Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội trả lời chất vấn
Sáng 5-6, mặc dù mới chỉ có 1 tiếng dành cho chất vấn – trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung nhưng đã có 68 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung.
- Đại biểu Quốc hội và cử tri kỳ vọng gì ở phiên chất vấn?
- Chương trình chất vấn tại Quốc hội sẽ diễn ra như thế nào?
- Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể được đề nghị chất vấn nhiều nhất
- 5 Bộ trưởng “đăng đàn” trả lời chất vấn Quốc hội
- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời chất vấn
Ưu tiên giáo dục nghề nghiệp
Mở đầu phiên chất vấn đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Trần Văn Mão (Nghệ An), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), gửi tới Bộ trưởng chất vấn về giải pháp ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trình độ lao động; sắp xếp lại các trung tâm dạy nghề;...
Về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay thấp, chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đào tạo còn bất cập, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng cả về kỹ năng, thu nhập, độ an toàn, mạng lưới an sinh... do đó thời gian tới ưu tiên cho giáo dục nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Bộ chọn năm 2018 là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp, trong đó: Tiến hành quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh sang tự chủ tạo động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp; chuyển hẳn sang một hướng mới là kết nối đào tạo với doanh nghiệp, doanh nghiệp đồng hành với giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo gắn với thị trường, với cung cầu lao động... Bộ trưởng khẳng định, đây mới là sự mở đầu, nhưng là sự mở đầu quan trọng cho một hướng đi mới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn |
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh sắp xếp lại các đơn vị đào tạo, sáp nhập các trung tâm cấp huyện, những trường nào không tuyển sinh được, không đáp ứng nhu cầu thì kiên quyết sắp xếp lại, thậm chí giải thể, theo tinh thần bảo đảm tinh gọn bộ máy, nhưng hoạt động có hiệu quả.
Bước đầu ngăn chặn tình trạng lao động ở lại bất hợp pháp, bỏ trốn
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng); Nguyễn Tạo (Lâm Đồng); Đôn Tuấn Phong (An Giang) chất vấn giải pháp nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động; giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại trẻ em; giải pháp quản lý tình trạng lao động các tỉnh giáp biên tự do lao động ở nước ngoài...
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng cho biết đây là một chủ trương của Đảng, Nhà nước đã được luật pháp quy định cụ thể, chúng ta đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa 1 triệu thanh niên đi lao động, học tập ở nước ngoài, năm 2017 chúng ta đưa được 1340.000 lao động đi xuất khẩu,... việc này đem lại lợi ích rất lớn, 1 năm thu về khoảng 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động còn những bất cập như tỷ lệ lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước, ở lại lao động bất hợp pháp vẫn xảy ra ở một số thị trường (Hàn Quốc),... Bộ đã có nhiều giải pháp xử lý quyết liệt, bước đầu đã ngăn chặn được tình trạng này...
Về giải pháp bảo vệ lao động qua biên giới, thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo tập trung xử lý vấn đề này. Hiện chúng ta ước tính khoảng 139.000 lao động thường xuyên qua biên giới làm việc. Chúng ta thiếu khuôn khổ pháp lý về vấn đề này. Tuy nhiên có những nước đã đàm phán được, có những nước chưa thể đàm phán xong... Hiện Bộ đang hướng dẫn 7 tỉnh phía Bắc ký biên bản với các địa phương phía bạn về bảo vệ lao động.
Phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em
Về phòng chống bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em, Bộ trưởng cho biết chúng ta đã có đầy đủ các khung pháp lý về vấn đề này; chúng ta cũng đã tiến hành thực hiện nhiều giải pháp như: tuyên truyền vận động; công bố đường dây nóng; xử lý nghiêm các vụ việc nổi cộm... Nhưng gần đây xuất hiện một số vụ việc có tính chất phức tạp hơn, gây bức xúc xã hội...
Thời gian tới Bộ sẽ rà soát lại các quy định pháp lý, quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương; đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, xã hội, gia đình để thực hiện tốt công tác này.
Tập trung nâng cao chất lượng lao động
Trước khi chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trình bày báo cáo gửi ĐBQH về những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung thực hiện một loạt giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động và giải quyết việc làm như: Hình thành hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự phân tầng, đào tạo những nghề mũi nhọn, đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp có công nghệ tiến tiến; đồng thời có những trường có những nghề phổ biến, đào tạo nhân lực có tính đại trà cho các doanh nghiệp trong cả nước.
Khuyến khích hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm đào tạo tại doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng các yếu tố bảo đảm, như đội ngũ giáo viên, đầu tư đồng bộ thiết bị đào tạo hướng tới phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng linh hoạt, gắn với định hướng sử dụng kỹ năng lao động của doanh nghiệp; đổi mới phương thức theo hướng đào tạo theo tín chỉ, nhằm đáp ứng nhu cầu học suốt đời của người lao động.
Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động ở các cấp để bảo đảm cho các hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng vào việc đáp ứng nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.
Và một trong những giải pháp có tính đột phá là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề nghiệp. Doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời cũng là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình. Xây dựng mô hình “Trường trong doanh nghiệp” - mô hình được thực hiện từ lâu ở nhiều nước công nghiệp…
Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm, các Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác tùy theo chất vấn có liên quan (nếu có).