Khiếu nại, tố cáo phải được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở

Chủ Nhật, 20/05/2018, 07:23
Ngày 19-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá chính xác tình hình, nguyên nhân tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan từ chính phía những người giải quyết công tác này và những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước.

Cùng dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; lãnh đạo các bộ, ngành và 27 tỉnh, thành phố có khiếu kiện đông người, phức tạp.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhưng tình hình khiến kiện đông người, vượt cấp kéo dài còn diễn biến phức tạp. Do vậy, Chính phủ tổ chức hội nghị, triệu tập lãnh đạo 27 địa phương để cùng tìm nguyên nhân, giải pháp xử lý vấn đề.

Nhấn mạnh đến nguyên nhân từ phía chủ quan, Thủ tướng cho rằng, những cơ quan quản lý, chính quyền địa phương phải tự hỏi đã làm tròn trách nhiệm với dân trong vấn đề này hay chưa, nhất là Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, đã dành thời gian, công sức, lắng nghe từng vụ việc cụ thể hay chưa? Từ việc xác định những nguyên nhân và tồn tại, các đại biểu cần nêu giải pháp, kinh nghiệm và những đề xuất với Trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại Hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gặp gỡ, đối thoại với nhân dân, Thủ tướng nêu thực tế trong một lần đi xử lý một vụ việc có gặp gỡ người dân và hỏi người dân có biết mặt Chủ tịch huyện hay không thì nhận được câu trả lời là chưa từng gặp Chủ tịch huyện này. Do đó, Thủ tướng yêu cầu đối thoại, gặp gỡ người dân, sâu sát cơ sở phải là văn hóa của lãnh đạo, chính quyền địa phương. Thủ tướng yêu cầu các địa phương báo cáo xem có họp hàng tuần để kiểm điểm tình hình giải quyết khiếu kiện của người dân hay không, có định kỳ tiếp dân hay không?

Thủ tướng nhấn mạnh dân địa phương nào đi khiếu kiện (vượt cấp) thì Chủ tịch, Bí thư địa phương đó phải chịu trách nhiệm đối thoại với dân.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo phải kịp thời, ngay từ cơ sở, giải quyết đúng quy định, ngoài đối thoại, phải lắng nghe, giải quyết hợp lý, hợp tình để không tạo thành điểm nóng. Cho rằng, tình hình khiếu kiện, tố cáo, nhất là khiếu kiện tố cáo đông người còn nghiêm trọng, Thủ tướng cho rằng một số cấp, nhất là cấp địa phương còn lơ là, không thực hiện nghiêm túc việc đối thoại với người dân, đặc biệt là không nắm vững tình hình, bị động, còn chủ quan. Một số đối tượng phản động lợi dụng tình hình để kích động người dân.

Thủ tướng cũng nhận xét, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương còn nhiều tồn tại, sơ hở, yếu kém, nhất là trong quản lý sử dụng đất đai. Việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức còn hời hợt trong thực thi công vụ về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thủ tướng cũng chỉ ra nguyên nhân là công tác tiếp công dân về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. Nhiều cơ quan hành chính chưa thực hiện nghiêm túc, chưa làm hết trách nhiệm với dân, xác minh thẩm tra sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, phương hướng giải quyết thiếu thuyết phục, thiếu khách quan, công tâm.  Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật, hiểu biết của một bộ phận người dân còn hạn chế, đưa ra các yêu cầu vượt quá quy định của pháp luật. Có trường hợp chây ỳ, đã được giải quyết có lý có tình nhưng vẫn khiếu nại kéo dài. Có trường hợp do phần tử xấu kích động, xúi giục đi khiếu kiện để lấy tiền.

Thủ tướng đặt ra yêu cầu phải cầu thị, nghiêm túc đánh giá sự việc theo đúng quy định của pháp luật. Việc đúng thì kiên trì thuyết phục, vận động người dân. Việc không đúng thì phải nghiêm túc sửa sai, khắc phục, không ngoan cố, không vì vấn đề nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ kia mà không dám nhận lỗi.  Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, đặc biệt các địa phương phải lập kế hoạch cụ thể về giải quyết các vụ khiếu kiện, tố cáo đông người phức tạp. Thanh tra Chính phủ rà soát, lập danh sách tất cả các vụ việc phức tạp kéo dài tại 27 địa phương. Các tỉnh, thành phố phải cung cấp đầy đủ danh sách các vụ việc cho Thanh tra Chính phủ, cùng Thanh tra Chính phủ lập kế hoạch, có định hướng tiến độ cụ thể để giải quyết từng vụ việc, công khai hóa vụ việc lên trên mạng...

Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết khiếu kiện trên địa bàn. Cần lập chương trình tiếp công dân, giải quyết vụ việc, không ỷ lại, khoán trắng cho một phó chủ tịch phụ trách.  Cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục các bất cập trong các chính sách pháp luật, nhất là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng. Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát đánh giá việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ, chuyển chợ dân sinh, chợ truyền thống sang trung tâm thương mại để có giải pháp tổng thể. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân. Chính quyền địa phương phải có giải pháp kịp thời, bảo đảm tốt an ninh trật tự liên quan đến các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp, nắm chắc tình hình, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

 Thủ tướng nhấn mạnh, phải coi trọng công tác dân vận, mặt trận. Các đoàn thể chính trị phải phân tích, giải thích pháp luật cho người dân hiểu rõ về quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Làm tốt công tác truyền thông thông tin về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc đưa tin phải khách quan, trung thực, không đưa tin một chiều, sai lệch nội dung, bản chất sự việc, gây tác động tiêu cực đến dư luận để các phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc.

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành cần phải coi trọng việc giải quyết khiếu nại tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để tập trung chỉ đạo, giải quyết.

l Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thị sát dự án xây dựng thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam và thăm khu trọ của công nhân.

Dự án do Tổng Liên đoàn Lao động Hà Nam đầu tư với số tiền 559 tỷ đồng, sẽ hoàn thành vào năm 2020. Dự án gồm 976 căn hộ, nhà thi đấu đa năng quy mô 500 chỗ; quảng trường với sức chứa 5.000 người cùng với siêu thị, phòng khám, nhà thuốc, các khu thể thao, công viên vui chơi giải trí, trụ sở công đoàn khu công nghiệp (KCN)...

Thăm hỏi công nhân trên công trình và nói chuyện với Ban quản lý dự án, Thủ tướng đề nghị sớm hoàn thành dự án vì “người công nhân đang rất mong mỏi” và cho biết, khi làm xong, Thủ tướng sẽ về dự lễ khánh thành.

Cũng trong chiều 19-5, Thủ tướng đã đến thăm khu nhà trọ của công nhân lao động tại xóm 2, thôn Thần Nữ, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên.

PV (theo TTXVN)
.
.
.