Cần xem xét cẩn trọng khi tăng tuổi nghỉ hưu

Thứ Bảy, 20/01/2018, 10:49
Có rất nhiều lý do để đề xuất tăng tuổi nghỉ trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất.

Bộ LĐ- TB&XH đưa ra 2 phương án về tuổi nghỉ hưu. Phương án 1 là giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Phương án 2 là nâng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60. Dù chưa có ý kiến chính thức nhưng trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) đã chia sẻ những băn khoăn của Tổng LĐLĐVN về vấn đề này.

PV: Bộ LĐ- TB&XH đã lấy ý kiến về việc xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có việc nâng tuổi nghỉ hưu. Tổng LĐLĐVN đã có ý kiến tham gia về việc này chưa thưa ông?

Ông Lê Đình Quảng: Chúng ta biết, trước đây cũng đã bàn đến việc này. Từ năm 2015 cũng đã có dự thảo để lấy ý kiến các cấp, các bộ, ngành, thời điểm đó Tổng LĐLĐVN cũng đã tham gia ý kiến về việc nâng tuổi nghỉ hưu, nhưng sau đó dự thảo đó không thực hiện, còn hiện tại chỉ là hồ sơ để đề xuất đưa chương trình sửa đổi Bộ luật Lao động. 

Theo quy định của pháp luật, muốn đưa vào chương trình thì dự thảo luật đó cần phải được xây dựng các phương án chính sách, đánh giá các tác động. Hồ sơ dự thảo Bộ luật Lao động này dự kiến có 11 chính sách cần phải xem xét sửa đổi, trong đó có chính sách nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động. 

Đến thời điểm này, Tổng LĐLĐVN chưa có ý kiến chính thức, nhưng thực ra cũng chưa đến lúc Tổng LĐLĐVN tham gia cụ thể các chính sách.

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN).

PV: Ông có thể cho biết quan điểm của Tổng LĐLĐVN về vấn đề này như thế nào và liệu có phù hợp ở thời điểm hiện tại không?

Ông Lê Đình Quảng: Với tư cách tiếp nối tinh thần của Tổng LĐLĐVN trước đây theo phương án nâng tuổi nghỉ hưu, quan điểm của Tổng LĐLĐVN trước đây là vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu là vấn đề hết sức phức tạp, phải đánh giá hết sức thận trọng với nhiều yếu tố từ vấn đề kinh tế, xã hội, việc làm, điều kiện lao động, sức khỏe của người lao động. Vì vậy phải xem xét một cách toàn diện.

Dưới nhiều góc độ, Tổng LĐLĐVN vẫn có rất nhiều băn khoăn. Chúng ta nâng tuổi nghỉ hưu mà không phân loại từng nhóm đối tượng, đặc biệt là đối với những người lao động trực tiếp sản xuất. 

Chúng ta phải thấy rằng, thực tế ở điều kiện lao động cụ thể của Việt Nam, với sức khỏe của người lao động Việt Nam thì ở một số ngành nghề như: da giày, chế biến thủy sản, dệt may hiện có tình trạng trên 35 tuổi là doanh nghiệp lấy lý do không đủ sức khỏe để tìm cách thải loại họ ra khỏi khu vực doanh nghiệp. 

Và thực tế, chúng tôi thấy rằng các công nhân trực tiếp sản xuất hiện nay thì không ai về hưu theo đúng tuổi theo quy định (nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi). Đối với lao động trực tiếp, hầu hết họ nghỉ hưu với mức lương thấp hơn. Với điều kiện như vậy nếu chúng ta nâng tuổi nghỉ hưu thì chắc chắn người lao động này tiếp tục sẽ có những thiệt thòi.

PV: Ông có thể phân tích cụ thể những thiệt thòi người lao động sẽ phải chịu khi nâng tuổi nghỉ hưu?

Ông Lê Đình Quảng: Theo thống kê chúng tôi nắm được thì lao động của chúng ta nghỉ hưu trong những năm gần đây bình quân chỉ là 53,4 tuổi (nam 55,2 tuổi, nữ 51,7 tuổi). 

Trong lúc đó đó, Bộ luật Lao động của chúng ta quy định nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi mới nghỉ hưu. Nếu bây giờ nâng tuổi nghỉ hưu nữa thì tỷ lệ phần trăm lương hưu bị trừ của người lao động sẽ lớn thêm lên, người lao động sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. 

Chưa kể việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động đến vấn đề việc làm, bởi mỗi năm chúng ta có khoảng 1 triệu người bước vào tuổi lao động. Rõ ràng là nếu nâng tuổi nghỉ hưu thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề việc làm. Từ đó, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu phải được xem xét cẩn trọng.

Vẫn còn nhiều ý kiến liên quan đến dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có việc nâng tuổi nghỉ hưu. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

PV: Có một vấn đề được nhắc đi, nhắc lại rất nhiều khi nói đến nâng tuổi nghỉ hưu là để đảm bảo cân bằng Quỹ BHXH theo nguyên tắc đóng hưởng hiện nay. Ông nghĩ thế nào?

Ông Lê Đình Quảng: Khi nói về cân đối quỹ, theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phương thức đóng hưởng như cũ thì khả năng sẽ mất cân đối trong dài hạn. Chính vì vậy Luật BHXH 2014 đã sửa lại theo hướng giảm quyền lợi của người lao động. 

Như chúng ta đã biết, ngay cả ở khoản 2 điều 56 Luật BHXH, cách tính lương hưu của người lao động từ 1- 1- 2018 với việc nâng thời gian tham gia BHXH để được hưởng tối đa 75% lương hưu (nam từ 30 năm lên 35 năm, nữ từ 25 năm lên 30 năm). 

Đặc biệt với lao động nữ đã nâng rất “sốc”, những người lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 bị thiệt rất nhiều so với người có cùng thời gian tham gia BHXH mà về hưu năm 2017. 

Tất cả những việc đó mục đích là giảm quyền lợi của người lao động để đảm bảo cân đối quỹ. Thực ra cân đối quỹ phải tính toán ở nhiều khía cạnh, nào là phải tăng cường mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đảm bảo doanh nghiệp không trốn đóng, nợ đọng BHXH, tăng cường biện pháp quản lý quỹ, tăng cường hiệu quả đầu tư quỹ… 

Chứ không thể viện vào lý do đảm bảo quỹ bằng cách nâng mức đóng và kéo dài thời gian đóng của người lao động. Tổng LĐLĐVN sẽ cân nhắc để có những góp ý vừa đảm bảo thực hiện các chính sách đổi mới và cơ chế thị trường, quan hệ lao động phát triển lành mạnh, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo được quyền lợi của người lao động. 

Người lao động đóng góp cho sự phát triển của đất nước, xã hội càng phát triển thì người lao động cũng phải được hưởng những quyền lợi nhất định. Chính vì thế khi vấn đề này được Quốc hội chính thức đưa ra bàn thảo, chúng tôi sẽ có những nghiên cứu cụ thể để đóng góp ý kiến. 

Với nhóm lao động hành chính sự nghiệp như lực lượng lao động khoa học, lao động làm công tác văn phòng… thì chúng ta có thể xem xét để có một lộ trình đảm bảo, riêng đối với công nhân lao động trực tiếp thì chúng tôi rất muốn giữ như hiện nay để đảm bảo quyền lợi của người lao động, hoặc là phải có lộ trình xa hơn, dài hơn.

Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt
.
.
.