Cử tri cần dành thời gian để tìm hiểu về danh sách người ứng cử

Thứ Hai, 25/04/2016, 07:53
Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 27-4 sắp tới, danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ được công bố.


Trước thực trạng vừa qua có một số người sau khi bị loại ra khỏi danh sách ứng cử đã có ý kiến phàn nàn, thậm chí phản đối rằng: “Ý kiến cử tri nơi cư trú là gì mà căn cứ vào đó để làm khó cho người có nguyện vọng ứng cử khi có những nơi chỉ có vài chục người dự lấy ý kiến?”.

Về vấn đề này ông Pha khẳng định, ý kiến cử tri nơi cư trú là một trong những công đoạn luật quy định và vô cùng quan trọng. Tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phải “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân nơi cư trú, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm…”.

Do đó, một khi một người nào đó đã không có uy tín tại nơi sinh sống, thì người đó cũng không thể nào đủ điều kiện đại diện cho một xã-phường, một quận-huyện, một tỉnh-thành, thậm chí là một quốc gia.

Theo ông Pha, một cuộc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú chỉ cần có 55% người biết tường tận về bản thân, gia đình người ứng cử trong cuộc sống hàng ngày là nhiều lắm. Vì vậy, trong lần hiệp thương thứ 3, những người đạt tỷ lệ tín nhiệm dưới 50% của cử tri nơi cư trú... là những người có nguy cơ cao để hội nghị hiệp thương do đại diện các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Tổ quốc loại ra khỏi danh sách chính thức.

Ngay cả với những người đã được tín nhiệm cao khi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác cũng có thể bị loại tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3 do căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, HĐND; căn cứ vào vào dự kiến thành phần, số lượng người ứng cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND các cấp.

Trong số 879 người đủ điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 này, có 344 phụ nữ, chiếm hơn 39%, vượt xa so với mức yêu cầu và cao hơn đến 8% so với tỷ lệ phụ nữ ứng cử của khóa trước. Người đủ điều kiện ứng cử thuộc lớp trẻ, có độ tuổi dưới 40 của khối địa phương cũng đạt con số 265 người, chiếm trên 33%.

Tuy đến thời điểm này chỉ có 11 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội được 8 tỉnh, thành lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn, thấp hơn so với các khóa trước. Nhưng ông Pha cho rằng, quan trọng là chất lượng người tự ứng cử, số lượng người tự ứng cử đại biểu Quốc hội nhiều hay ít chưa chắc đã quyết định đến việc trúng cử.

Bởi nếu như ở khóa 12 dù có đến 30 người tự ứng cử trong danh sách chính thức thì cũng chỉ có 2 người trúng cử. Với khóa 13, số lượng người tự ứng cử trong danh sách bầu tuy chỉ còn 15 người, thì số người trúng cử đã tăng lên gấp đôi. Do đó ông Pha cũng tỏ ra hy vọng rằng với chất lượng khá cao về mọi mặt của người tự ứng cử lần này, số người trúng cử cũng sẽ bằng hoặc cao hơn khóa trước.

Đ.Thắng
.
.
.