25-35% số vụ khiếu nại tố cáo đúng nhưng cán bộ bị xử lý trách nhiệm ít

Thứ Tư, 14/11/2018, 10:06

“Qua giám sát cho thấy, mặc dù số vụ việc khiếu nại, tố cáo có yếu tố đúng chiếm 25-35% nhưng số cán bộ bị xử lý trách nhiệm còn ít, thậm chí có địa phương chưa xử lý trường hợp nào; việc thu hồi tài sản sau khi giải quyết sai phạm được còn khó khăn” – Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết.



Quốc hội tiếp nhận hơn 43.000 đơn nhưng chỉ 27,39% đơn đủ điều kiện

Trình bày trước Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (từ 16-8-2017 đến 15-8-2018), Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết: Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH (sau đây gọi chung là Quốc hội) đã tiếp nhận 43.324 đơn thư khiếu nại, tố cáo (sau đây gọi chung là đơn), tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Trong tổng số đơn gửi Quốc hội có 31.460 đơn nặc danh, trùng nội dung, đơn không đủ điều kiện được xếp lưu theo dõi (chiếm 72,61%); 11.864 đơn đủ điều kiện (chiếm 27,39%). Như nhiều kỳ báo cáo trước, nội dung đơn chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm khoảng 70%).

Ngoài ra tại kỳ này nổi lên một số nội dung khiếu nại, tố cáo mới thuộc lĩnh vực văn hóa như xếp hạng, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, phong tặng danh hiệu nghệ sĩ; thuộc lĩnh vực giáo dục như sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tiêu cực trong thu chi ở một số trường học, thực hiện chế độ cho giáo viên không đúng quy định, về những bất cập trong chương trình sữa học đường…

Sau khi nghiên cứu, Quốc hội đã chuyển 6.968/11.864 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết (đạt 58,73%); ban hành 1.600 văn bản hướng dẫn, trả lời công dân; còn lại 3.296 đơn tiếp tục nghiên cứu, lưu theo dõi.

Trưởng ban Dân nguyện đánh giá, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của các bộ, ngành, địa phương có sự chuyển biến tốt hơn so với một số năm trước. Chính phủ và nhiều địa phương đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác xây dựng thể chế, ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Đặc biệt, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực đã chủ trì nhiều cuộc họp giữa các bộ, ngành và địa phương để trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài được dư luận quan tâm.

Tính công khai minh bạch trong các hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được nâng cao, các thông báo, kết luận tiếp công dân và kết quả giải quyết đã được nhiều tỉnh, nhiều cấp công bố trên cổng thông tin điện tử…

Nơi nào tiếp công dân tốt thì khiếu kiện vượt cấp giảm

Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu UBND các cấp ở nhiều địa phương có sự chuyển biến rõ rệt, chẳng hạn như Chủ tịch UBND một số tỉnh tiếp công dân định kỳ vượt định mức như ở Tiền Giang (tiếp 27/12 ngày, đạt 225% quy định), Tuyên Quang (24/12 ngày, đạt 200%); Sóc Trăng (12/12 ngày, đạt 100%).

Trong số 42 tỉnh có số liệu báo cáo, 7 tỉnh tỷ lệ tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch cấp huyện vượt định mức như: Hậu Giang (đạt 189% định mức), Hải Phòng (178%), Phú Thọ (135%), Bình Dương (115%), Lâm Đồng (114%), Quảng Ninh (113%), Tiền Giang (111%)

Trong số 38 tỉnh có số liệu báo cáo, có 1 tỉnh tỷ lệ tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch cấp xã vượt định mức (Kon Tum đạt 109%); 1 tỉnh đạt 100% quy định (An Giang).

Toàn cảnh hội trường

“Thực tế cho thấy, đơn vị nào có chất lượng tiếp công dân tốt thì nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, việc khiếu nại vượt cấp giảm đáng kể như tại Hậu Giang, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Ninh... đồng thời việc đôn đốc, thi hành quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật cũng được quan tâm hơn và có những chuyển biến tích cực” – Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại, hạn chế: Một số đơn do Quốc hội chuyển đã giải quyết nhưng việc trả lời, thông báo kết quả đến cơ quan chuyển đơn còn chậm, nên khó theo dõi, giám sát. Nhiều vụ việc có thời gian nghiên cứu kéo dài (thường phải có văn bản đôn đốc mới có văn bản trả lời), khi trả lời thường rất chung chung, không nêu rõ lộ trình giải quyết, nên khó báo tin cho công dân gửi đơn.

Việc đối thoại của người có thẩm quyền tại một số nơi còn hình thức, chưa được coi trọng đúng mức, việc ủy quyền đối thoại trong một số trường hợp gây bức xúc cho người khiếu nại nên khó tạo được sự đồng thuận,..;

“Ngoài ra, qua giám sát cho thấy, mặc dù số vụ việc khiếu nại, tố cáo có yếu tố đúng chiếm 25-35% nhưng số cán bộ bị xử lý trách nhiệm còn ít, thậm chí có địa phương chưa xử lý trường hợp nào; việc thu hồi tài sản sau khi giải quyết sai phạm được còn khó khăn”, bà Hải nêu.

An Quỳnh
.
.
.