Chi lớn, vay lớn trong khi thu vào thấp nên nợ công tăng nhanh

Thứ Hai, 20/03/2017, 13:40
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp thứ 8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Luật quản lý nợ công (sửa đổi), sáng nay (20-3).


Theo Bộ trưởng, công tác quản lý nợ công thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập như: nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao; đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh, dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả nợ thay…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Tại phiên họp, các đại biểu đã đặt rất nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề nợ công tăng nhanh. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn, lý do vì sao từ khi có luật (năm 2009) thì nợ công lại tăng nhanh? “Do tổ chức thực hiện hay lỗi luật có vấn đề? Lần sửa luật này có giải quyết được tình trạng nợ công tăng nhanh hay không?” – bà Nga nói.

Đại biểu cũng thắc mắc cách tính nợ công như thế nào? Hiện chúng ta đang tính nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Tuy nhiên ngay từ năm 2009 nhiều ý kiến chuyên gia trong nước và nước ngoài đã băn khoăn về cách tính này. Bà Nga đề nghị ban soạn thảo cho biết kinh nghiệm quốc tế như thế nào và cách tính như này có đúng không.

“Từ khi có luật thì nợ công tăng lên hơn 230%. Có thể tăng như vậy là hợp lý nhưng cũng có thể không phải, ở đây liên quan đến định nghĩa và cách tính. Với cách tính của chúng ta trên thế giới có bao nhiêu nước giống thế, là nước nào, thuộc hệ thống đang phát triển, phát triển hay kém phát triển, có hệ thống chính trị giống ta hay không?” - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chất vấn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, điều này trước hết do công tác điều hành. Giai đoạn 2011 – 2015, đưa mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%, sau đó điều chỉnh giảm 6,5-7% nhưng thực tế chỉ đạt 5,9%. Bên cạnh đó vẫn đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ theo Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội nên bội chi tăng nhanh. Bội chi để tới 5,6%, quá cao, ngoài ra còn phát hành trái phiếu Chính phủ. Tổng số vay giai đoạn 2011 – 2016 khoảng 1,4 triệu tỷ đồng nhưng GDP đều tụt so với dự báo. 

“Đầu chi lớn, vay lớn trong khi đầu thu so với dự toán là thấp. Cho nên nợ công tăng nhanh là đúng. Giai đoạn 2011 – 2013 huy động vốn ngắn, lãi suất quá cao, có khoản tới 13% nên dồn áp lực trả nợ vào các năm từ 2014 – 2017” – Bộ trưởng phân tích.

Theo ông, nợ công tăng nhanh là thực tế, khả năng thì có hạn, chi tiêu theo nhu cầu trong khi tăng trưởng kinh tế thấp thì nợ công tăng nhanh là đúng. “Chúng tôi cho rằng chúng ta bàn về nợ công thì phải nhìn tổng thể trong khả năng của nền kinh tế. Vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả, làm sao mà được? Như thế làm sao quản lý chặt chẽ được, làm sao làm rõ trách nhiệm được? Dự báo mấy năm vừa rồi chả năm nào trúng cả, cứ trật mà toàn trật xuống…” – ông Dũng thẳng thắn.

Về kinh nghiệm quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, qua khảo sát khoảng 40 nước và nhóm nước thì hầu hết các nước đều không tính nợ doanh nghiệp Nhà nước là nợ công. Chỉ 4 nước có tính, tuy nhiên các nước này chỉ tính các doanh nghiệp công ích, gắn với nhiệm vụ Nhà nước giao và đưa vào dự toán. 15/40 nước và nhóm nước chỉ tính nợ Chính phủ như Australia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ…

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phạm vi, cách tính nợ công cần giải trình rõ vì còn mâu thuẫn. “Nợ của Ngân hàng Nhà nước thì thế nào, vì Ngân hàng nằm trong Chính phủ chứ không như các nước khác, nợ các quỹ nhà nước nhưng ngoài ngân sách vậy quản lý thế nào, có phải là nợ công không? Nợ của địa phương nợ Chính phủ, hay nợ đọng trong xây dựng cơ bản có nằm trong nợ công hay không thì cần phải xem xét, bởi cuối cùng Chính phủ, Nhà nước phải trả nợ”.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải đánh giá hiệu quả của vốn vay. “Phải làm sao hạn chế cắt khúc và phải có quy trình rất cụ thể từ ký kết vay để đảm bảo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương. Bởi có tình trạng hỏi ngân hàng bảo ký kết, còn hiệu quả thế nào thì không biết. Thế thì không được. Vay phải biết hiệu quả như thế nào, phải đặt hiệu quả lên hàng đầu” – ông Hiển đề nghị. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu cần thận trọng, kiểm soát an toàn nợ công một cách chặt chẽ, công khai và minh bạch để tránh việc nhiều khoản không thu hồi được hay thẩm quyền trung gian không rõ trách nhiệm như thời gian vừa qua… 

Quỳnh Vinh
.
.
.