Bộ trưởng Tô Lâm kiểm tra công tác cải cách tư pháp ở Đắk Lắk

Thứ Tư, 19/12/2018, 16:57
Sáng nay, 19-12-2018, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ban Cải cách tư pháp Trung ương dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc với Tỉnh ủy Đắk Lắk về thực hiện cải cách tư pháp.


Theo báo cáo của tỉnh ủy Đắk Lắk, thực hiện Nghị quyết số 49, ngày 12-3-2014, của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020, từ đầu năm 2016 đến giữa năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. 

Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân được chú trọng nâng cao cả về chất và lượng. Bộ máy cơ quan, đội ngũ cán bộ tư pháp cũng được củng cố, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực, hiệu quả công tác.

Thượng tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ban Cải cách tư pháp Trung ương-chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng ở tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tư pháp.

Các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo dân chủ, lợi ích, quyền hợp pháp của các đương sự. 

Đơn cử là riêng ngành Tòa án hai cấp trong toàn tỉnh đã đưa ra xét xử 8.334 vụ việc theo tinh thần cải cách tư pháp. Trong đó, có 954 vụ việc có luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

 Việc tranh tụng tại tòa cũng được đề cao và chất lượng tranh tụng cũng được cải thiện. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện 4.550 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 4550 đối tượng, trong đó, có 1.116 vụ việc tham gia tố tụng. Có 7.355 vụ việc giám định tư pháp, trong đó, có 7.208 vụ việc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

  Các định chế tư pháp mới cũng được triển khai đi vào thực tiễn.  Công tác hợp tác, tương trợ, hỗ trợ tư pháp quốc tế cũng được tăng cường hơn. Hiệu quả giám sát của nhân dân và các cơ quan dân cử, tổ chức xã hội đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp được mở rộng, nâng cao. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, 1 số cấp ủy, chính quyền, cơ quan tư pháp cơ sở còn chưa quan tâm đúng mức về cải cách tư pháp nên đã để xảy ra 1 số vụ việc gây dư luận xấu cho xã hội.

Qua kiểm tra, Thượng tướng Tô Lâm đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Đắk Lắk đã đạt được.  Song song đó, Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm để trong thời gian tỉnh Đắk Lắk tập trung thực hiện nhằm tạo bước chuyển biến tích cực hơn nữa công tác cải cách tư pháp. 

Trong đó, một trong những khâu đột phá là phải điều chuyển, phân công, phân cấp, bố trí lại lực lượng, bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, lực lượng khác để hoạt động hiệu quả, phòng ngừa tốt các vi phạm pháp luật hình sự, tham mưu cấp trên và tham gia giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữa người dân với các cơ quan, tổ chức; hòa giải, giải quyết thỏa đáng các tranh chấp khiếu kiện ngay  tại cơ sở để không có điều kiện nảy sinh tội phạm, từ đó làm giảm đầu vào của tội phạm, các vụ án hình sự, dân sự. 

Từ đó làm giảm áp lực đối với hoạt động tư pháp.  Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng các cấp ở tỉnh Đắk Lắk cần chú trọng và kiên quyết phòng, chống những tiêu cực, vi phạm trong hoạt động tư pháp để việc cải cách tư pháp được thực hiện đạt được kết quả tốt hơn.

Với các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Thượng tướng Tô Lâm cũng ghi nhận, tiếp thu để tập hợp, báo cáo lại với Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ nhằm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hơn hệ thống các văn bản pháp quy về tư pháp nhằm vừa kịp thời giải quyết những yêu cầu cấp bách trước mắt, vừa đảm bảo tính chiến lược lâu dài, góp phần quan trọng bảo vệ nền pháp chế quốc gia, ổn định đất nước và tạo thêm động lực quan trọng để thúc đẩy xã hội phát triển.

Nguyễn Trọng
.
.
.