Luật báo chí không can thiệp việc phóng viên sử dụng mạng xã hội
- Họp Ban Chỉ đạo bảo vệ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
- Quốc hội thảo luận nâng thời hạn thị thực lên 1 năm với công dân Hoa Kỳ
- Lãnh đạo các nước chúc mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật báo chí (sửa đổi) trước Quốc hội sáng 5-4, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc trách nhiệm chính của cơ quan chủ quản báo chí (điểm b khoản 2 Điều 15).
Tuy nhiên thực tế hiện nay, một số cơ quan chủ quản cơ quan báo chí bổ nhiệm tổng biên tập không có nghiệp vụ báo chí, làm ảnh hưởng đến chất lượng của báo. Hơn nữa báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự phiên họp sáng 5-4. |
Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động báo chí cả nước. Cơ quan này rất cần xây dựng mối quan hệ thường xuyên, mật thiết với người đứng đầu cơ quan báo chí nhằm bảo đảm đưa thông tin kịp thời, trung thực, lành mạnh đến công chúng.
Do vậy, mặc dù có ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết phải có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông khi bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
“Quy định việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí phải được sự thống nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông là cần thiết để bảo đảm người đứng đầu cơ quan báo chí phải hội đủ tiêu chuẩn như quy định tại khoản 2 Điều 23”, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải lý giải.
Về cấp thẻ nhà báo, có ý kiến đề nghị giảm điều kiện phải có thời gian công tác từ “3 năm” xuống còn “2 năm” đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các nội dung trên thể hiện tại Điều 27 dự thảo Luật:
“Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ, trừ tổng biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên không thể đưa nội dung này vào dự thảo Luật. Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Điều 18 về giấy phép hoạt động báo chí và Điều 27 về điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo.
Đã có 442/445 ĐBQH tán thành, biểu quyết thông qua dự án Luật báo chí (sửa đổi), chiếm 89,47%. Luật báo chí gồm 6 chương, 61 điều, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2017.