Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2560
- Đại lễ Phật đản Phật lịch 2556 diễn ra long trọng
- Sáng 5/5, diễn ra lễ chính thức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2556
- Lễ Phật đản Phật lịch 2551: Trang trọng và an toàn
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đọc thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, cư sĩ, phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2560.
Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam với tâm nguyện và trách nhiệm tri ân của những người con Phật, bằng những hành động thiết thực nhất hãy bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng nhau làm cho môi trường xung quanh xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn.
Thông điệp nêu rõ: những thành tựu Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt được 35 năm qua, tiếp nối truyền thống hàng nghìn năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, cũng chính là sự đặt trọn niềm tin của các cấp Giáo hội, các sơn môn, hệ phái, tăng ni, phật tử vào ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tin tưởng tăng ni, phật tử Việt Nam không ngừng tinh tấn tu tập, trau dồi Giới – Định – Tuệ, gìn giữ truyền thống pháp môn tu tập tinh hoa của Phật giáo Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thực hiện nghi thức thả chim bồ câu. Ảnh: TTXVN. |
Diễn văn Phật đản do Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trình bày bày tỏ tin tưởng vào thế hệ lãnh đạo mới của đất nước sẽ tiếp tục có nhiều động lực tạo cho đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam luôn phát triển ổn định bền vững, thịnh vượng.
Phát biểu tại Đại lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Đại lễ Phật đản là sự kiện tôn giáo rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng và tinh thần của đồng bào phật tử nước ta. Với chặng đường hơn hai nghìn năm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đạo Phật đã khẳng định được vị trí trong lòng dân tộc; ngôi chùa không chỉ là chỗ dựa tâm linh cho con người, nơi giáo dục về đạo đức và văn hóa, mà còn là nơi đào tạo nhân tài phục vụ đất nước và đoàn kết lòng dân.
Trong suốt dòng chảy lịch sử của dân tộc, với truyền thống yêu nước, Phật giáo Việt Nam luôn lấy đức từ bi, hỷ, xả, chân - thiện - mỹ để giáo hóa chúng sinh, đề cao tinh thần “Hộ quốc, an dân”, đồng cam cộng khổ cùng dân tộc, phục vụ Tổ quốc và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận, trân trọng và đánh giá cao những đóng góp thiết thực, đầy ý nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong suốt 35 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng được củng cố, phát triển, lớn mạnh về mọi mặt, tạo nên những mốc son mới trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, vai trò hòa hợp, đoàn kết, thống nhất, tích cực đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ tin tưởng, tiếp nối truyền thống hơn hai nghìn năm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục gìn giữ, phát huy tinh thần “Hộ quốc, an dân” với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; cổ vũ, động viên tăng ni, phật tử ở trong và ngoài nước đoàn kết chặt chẽ với các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.