Bài học từ lòng dân trong việc hỗ trợ hạn hán ở Gia Lai
- Nhiều khu vực nội thành Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt
- 139.000 ha lúa thiệt hại, nửa triệu người thiếu nước sinh hoạt
- Hàng chục ngàn hộ dân Bình Phước thiếu nước sinh hoạt
Để giải quyết những khó khăn do hạn hán gây nên, Nhà nước đã hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân để ổn định cuộc sống, tiếp tục đầu tư sản xuất... Thế nhưng, việc thống kê không đầy đủ trong việc hỗ trợ hạn hán ở Gia Lai, gây bức xúc dư luận.
Do bị thiệt hại hoa màu vì hạn hán nhưng không có tên trong danh sách hỗ trợ nên nhiều người dân ở các xã Ia HLốp, HBông... huyện Chư Sê; xã Ia Drăng, huyện Chư Prông; xã Ia Din, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã khiếu nại tập trung.
Lực lượng CAND hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân trong mùa hạn ở Tây Nguyên. |
Cụ thể, xã Ia Drăng, Chư Prông được hỗ trợ 250 triệu đồng cho 108 hộ có diện tích cà phê, tiêu, lúa nước bị thiệt hại do nắng hạn gây ra. Do người dân khiếu nại nên chính quyền xã đang kiểm tra lại các hộ nhận tiền hỗ trợ có đúng theo quy định không, nếu không đúng sẽ vận động thu hồi lại.
Còn ông Lê Sỹ Quý - Chủ tịch UBND xã Ia HLốp, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết, danh sách cán bộ địa chính - nông nghiệp báo cáo lên xã đợt hạn hán vụ đông xuân năm 2015-2016 có 753 hộ với tổng diện tích cây cà phê, hồ tiêu bị ảnh hưởng là hơn 514 ha.
Theo quy định, diện tích cà phê, hồ tiêu bị mất trắng được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; diện tích bị thiệt hại 30-70% được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Ông Quý thừa nhận việc chi trả tiền nạo vét giếng, ao, hồ... công tác triển khai ở một số thôn làng chưa sâu sát, chưa thông báo rộng rãi để người dân biết đến kê khai đăng ký mà chủ yếu do cán bộ thôn tự lập danh sách gửi về xã nên nhiều hộ dân không biết.
Đây cũng chính là những sai sót gây bức xúc trong nhân dân mà Chủ tịch UBND huyện Chư Sê yêu cầu lãnh đạo UBND xã Ia HLốp và các cán bộ liên quan ở địa phương phải kiểm điểm trách nhiệm, làm rõ những sai trái để thu hồi tiền cấp sai đối tượng nhằm thực hiện sự công bằng trong hỗ trợ khắc phục hạn hán để lấy lại niềm tin trong nhân dân.
“Trước mắt, xã Ia HLốp đã phát hiện 6 ha diện tích cây trồng kê khai thiệt hại bị hạn không đúng nên phải tiến hành thu hồi lại kinh phí hỗ trợ. Riêng việc hỗ trợ kinh phí đào giếng, ao... do cấp không đủ số lượng kê khai nên người dân thống nhất tự chia đều nên rất khó thu hồi”, ông Lê Sỹ Quý - Chủ tịch UBND xã Ia HLốp cho biết.
Trong đợt hạn vừa qua, huyện Chư Sê được hỗ trợ khoảng 7 tỷ đồng, Phòng NN&PTNT huyện căn cứ trên danh sách các xã đưa lên để cấp tiền cho dân. Qua kiểm tra cho thấy, việc thiếu sót đối với người bị thiệt hại là do chính quyền địa phương, cán bộ làm công tác ở thôn, xã chưa rà soát kỹ trong dân mà làm theo kiểu cảm tính, sơ sài, thiếu chặt chẽ...
Lãnh đạo UBND huyện Chư Sê đã trực tiếp xuống gặp người dân để giải thích và thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tất cả 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện về công tác hỗ trợ hạn hán cho dân để giải quyết dứt điểm khiếu nại, đem lại công bằng cho người dân.
Trong khi đó, ở đợt 1, huyện Chư Prông có 19 xã, thị trấn có tổng diện tích bị thiệt hại do hạn hán hơn 1.118 ha, được tỉnh hỗ trợ hơn 2,2 tỉ đồng. Hiện tại, UBND huyện cũng yêu cầu các xã rà soát, kiểm tra việc hỗ trợ kinh phí, không để người dân thắc mắc khiếu nại...
Kinh phí hỗ trợ giải quyết khắc phục hạn hán cho nhân dân là một chính sách phù hợp, rất nhân văn của Nhà nước, nhưng nếu ở các địa phương thực hiện không khách quan, thiếu sâu sát, kịp thời... thì sẽ dẫn đến mất lòng tin trong nhân dân.
Bài học từ thực tiễn ở Gia Lai cho thấy vẫn còn sự thiếu sâu sát, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ ở thôn, xã... đã làm nhân dân bất bình.
Đây cũng là bài học đắt giá cho chính quyền các cấp, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa cần rút kinh nghiệm, tăng cường công tác quản lý cán bộ, kiểm tra giám sát việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của cán bộ ở thôn, làng nhằm tránh những việc làm cảm tính, thiếu khách quan khi tiếp xúc, xử lý công việc trực tiếp với nhân dân...