Cần quy định thẩm quyền xử phạt hành chính đối với Kiểm toán Nhà nước

Thứ Hai, 12/08/2019, 11:59
“Mặc dù có ý kiến nói rằng đây không phải cơ quan Nhà nước mà chỉ là một cơ quan chuyên môn, một thiết chế độc lập hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật trong việc kiểm toán tài sản công, nhưng mà một thiết chế do Quốc hội thành lập như thế lại không được ra văn bản hướng dẫn hay xử phạt hành chính thì cũng khó”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trong Phiên họp thứ 36 sáng nay, 12-8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Theo báo cáo của Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, giữa Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã thống nhất 3 vấn đề lớn, song vẫn còn 8 vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong đó có việc bổ sung các nội dung liên quan đến Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giám định tư pháp; về quy định để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; bổ sung quy định để thực hiện Luật phòng chống tham nhũng...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Thảo luận tại phiên họp về việc có nên để cho KTNN ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử phạt vi phạm hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ quan điểm đồng tình, tuy nhiên cần quy định rõ trong luật. “Quyền của Tổng KTNN được ban hành thông tư, hay xử phạt hành chính cần quy định trong luật này, còn thực hiện ra sao thì quy định trong các luật chuyên ngành”, ông nói.

Cũng nhất trí nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhắc tới vị thế của KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập thì cần quy định để tháo gỡ được những bế tắc trong hoạt động kiểm toán, do đó cần cân nhắc về quy định không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính, bà đồng tình nhưng đề nghị không quy định trong luật này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thống nhất ý kiến các đại biểu cần quy định thẩm quyền ở luật này, sắp tới các luật chuyên ngành sẽ sửa. “Mặc dù có ý kiến nói rằng đây không phải cơ quan Nhà nước mà chỉ là một cơ quan chuyên môn, một thiết chế độc lập hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật trong việc kiểm toán tài sản công, nhưng mà một thiết chế do Quốc hội thành lập như thế lại không được ra văn bản hướng dẫn hay xử phạt hành chính thì cũng khó”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Bà đề nghị quy định KTNN được quyền xử phạt vi phạm hành chính nhưng phạm vi, tính chất phải theo luật định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Về sự chồng chéo giữa Kiểm toán và Thanh tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề, nếu xảy ra chồng chéo thì ai sẽ điều hành hai đơn vị này, hay là để cho hai đơn vị tự có quy chế phối hợp, và nếu phối hợp thì ai sẽ ban hành quy chế? 

“Khi có sự chồng chéo thì ai là người điều hoà, để hai cơ quan này đều thực hiện được nhiệm vụ theo luật giao? Theo tôi cần quy định rõ trong luật này, nếu đưa vào biện pháp công tác thì tốt”, bà nêu giải pháp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định, phải xác định được chồng chéo ở đây là chồng chéo cái gì? Nếu cùng một bệnh viện, cùng thời điểm có 2 đoàn thanh tra, kiểm toán nhưng 2 nội dung khác nhau thì không vấn đề gì. Chỉ khi trùng nội dung mới xử lý. Do đó bà đề nghị cần có cơ chế phối hợp, còn nếu vướng hơn thì đề nghị UBTVQH xem xét, xử lý. “Đề nghị lấy kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua hàng năm làm chuẩn, các cơ quan khác căn cứ vào đó”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết,  hàng năm kế hoạch kiểm toán đều được Quốc hội thông qua, và trước khi lên kế hoạch chắc chắn Tổng KTNN đã trao đổi với các cơ quan có liên quan, nhất là Thanh tra Chính phủ. Còn Kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ thì Quốc hội không thông qua, mà đó là quyền của Thủ tướng Chính phủ. Khi Quốc hội ban hành nghị quyết về kiểm toán thì đây là cơ sở pháp lý quan trọng và các đơn vị phải tránh danh mục mà KTNN đã làm.

Toàn cảnh phiên họp

“Trong quá trình làm phát sinh vấn đề gì thì hai bên phải có cơ chế, quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, ai phối hợp ai phải rõ. Theo luật hiện hành, Thủ tướng được yêu cầu kiểm toán vấn đề này vấn đề kia, và KTNN không thể từ chối. Phải có cơ chế để giải quyết, vì nhu cầu yêu cầu KTNN vào cuộc là nhu cầu chính đáng. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, quản lý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát hiện ra những vấn đề cần có Kiểm toán vào. Nhưng phải đưa vào luật, nếu không ai cũng có thể chỉ đạo kiểm toán”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, KTNN trước hết phải thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, những việc phát sinh khác theo yêu cầu của các cơ quan ngoài Quốc hội thì phải báo cáo UBTVQH, không thể để ai cũng chỉ đạo được kiểm toán làm cái này, làm cái kia. “Cái này cũng phải ghi rõ trong luật, tránh mâu thuẫn với Nghị quyết của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Đối với vấn đề bổ sung bổ sung quy định để thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc ý kiến của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách. “Để cụ thể hoá vai trò của KTNN, để KTNN trở thành một trong những công cụ phòng chống tham nhũng là đúng, nhưng phải quy định phù hợp với bản chất, yêu cầu của hoạt động Kiểm toán”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cho rằng các biện pháp xác minh dấu hiệu tham nhũng lại liên quan tới trình tự, thủ tục điều tra theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, mà Tổng KTNN không có thẩm quyền.

“Được cụ thể hoá thì cụ thể thế nào, có được dẫn chiếu hay không? Đừng quy định cái gì quá thẩm quyền mà với tổ chức bộ máy này không làm được”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý thêm.

Quỳnh Vinh
.
.
.