Cần chuyên trách lực lượng Công an xã và sửa đổi Luật CAND

Thứ Ba, 23/05/2017, 11:39
"Hiện tại Luật CAND quy định lực lượng Công an gồm 4 cấp: Cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhưng dự thảo Luật Công an xã lại quy định Công an xã chỉ là bán chuyên trách. Xu hướng chung là 4 cấp này phải chuyên trách" - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.


Thảo luận tại tổ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 sáng nay, 23-5, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Ninh đề nghị trong năm 2018 nên đưa vào chương trình Luật CAND (sửa đổi) vì đây là bộ luật rất quan trọng mà ngay từ lúc xây dựng, ban hành đã xuất hiện nhiều bất cập.

“Sở dĩ phải đưa vào năm 2018 vì trong năm nay thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế... mà Bộ Công an là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai thực hiện. Bộ Chính trị sẽ có đề án về vấn đề này, trong năm nay phải làm ngay để triển khai” – Bộ trưởng Tô Lâm lý giải. Cộng với những bất cập của Luật CAND hiện hành thì đây là thời điểm thuận lợi nhất để sửa đổi.

Bộ trưởng Tô Lâm thảo luận tại tổ sáng nay, 23-5

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị đưa Luật Công an xã vào Luật CAND (sửa đổi). “Luật này trước đây Quốc hội đã cho ý kiến nhưng Chính phủ xin dừng lại vì vướng vấn đề tổ chức của lực lượng Công an xã như thế nào cho hiệu quả. Nếu nội dung này được đưa vào Luật CAND thì vấn đề Công an xã được giải quyết cơ bản. Hiện tại Luật CAND quy định lực lượng Công an gồm 4 cấp: Cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhưng dự thảo Luật Công an xã lại quy định Công an xã chỉ là bán chuyên trách. Xu hướng chung là 4 cấp này phải chuyên trách. Lực lượng Công an sẽ chính quy hoá lực lượng Công an xã nhưng không tăng biên chế, hoàn toàn chỉ là sắp xếp, điều chỉnh trong nội bộ” – người đứng đầu Bộ Công an cho hay. Bộ trưởng cũng đề xuất đưa Luật CAND (sửa đổi) vào chương trình để Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6.

Về chương trình giám sát năm 2018, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị công tác giám sát phải làm sao để việc thực thi pháp luật được thực hiện tốt, luật đi vào cuộc sống, vận động người dân chấp hành theo luật pháp...; tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật để xây dựng, chấp hành luật pháp và xây dựng xã hội trật tự kỷ cương; huy động các ngành các cấp vào cuộc.

Đồng tình với vấn đề này, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh liên tục được điều chỉnh và chất lượng văn bản pháp luật còn chung chung: “Chính sách pháp luật không xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, yêu cầu cấp bách của xã hội....; một số bộ ngành chưa quan tâm đến tổng kết thực tiễn. Chính sách đưa vào luật nhưng không cụ thể hoặc không xác định được nguồn lực; lấy ý kiến nhân dân qua loa, không đầy đủ, nhiều luật đưa lên mạng nhưng nhân dân không đọc; nhiều dự án không đánh giá được tác động về mặt xã hội hoặc tác động về mặt bình đẳng giới...”.

Đại biểu cũng đề nghị công tác giám sát của Quốc hội cần bám sát nội dung trọng yếu của các cuộc giám sát; đồng thời phải đảm bảo các kiến nghị sau giám sát được giải quyết thấu đáo.

Quỳnh Vinh
.
.
.