Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Dự án “đắp chiếu” không loại trừ việc cố ý vi phạm pháp luật

Thứ Năm, 03/11/2016, 15:20
“Trong trách nhiệm của các bộ chủ quản cũng như các bộ chuyên ngành cần phải xem xét lại việc chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện. Thậm chí không loại trừ những hành động có sự cố ý vi phạm pháp luật trong quản trị cũng như điều hành các hoạt động đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước” – Bộ trưởng nói.

Giải trình tại hội trường ngày 3-11 về các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, không chỉ có 5 dự án (bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ và các dự án về ethanol, cồn sinh học) mà còn một số dự án khác cũng tiềm ẩn những nguy cơ tồn đọng, mất vốn đầu tư từ nguồn lực của nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, các dự án này đều diễn ra trong một thời gian rất dài so với quá trình đầu tư được phê duyệt. Đồng thời trong quá trình thực hiện có rất nhiều vướng mắc, thay đổi cả về bối cảnh của thị trường cũng như cả các vấn đề cụ thể trong từng dự án… Bộ trưởng khẳng định, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đang tổng hợp, đánh giá, rà soát, kiểm tra một cách triệt để và toàn diện.

Sau đó sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ về thực trạng dự án, quá trình điều hành dự án và trách nhiệm của các cấp quản lý, chủ đầu tư; xác định giải pháp để thực hiện dự án trên nguyên tắc bảo vệ và giữ gìn lợi ích của nhà nước, cũng như đảm bảo không thất thoát thêm vốn của Nhà nước… Đồng thời làm rõ trách nhiệm của tất cả các cá nhân cũng như đơn vị có liên quan để từ đó có biện pháp xem xét, xử lý.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Bàn về giải pháp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng phải rạch ròi và làm rõ hơn nữa trong công tác về quản lý các nguồn lực đầu tư của nhà nước; làm rõ cơ quan quản lý nhà nước đối với các phần vốn trong doanh nghiệp nhà nước bởi qua các dự án đã bộc lộ lỗ hổng về khung pháp lý, thể chế và vai trò, trách nhiệm của các bộ quản lý.

“Trong trách nhiệm của các bộ chủ quản cũng như các bộ chuyên ngành cần phải xem xét lại việc chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện. Từ khâu chiến lược, quy hoạch cho đến các chủ trương đầu tư và các nội dung cụ thể. Thậm chí không loại trừ những hành động có sự cố ý vi phạm pháp luật trong quản trị cũng như điều hành các hoạt động đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước” – Bộ trưởng nói.

Giơ biển xin tranh luận tại hội trường, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương sớm lập danh mục những dự án thua lỗ, kém hiệu quả và “đắp chiếu” bởi như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa nói là còn nhiều dự án nữa.

“Nếu chúng ta không công bố rộng rãi thì cũng phải nắm cho chắc, bởi vì chỉ cần mỗi một ngày trôi qua lỗ 2-3 tỷ hay mỗi năm lỗ 50-70 tỷ cộng lại thì sẽ là con số hết sức to lớn. Trong khi vùng sâu, vùng xa hàng chục triệu đồng bào ở diện nghèo rất cần những khoản kinh phí đang bị tiêu tốn vào những dự án ấy” – đại biểu nhấn mạnh.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa tranh luận tại hội trường

“Tôi nghĩ cả xã hội cũng như tất cả đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến các dự án hiện nay bị “đắp chiếu”, một nguồn lực rất lớn của xã hội, đất nước đang bị lãng phí. Bộ trưởng đã tính toán phương án để xử lý những dự án bị “đắp chiếu” này chưa? Mong Bộ trưởng cho Quốc hội biết và cho công luận biết”, ĐBQH Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) chất vấn.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần tổ chức tổng kết, đánh giá mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước trong giai đoạn 2005-2015. Đây là cơ hội để chúng ta đánh giá một cách toàn diện về những vấn đề đó, đồng thời có giải pháp xử lý hiệu quả, rút kinh nghiệm cho việc tái cơ cấu trong thời gian tới.

“Nếu nói tham nhũng là quốc nạn thì theo tôi lãng phí cũng tác động xấu tới nền kinh tế - xã hội không kém gì tham nhũng. Các dự án đầu tư, nếu để xảy ra lãng phí cần được phân tích nguyên nhân, quy được trách nhiệm và xử lý nghiêm minh, kịp thời, công khai, đồng thời có giải pháp để ngăn ngừa tình trạng lãng phí hiện nay với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của mọi người dân” – ông nói.

Quỳnh Vinh
.
.
.