Thư SEA Games: Nước mắt nhà vô địch

Thứ Bảy, 26/08/2017, 09:30
Tối 24-8, khi tiếng còi kết trận nữ Việt Nam - nữ Malaysia vang lên, tất cả các tuyển thủ nữ Việt Nam đều ôm nhau mừng khôn xiết.

Vậy là tuyển nữ Việt Nam đã chính thức vượt mặt người Thái để giành HCV sau 8 năm đằng đẵng đợi chờ. Những cô gái giương cao lá cờ tổ quốc chạy vòng quanh sân vận động.

Niềm hạnh phúc tột cùng đã lan rộng ra cả sân UiTM Shah Alam khiến tôi và tất cả các đồng nghiệp quên đi nỗi buồn  U22 Việt Nam vừa diễn ra vài giờ trước đó.

Buổi tối chiến thắng của Đội tuyển nữ, tôi bắt gặp những giọt nước mắt hạnh phúc trên khuôn mặt nhiều cầu thủ từ thủ môn lão luyện Kiều Trinh đến tiền vệ mới lần đầu giật vàng SEA Games như Tuyết Dung. Họ vừa vui mừng vừa nói trong nước mắt: “Chúng em đã làm được. Chúng em đã có HCV”.

Niềm vui chiến thắng của các cô gái vàng Việt Nam.

Suốt quãng thời gian ở Malaysia, tuyển nữ Việt Nam được ở chung khách sạn 5 sao cùng U22 Việt Nam. Vậy nhưng, thức ăn ở Malaysia là điều nan giải với các cầu thủ nữ, do không hợp khẩu vị.

Với lịch thi đấu dày (2 ngày/trận) mà  không ăn được thì các cầu thủ sẽ không đảm bảo thể lực vận động. Do vậy, họ đã nghĩ ra cách mua đồ ăn ở siêu thị mang lên phòng nấu, ăn cùng cơm trắng.

Nhiều lần tôi thấy, bữa cơm của các cầu thủ nữ chỉ có canh, cơm trắng và mắm tép mang từ quê nhà sang. Một cầu thủ bảo: “Mấy đứa tụi em ăn không quen đồ bên này nên đành phải vậy thôi anh à. Ăn vậy mà em thấy ngon thật”.

Nghe những lời tâm sự ấy mà sống mũi cứ cay cay. Thương quá các cô gái Việt Nam. Vừa thương vừa cảm phục khi các cô gái đá liền 4 trận/8 ngày mà gần như không ai phải nằm sân vì chuột rút.

Hôm đá với Thái Lan, dù thua thiệt vì nghỉ ít hơn đối thủ 4 ngày nhưng các  cô chạy không biết mệt mỏi. Và kết thúc trận đấu ấy thì chính các cầu thủ Thái Lan mới phải nằm sân vì... mệt đứt hơi.

Không phải ngẫu nhiên mà tuyển nữ Việt Nam có được thể lực sung mãn đến như thế. Cả một quá trình nhồi thể lực đã được HLV Mai Đức Chung chuẩn bị kỹ càng trong chuyến tập huấn tại Quảng Ninh trước thềm SEA Games.

Sang đến Malaysia, bất chấp trời mưa to hay nắng gắt, tất cả đều kiên trì ra sân tập luyện. Có gắn bó với bóng đá nữ mới hiểu, các cô gái đi đá bóng là cả một sự hy sinh nhưng mức lương nhận lại chỉ vài triệu đồng/tháng, thậm chí có người chỉ được đúng 1 triệu.

Vậy nên, khoản tiền thưởng lên tới 4 tỷ đồng mà các cô được nhận sau chiếc HCV lần này có thể nói sẽ khiến nhiều người như được "đổi đời".

Hôm qua, toàn đội nữ ra sân bay để về nước. Tôi hỏi Tuyết Dung có mua gì về cho bố mẹ làm quà không? Dung đáp hóm hỉnh rằng: “Em không mua được gì. Em chỉ đem tiền về, còn bố mẹ thích mua gì sẽ mua, anh à”.

Tôi hiểu, Tuyết Dung hay các cầu thủ khác đều cùng chung tâm trạng ấy. Họ đến với SEA Games 29 không chỉ vì màu cờ sắc áo, vì trách nhiệm với người hâm mộ mà còn có cả những "một cuộc chiến" cho bản thân. Họ quyết tâm giật vàng để còn có tiền thưởng mang về cho gia đình nghèo khó.

Cái ngày tuyển nữ chính thức giật vàng là cái ngày bóng đá nam thua lấm lưng trắng bụng, thế nên nhiều người đã so sánh bóng đá nữ với bóng đá nam, rồi kết luận: bóng đá nữ thiếu thốn nhiều thứ quá.

Nhưng khi đụng chạm tới vấn đề này, cô gái Nguyễn Thị Liễu chỉ cười xoà: "Thiếu gì đâu anh! Bọn em chẳng thấy vấn đề gì". Đấy, cái đáng yêu của họ còn ở chỗ ấy. Họ âm thầm hy sinh, âm thầm hy vọng, âm thầm quyết tâm và không bao giờ phàn nàn, kêu ca về những cái khó, cái khổ (nếu có) của mình.

Tôi từng nghe những đàn anh trong nghề kể rằng, sau mỗi lần đi thi đấu về trụ sở Liên đoàn Bóng đá trên đường Lê Quang Đạo (Hà Nội), các cô gái lại rủ nhau ngồi hàng trà đá vỉa hè, trước cổng Liên đoàn.

 Họ có thể vừa trở thành nhà vô địch SEA Games - điều mà bóng đá nam không biết phải đến bao giờ chạm tới, nhưng trước sau như một, họ vẫn sẽ vui những niềm vui trà đá rất đời thường...

Hoài Lê (Từ Kuala Lumpur)
.
.
.