Buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép vẫn diễn ra phức tạp

Thứ Ba, 22/01/2019, 17:43

Ngày 22-1 tại Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức họp báo thông tin về kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018, giải pháp trọng tâm 2019.


Chánh văn phòng Văn phòng thường trực 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 đã được các Ban chỉ đạo 389 các bộ ngành, địa phương chỉ đạo mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, đã chú trọng tập trung công tác xây dựng lực lượng, xử lý những vấn đề nóng, nổi cộm, đáp ứng cơ bản các mục tiêu, yêu cầu và hiệu quả công tác năm 2018 cao hơn 2017, nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm được điều tra, xử lý nghiêm minh đúng pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh kinh tế-  trật tự xã hội, tăng thu NSNN. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép vẫn diễn ra phức tạp.

Trên tất cả các tuyến biên giới đường bộ, tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế tới các tuyến đường biển hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, thẩm lậu vào nội địa diễn ra tinh vi, phức tạp. Trên tuyến đường bộ, các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa hình phức tạp, sơ hở trong công tác quản lý của các lực lượng chức năng để hoạt động. Điển hình như vụ lực lượng Bộ đội Biên phòng Cao Bằng bắt giữ 2,5 tấn pháo; Hải quan An Giang bắt giữ 103 tấn hàng phế liệu giấy hay Cục C03 bắt giữ tại Lạng Sơn và An Giang mỗi vụ gần 100 tấn hàng lậu.

năm 2018, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm, giảm 10% so với cùng kỳ 2017, thu nộp NSNN đạt 20.123 tỷ 508 triệu đồng;

Tại các cửa khẩu cảng biển quốc tế trọng điểm như khu vực Cảng Hải phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp, với các thủ đoạn tinh vi, chủ yếu lợi dụng bất cập trong chế độ chính sách, các ưu đãi về thuế, tiêu chuẩn hàng hoá và công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Hàng hoá vi phạm chủ yếu là ma tuý, động vật hoang dã, máy móc thiết bị…

Tại vùng biển Đông Bắc, Miền Trung và Tây Nam Bộ, các đối tượng buôn lậu xăng dầu hoạt động rất mạnh, chúng móc nối với các đối toing nước ngoài để đưa tầu trở xăng dầu tới các cùng biển giáp gianh để sang mạn, chuyển tải cho các tàu của Việt Nam. Một số đối tượng còn cải hoán tàu đánh bắt xa bờ thành tàu chở dầu, nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Năm 2018, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ, có vụ thu giữ gần 5 triệu lít dầu DO, trị giá trên 57 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại thị trường nội địa tình trạng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hoá không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều nơi với nhiều mặt hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hoá tiêu dùng, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Hoạt động buôn bán hàng hoá giả, hàng kém chất lượng qua mạng internet chưa được kiểm soát hiệu quả gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo báo cáo, năm 2018, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 202.980 vụ việc vi phạm, giảm 10% so với cùng kỳ 2017, thu nộp NSNN đạt 20.123 tỷ 508 triệu đồng; khởi tố 1.979 vụ, tăng 21% so với cùng kỳ 2017, 2.339 đối tượng, tăng 10% so với cùng kỳ 2017. 

Trong đó, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 6.934 vụ việc, thu nộp NSNN đạt 200 tỷ 988 triệu đồng, khởi tố hình sự 1.000 vụ, 1.295 đối tượng; Bộ đội Biên phòng phát hiện, xử lý 3.056 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN 46 tỷ 844 triệu đồng, khởi tố 856 vụ với 1004 đối tượng; lực lượng Cảnh sát Biển phát hiện, xử lý 267 vụ vi phạm, nộp NSNN hơn 122,6 tỷ đồng, khởi tố 61 vụ; lực lượng Hải quan thông qua hoạt động chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện, xử lý 24.238 vụ việc vi phạm, nộp NSNN hơn 2.807,2 tỷ đồng, khởi tố hình sự 62 vụ.

Tại cuộc họp báo, ông Đàm Thanh Thế cho biết, cuối tháng 11-2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ký ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương đã chủ động thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo định kỳ, đột xuất trên địa bàn theo tuyến, mặt hàng trọng điểm... nhất là vào dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, lực lượng chuyên trách mỏng về số lượng, nên các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng đêm tối vận chuyển trái phép hàng qua biên giới, điểm nóng là các tỉnh biên giới phía Bắc.

Ngay sau khi báo chí phản ánh hiện tượng ồ ạt buôn lậu qua biên giới Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo yêu cầu xác minh phản ánh tình trạng buôn lậu tại Quảng Ninh kết quả báo cáo về Văn phòng Ban 389 quốc gia trước ngày 15-2-2019.

Đối với tỉnh Lạng Sơn, ngày 16-1, Văn phòng Ban 389 quốc gia đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn về việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán và đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với những cán bộ, công chức, chiến sỹ có biểu hiện tiêu cực, tiếp tay cho buôn lậu, để phát sinh diễn biến phức tạp, nổi cộm về buôn lậu trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các lực lượng nòng cốt như: Hải quan, Bộ đội biên phòng tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động của 21 lán với khoảng 60 cán bộ, chiến sỹ thường xuyên trực chốt chặn 24/24 giờ trên một số đường mòn trọng điểm, nhằm kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu.



Lưu Hiệp
.
.
.