Bộ Công an cam kết không tăng biên chế khi sửa đổi Luật CAND
Đó là khẳng định của Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại Phiên họp thứ 26 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), cho ý kiến về Luật CAND (sửa đổi) sáng nay, 10-8.
- Rút dự án Luật Công an xã để nhập vào Luật CAND (sửa đổi)
- Xin ý kiến Bộ Chính trị trần cấp tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh loại I
- Cho ý kiến về Luật CAND (sửa đổi) tại Phiên họp 26 UBTVQH
- Sửa đổi Luật CAND để “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”
- Sửa đổi Luật CAND đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANTT trong tình hình mới
Có cơ sở thực tế để không tăng biên chế
Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trước đây khi trình dự án Luật CAND (sửa đổi), Chính phủ cam kết không tăng biên chế, không tăng ngân sách. Bây giờ Chính phủ có đảm bảo thực hiện đúng như báo cáo đánh giá tác động hay không?
“Khi chúng ta sắp xếp lại theo Nghị quyết 22 thì một số cán bộ được nghỉ sớm và phải có chế độ. Trừ số tăng để giảm biên chế thì đương nhiên, còn các chính sách khác như thế nào đề nghị báo cáo rõ hơn” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp |
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn về giải trình của UBQPAN khi đồng ý Công an xã chính quy nhưng để Chính phủ quy định; đồng thời tiếp tục thực hiện Pháp lệnh Công an xã. “Cho quy định bằng nghị định nhưng đồng thời cho điều khoản chuyển tiếp, tiếp tục áp dụng Pháp lệnh Công an xã thì rất khó, vì pháp lệnh quy định Công an xã là bán chuyên trách” – bà Nga nêu ý kiến.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Ban soạn thảo sẽ báo cáo với Chính phủ, cam kết với Chính phủ và Chính phủ sẽ cam kết với Quốc hội sẽ không tăng biên chế. Và con số thực tế đã tính hiện nay hoàn toàn có cơ sở để làm việc đó.
“Trong Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị đã cho phép CAND được giữ biên chế như hiện nay đến năm 2021. Hiện Bộ Công an đang trong quá trình triển khai Nghị định 01 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an thì cũng hoàn toàn duy trì điều này” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, nhìn chung sẽ tính toán để biên chế ở Bộ khoảng 15%. “Hiện tại là 21-22%, chúng tôi sẽ giảm khoảng 6% số biên chế này theo lộ trình, kế hoạch. Trong số 85% ở địa phương thì cấp tỉnh khoảng 30%, huyện khoảng 30%, còn lại ở xã. Chúng tôi sẽ bố trí đảm bảo đủ, cân đối giữa các lực lượng để đáp ứng yêu cầu công tác”, Bộ trưởng phân tích.
Còn đào tạo, tiếp nhận mới là theo tự nhiên, cũng như số cán bộ sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Việc sinh viên vào các trường đại học là đào tạo tiếp để có lớp cán bộ kế tiếp, đảm bảo không có sự đứt quãng. Ngoài ra Bộ cũng sẽ tuyển những sinh viên tiêu biểu, đủ các điều kiện, tốt nghiệp các trường đại học khác vào công tác trong lực lượng Công an theo đúng quy định, không tăng thêm biên chế…
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Về vấn đề ngân sách, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ngân sách hàng năm của Bộ Công an dự trù đối với Chính phủ, Quốc hội thường đảm bảo khoảng 50% so với nhu cầu, trong đó chủ yếu là trả lương cho cán bộ; cấp phát quần áo, trang phục, phương tiện; xây dựng trụ sở; nuôi phạm nhân (từ 70-80%).
Còn phục vụ phát triển tỷ lệ rất ít. Mà quyết định Ngân sách là ở Quốc hội, Chính phủ. “Ngân sách đảm bảo không tăng, còn quyền kiểm tra, giao ngân sách và chi tiêu thì không thể tăng được” – người đứng đầu Bộ Công an khẳng định.
Đã Công an là phải chính quy
Về ý kiến của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Luật lần này trên cơ sở có đánh giá, tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Công an xã. Và đây là thời điểm để nâng cấp Pháp lệnh Công an xã, đưa những vấn đề thuộc phạm vi của Công an chính quy mà Luật CAND đã quy định vào.
“Đã Công an là phải chính quy, từ trung ương đến địa phương, chứ không có khái niệm Công an không chính quy thì rất khó trong hoạt động thực tế, thực thi pháp luật và làm việc với nhân dân” – Bộ trưởng nêu. “Còn những lực lượng không chính quy, bán chuyên trách như lực lượng bảo vệ cơ quan xí nghiệp, lực lượng dân phòng…, chúng tôi đề xuất với Quốc hội ban hành một Luật tạm gọi là Luật lực lượng trị an cơ sở, giống như Luật Dân quân tự vệ của Bộ Quốc phòng”, Bộ trưởng thông tin thêm.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc |
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hiện nay trên thực tế cũng gặp nhiều bất cập trong việc này, trong quản lý, đào tạo, chế độ chính sách… Lực lượng Công an xã không chính quy nhưng tên thì vẫn có từ “Công an”, làm một số nhiệm vụ của Công an. “Rồi một số vụ việc báo chí đưa tin “Công an đánh người, Công an vi phạm pháp luật”, nhưng khi hỏi ra thì không chính quy, rất phức tạp…”
Đối với ý kiến Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, khi chính quy hoá lực lượng Công an xã sẽ khiến chính quyền cấp xã nặng nề thêm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: “Trước đây chúng tôi cũng đã có các phương án tách riêng để không làm nặng nề, can thiệp vào chính quyền địa phương nhưng hầu như không địa phương ủng hộ. Họ nói Công an thì phải gắn với sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương”
Bộ trưởng cho hay, nhiều lãnh đạo địa phương khẳng định, nếu phường, xã không có Công an thì rất khó hoạt động trong thực tế. “Ở phường rất nhiều nơi cơ cấu Công an vào cấp uỷ. Thậm chí nhiều nơi Phó Chủ tịch xã kiêm Trưởng Công an xã, và không làm nặng nề thêm” – Bộ trưởng khẳng định.
Về ý kiến Công an xã tự nguyện xin nghỉ việc, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ ra một số nguyên nhân: “Một là áp lực công việc quá lớn, người ta gọi là “vác tù và”. Thứ hai chế độ chính sách không được bảo đảm, vì họ không phải công chức mà chủ yếu tiền hỗ trợ của địa phương, đồng lương không thể đảm bảo cuộc sống. Áp lực nữa là tấn công, đe doạ của tội phạm, khiến nhiều anh em tâm tư. Thậm chí gia đình, vợ con của họ cũng bị đe doạ khi tấn công trấn áp tội phạm. Trong khi đó họ không được quản lý, không được đào tạo”.
Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, đối với số này chủ yếu là vận động họ làm, nhưng khi họ xin nghỉ thì buộc phải cho họ nghỉ. “Khi họ xin nghỉ không làm thì không có chính sách gì để cải thiện việc đó được” – Bộ trưởng nói.