án tổng thể về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở tích hợp lại 118 chính sách rời rạc, nằm trong các chương trình.

“Chúng ta rất tự hào, hãnh diện lần đầu tiên có một người đẹp Việt Nam đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ và ra thế giới đoạt top 5, chính là đồng bào dân tộc của chúng ta. Do đó phải làm sao để đồng bào dân tộc vượt ra được khỏi thôn bản và tham gia tất cả hoạt động. Trong đời sống xã hội rất nhộn nhịp, phát triển của đất nước hiện nay đừng để ai bị bỏ lại phía sau. Mà hiện tại người đang bị bỏ lại chính là người nghèo nhất, rơi vào đồng bào dân tộc thiểu số. Nên phải thấy được Quốc hội cần làm gì, Chính phủ cần làm gì”, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo.

Kết thúc nội dung thảo luận, UBTVQH đã biểu quyết tán thành chủ trương về việc ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018”. UBTVQH giao Hội đồng Dân tộc tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện văn bản gửi xin ý kiến các thành viên UBTVQH trước khi trình ra Quốc hội.


An Quỳnh
.
.
.