APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển

Thứ Ba, 16/05/2017, 12:51

Tại phiên họp Đối thoại nhiều bên của APEC về tầm nhìn 2020 và tương lai khai mạc sáng 16-5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và phát biểu chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh tới chìa khóa thành công mới dành cho APEC hiện nay.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát hiểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại, Chủ tịch nước nhấn mạnh APEC đang chuẩn bị bước vào thập niên thứ tư trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc. Thế giới đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ số, đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu.

Quá trình liên kết kinh tế sâu rộng và sự thay đổi công nghệ, đặc biệt là tự động hoá và trí tuệ nhân tạo, đang làm thay đổi diện mạo các ngành nghề nhanh hơn khả năng tự điều chỉnh của các nền kinh tế. Đồng thời, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và già hóa dân số đặt ra những yêu cầu mới đối với tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực.

Hướng tới năm 2020, việc đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu Bô-go càng trở nên quan trọng trong bối cảnh sự hoài nghi về toàn cầu hoá và lợi ích của thương mại tự do đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới. Toàn cầu hoá là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược, song chúng ta hoàn toàn có thể góp phần tái định hình tiến trình toàn cầu hóa mang tính nhân văn, bao trùm và bền vững hơn. 

Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm các nền kinh tế APEC đưa ra thông điệp khẳng định tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa mới tiến bộ hơn. Chúng ta cần xây dựng tầm nhìn mới sau 2020 nhằm đem lại cho APEC một giá trị và vai trò mới trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu đang thay đổi.

Chủ tịch nước nhận định rằng "chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay chính là APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển", trong đó cần đặc biệt chú trọng thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo, đưa các thành phần trong xã hội cùng tham gia và thụ hưởng từ sự phát triển và thịnh vượng chung.

Đồng thời trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đặt ra yêu cầu đối với công tác thông tin nhằm giúp công chúng thấy được những lợi ích của toàn cầu hoá, của tự do thương mại và đầu tư, chung tay thúc đẩy một mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn.

Cũng trong buổi đối thoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề nghị các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các đại biểu thảo luận để làm rõ thêm 3 vấn đề chính xoay quanh APEC, gồm những biện pháp và lĩnh vực hợp tác cụ thể để thúc đẩy việc hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bô-go đúng thời hạn vào năm 2020; mục tiêu và khung thời gian cho APEC giai đoạn sau 2020 cùng các trụ cột hợp tác của APEC; và xác định các bước đi để xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Đại sứ Don Campbell, đồng Chủ tịch Cuộc họp Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương năm 2017 nhấn mạnh mục tiêu Bogor từng được các lãnh đạo APEC đề ra từ cách đây 25 với mong muốn thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tính đến 2020. Ông khẳng định dù mỗi quốc gia có một lý do riêng để tham gia APEC, xong chắc chắn các thành viên APEC đều có cùng chung một mục tiêu hướng tới nền kinh tế thịnh vượng và gắn kết chặt chẽ với nhau.

Tại buổi Đối thoại, các đại biểu đã cùng nhau tham gia thảo luận về các vấn đề xoay quanh những thác thức, cơ hội của APEC trong thời đại mới, cũng như những mục tiêu và tầm nhìn hướng tới 2020 và tương lai dành cho APEC.

"Đối thoại nhiều bên của APEC về tầm nhìn 2020 và tương lai" là sáng kiến của Việt Nam trong năm APEC 2017 với mong muốn tạo được diễn đàn trao đổi ý tưởng, xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020, để từ đó xác định được các bước đi và định hình các khuyến nghị báo cáo các Bộ trưởng và lãnh đạo cấp cao vào tháng 11 tới đây.

An Nhiên - Duy Tiến
.
.
.