Chuẩn bị cho Việt Nam bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Thứ Bảy, 21/01/2017, 22:32

Trong 4 ngày tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2017 tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vận động, thúc đẩy các tập đoàn này tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

 

Chiều 20-1, theo giờ Thụy Sĩ, trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự hai phiên họp về “Phương cách ASEAN trong thế giới phân mảng” và “Bản sắc ngành chế tạo ASEAN”; tiếp Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria và Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hiroyuki Ishige.

Tại các phiên họp về ASEAN, Thủ tướng Chính phủ nêu các thành tựu phát triển của ASEAN, đánh giá cao nguyên tắc đồng thuận và “Phương cách ASEAN” tạo nên bản sắc của ASEAN; cho rằng ASEAN cần thực hiện hiệu quả lộ trình Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tranh thủ tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác nhằm tạo cơ hội thu hút đầu tư, thương mại vào khu vực; khẳng định Việt Nam đóng góp quan trọng và có trách nhiệm vào củng cố đoàn kết và đồng thuận ASEAN, nỗ lực cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại phiên toàn thể với chủ đề ''Bản sắc ngành chế tạo: ASEAN đã trở thành một cộng đồng hay chưa?". Ảnh: TTXVN

Tại buổi tiếp Tổng thư ký OECD Angel Gurria, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và OECD và bày tỏ mong muốn hai bên sẽ tiếp tục phát huy hợp tác đặc biệt trong các lĩnh vực như nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, đầu tư, tài chính, giáo dục – đào tạo…

Tại buổi tiếp JETRO, Thủ tướng bày tỏ mong muốn JETRO sẽ phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối hiệu quả giữa hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản phát triển ngày càng tốt đẹp.

Trước khi rời Thụy Sỹ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đến thăm và làm việc với tập đoàn Holcim, một trong những tập đoàn hàng đầu Thuỵ Sỹ về vật liệu xây dựng.

Như vậy, trong 4 ngày làm việc tại WEF, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia và phát biểu thảo luận tại 6 phiên họp của Hội nghị về các chủ đề liên quan đến ASEAN, tương lai hệ thống sản xuất, lãnh đạo hành động và có trách nhiệm, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã gặp nhiều lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế.

Ảnh: TTXVN

 Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã đối thoại và gặp gỡ khoảng 40 lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tài Ảvà công nghệ thông tin như Google, Microsoft, Facebook, Alibaba, Qualcomm, Siemens, Prudential, SwissRe, UPS, Mizuho, Sagawa Holding, Misubishi, UFJ, Daiwa, DPJ, PAG… ; và đã vận động, thúc đẩy các tập đoàn này tăng cường đầu tư vào Việt Nam, qua đó góp phần tích cực nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trong những năm tới.

Qua phát biểu, tham gia thảo luận tại các phiên họp và gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu, Thủ tướng cũng đã truyền tải đến cộng đồng quốc tế thông điệp về quyết tâm của Đảng và Nhà nước về đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2020; thông điệp về các chính sách và nỗ lực của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu bật vai trò chủ nhà APEC 2017 của Việt Nam; vận động và thúc đẩy nhiều lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn và các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới hưởng ứng và tham dự các hoạt động của Năm APEC 2017.

Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam về đẩy mạnh đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển.

Nhiều nước và các tổ chức quốc tế mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển trong thời gian tới. Các doanh nghiệp quốc tế khẳng định Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn, mong muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

Đặc biệt, tại Hội nghị, Việt Nam và WEF đã ký Thỏa thuận hợp tác, theo đó WEF hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế bền vững, tự cường trước các biến động trong tương lai thông qua tư vấn chính sách về tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, nông nghiệp công nghệ cao, chuẩn bị cho Việt Nam bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)…

Việt Nam được WEF chọn là nước đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP với mong muốn giúp Việt Nam tiếp cận và tranh thủ các nguồn lực, tri thức của WEF và các tập đoàn thành viên WEF. 

H.Chi
.
.
.