Công tác thi đua, khen thưởng phải gắn với nâng cao đạo đức, trách nhiệm công vụ

Thứ Sáu, 22/12/2017, 09:22
Các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, có tính đột phá, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Công tác thi đua, khen thưởng cần góp phần tôn vinh giá trị xã hội, chú trọng các lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Ngày 21-12, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và triển khai công tác thi đua, khen thưởng năm 2018. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chính sách khen thưởng. Từ khi Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (năm 2003) đến nay, các chủ trương chính sách về thi đua, khen thưởng dần được hoàn thiện. Công tác thi đua, khen thưởng đã có sự đổi mới, gắn với các quy định của pháp luật, kịp thời hướng về những người trực tiếp lao động sản xuất, công tác; tồn đọng khen thưởng kháng chiến cơ bản được giải quyết…

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà, sau 13 năm thực hiện, các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống. Phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển sâu, rộng. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, làm nòng cốt cho các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”…

Qua phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, “người tốt việc tốt”, nhân tố mới được biểu dương, khen thưởng kịp thời, góp phần động viên, giáo dục, nêu gương trong quần chúng.

Công tác khen thưởng đã cơ bản phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của đất nước và các bộ, ngành, địa phương. Khen thưởng cá nhân trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu... đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần động viên tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ…

Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị, cần tăng cường phân cấp, phân quyền trong thi đua, khen thưởng. Luật phải quy định rành mạch hơn trách nhiệm, phải hướng về cơ sở. Hiện nay ba giảm: Giảm thời gian, giảm chi phí, giảm thủ tục vẫn chưa giải quyết được; phải chuyển biến ngay từ người đứng đầu.

Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu, nguyên tắc trong Luật là thành tích đến đâu khen đến đấy, nhưng thực tiễn lại phải cứ có thấp mới có cao, dẫn đến tình trạng khen lãnh đạo nhiều. Ông Đặng Huy Hậu đề xuất, trong 3-5 năm tập thể làm tốt thì đương nhiên thủ trưởng được khen, không cần thiết phải tích thành tích.

Cũng theo ông Đặng Huy Hậu, chỉ nên để là Luật Khen thưởng, chuẩn hóa việc thi đua là không hợp lý, bởi thi đua phải xuất phát từ thực tiễn, phải năng động sáng tạo từ cơ sở để bật lên phong trào thi đua, luật hóa là rất khó.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá sau 13 năm thực hiện Luật đã bộc lộ những bất cập cần phải nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp. Đáng chú ý, Luật Thi đua, khen thưởng có đối tượng điều chỉnh rộng, các đối tượng khác nhau nhưng điều kiện khen thưởng tập trung vào cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Luật quy định thành tích đến đâu khen thưởng đến đó nhưng tiêu chuẩn xét khen thưởng lại tính theo niên hạn, cộng dồn thành tích. Số lượng hình thức khen thưởng nhà nước nhiều. Điều kiện và tiêu chuẩn xét khen thưởng thành tích đột xuất chưa quy định cụ thể dễ dẫn đến việc lạm dụng, thiếu công bằng…

“Do tham mưu, đề xuất, công tác kiểm tra chưa tốt cho nên có tình trạng thời gian qua chúng ta đã có đề xuất bình chọn mang tính cào bằng, luân phiên trong thi đua, khen thưởng mà chưa đảm bảo đúng thực chất, đúng thành tích. Cũng còn một số trường hợp đề xuất khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân mà việc kiểm tra, giám sát, thẩm định không đúng, dẫn đến khen thưởng không đúng. Có những trường hợp tổ chức, cá nhân có vi phạm dẫn đến dư luận không đồng tình”, Phó Thủ tướng nêu và yêu cầu khắc phục tình trạng trên để công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, hiệu quả.

Biểu dương những kết quả đạt được trong phong trào thi đua và công tác khen thưởng năm 2017, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như phong trào thi đua được phát động nhiều nhưng hiệu quả một số phong trào chưa cao, còn nặng tính thành tích, đối tượng khen thưởng là công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp chưa nhiều, vẫn còn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thật sự tiêu biểu.

Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; đổi mới mạnh mẽ công tác thi đua, khen thưởng; chú ý phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến để trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng rãi.

Các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, có tính đột phá, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Công tác thi đua, khen thưởng cần góp phần tôn vinh giá trị xã hội, chú trọng các lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn; chú ý vinh danh nhà khoa học nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát triển khoa học công nghệ, lao động giỏi, lao động sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; quan tâm khen thưởng doanh nghiệp có nhiều thành tích trong phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp cho cộng đồng nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp.

Công tác thi đua, khen thưởng phải gắn với nâng cao đạo đức, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Đánh giá phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội năm 2017, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những nỗ lực, thành tích các bộ, ngành, địa phương đạt được qua các phong trào thi đua. Phó Chủ tịch nước đề nghị năm 2018, các bộ, ngành, địa phương kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng; chủ động phát động các phong trào thi đua; chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc; tập trung tuyên truyền, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình, tạo sức lan tỏa trong xã hội; tổ chức các hoạt động thiết thực, quan trọng, có ý nghĩa nhân dịp 70 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua yêu nước.

Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tiếp thu, tổng hợp các ý kiến góp ý vào báo cáo tổng kết 13 năm thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và những kiến nghị về công tác thi đua, khen thưởng; tham mưu, đề xuất những nội dung cụ thể để sửa đổi Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng thời cải cách các thủ tục, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác này trong thời gian tới.

Theo TTXVN
.
.
.