Cần Thơ nỗ lực trở thành trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Ba, 07/08/2018, 08:53
TP Cần Thơ được Trung ương xác định là đô thị hạt nhân, trung tâm động lực vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thời gian qua, thành phố tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng đồng bộ; nội lực của nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu; nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế... 

Ngày 10-8 tới đây, Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 với chủ đề: “Chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển”, trong số 54 dự án TP Cần Thơ mời gọi đầu tư với số vốn gần 5,5 tỷ USD, hiện 44 dự án đã có nhà đầu tư quan tâm. Trong 44 dự án có 22 dự án các nhà đầu tư sẵn sàng triển khai ngay nếu như các thủ tục pháp lý đáp ứng. 

Bốc xếp hàng hóa ở Cảng Cái Cui (TP Cần Thơ).

Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Để các nhà đầu tư yên tâm đến và tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư, Cần Thơ phải có sự chia sẻ nhất định đối với nhà đầu tư. 54 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư lần này cũng bao trùm các lĩnh vực mà Cần Thơ muốn phát triển. Các dự án này nếu nhà đầu tư triển khai, hoàn thiện, đưa vào vận hành sẽ góp phần làm cho Cần Thơ thay đổi diện mạo; sự phát triển lên một bước nữa và đóng vai trò là thành phố hạt nhân, trung tâm động lực vùng ĐBSCL”. 

Với tiềm lực phát triển hiện tại, Cần Thơ đang nỗ lực hướng tâm phát triển trở thành đô thị hạt nhân của vùng. Các hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố cũng đi vào trọng tâm. Năm 2018, Cần Thơ chú trọng tập trung xúc tiến đầu tư, thương mại vào các đối tác trọng điểm, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, EU... 

Với đối tác Nhật Bản, thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam, như: Chế biến nông thủy sản; máy nông nghiệp; điện tử và tiết kiệm năng lượng. Với Hàn Quốc, tập trung mời gọi các lĩnh vực điện tử; năng lượng và thiết bị công nghiệp; chế biến nông thủy sản... 

Riêng Mỹ và EU là tăng cường tiếp cận các công ty tài chính, tư vấn quốc tế và các Tập đoàn đa quốc gia, hướng tới các ngành dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính, y tế, giáo dục, phát triển năng lượng, cơ sở hạ tầng... 

Một góc Tây Đô nhìn từ sông Cần Thơ.

Chính quyền thành phố cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án từ thủ tục pháp lý thành lập đến đi vào hoạt động. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cũng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp. 

Ông Trần Quốc Hà - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ, chia sẻ: “Cần Thơ có số lượng ngân hàng hoạt động có quy mô lớn nhất trong 10 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Khả năng của các tổ chức tín dụng hoạt động ngang bằng với các thành phố trực thuộc Trung ương. Trước thềm sự kiện ngày 10-8 tới, các ngân hàng đều rất ủng hộ và cam kết hỗ trợ vốn tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố”.

Cần Thơ cũng xác định hợp tác phát triển KT-XH với các tỉnh trong vùng ĐBSCL và các tỉnh, thành trong cả nước là động lực trong phát triển, tạo điều kiện phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tận dụng được lợi thế so sánh của từng địa phương. 

Đồng thời tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngoài ngân sách và phát huy hiệu quả ngày càng cao, từng bước nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH thành phố đồng bộ, hiện đại theo tiêu chí đô thị loại I; giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế từng bước phát huy là vai trò trung tâm của vùng  ĐBSCL. 

Cầu đi bộ - một điểm du lịch đầy thú vị của TP Cần Thơ.

Đặc biệt, qua những giai đoạn phát triển, Cần Thơ đã xây dựng được hệ thống giao thông kết nối thuận lợi đến các tỉnh, thành trong cả nước và các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Điểm mạnh trong thu hút đầu tư là thành phố có lợi thế về dịch vụ, đó là có hệ thống cảng sông, cảng biển. 

Thành phố này được Chính phủ chọn là Trung tâm logistics của vùng ĐBSCL. Đây là cơ hội lớn để Cần Thơ trở thành Trung tâm dịch vụ của vùng. Theo quy hoạch của trung ương, Cảng Cần Thơ nằm trong cụm cảng biển số 6 (cảng tổng hợp và quốc tế, gồm: Cảng Hoàng Diệu, Cảng Cái Cui và một Trung tâm logistics). 

Theo ông Lê Tiến Công, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Cần Thơ, Cảng Cần Thơ là nơi thực hiện nối tiếp giữa phương thức đường bộ, đường biển, đường thủy và là cửa ngõ cho các hàng hóa của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đi vào thị trường trong nước và quốc tế. Thời gian tới, chúng ta làm tốt luồng cho tàu vào sông Hậu thì tiềm năng phát triển của ĐBSCL sẽ được khơi dậy và phát huy rất tốt.

Cần Thơ xác định, sẽ phát huy tối đa nguồn lực hiện có để phát triển KT-XH của thành phố. Tuy nhiên, để Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL, ngoài nỗ lực nội tại thì thành phố cũng cần hỗ trợ một số cơ chế từ Trung ương.

Đức Văn
.
.
.