Thỏa thuận hạt nhân Iran và con đường chông gai phía trước

Thứ Sáu, 17/07/2015, 08:00
Việc Iran và P5+1 đạt thỏa thuận lịch sử khiến nhiều nước “nóng mắt”. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nhận định rằng, Israel sẽ không bao giờ hài lòng, bất kể thoả thuận Iran có là gì.


Hi vọng cho việc giải quyết các “điểm nóng” khác trên thế giới bằng giải pháp ngoại giao đã được nhen nhóm sau khi Iran và Nhóm P5+1 đạt thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Nhưng, giờ đây, thỏa thuận này còn cần phải được phê chuẩn, thực thi và duy trì trong nhiều năm sau đó. Rõ ràng, con đường phía trước của thỏa thuận này không trải hoa hồng. 

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định “những thách thức vẫn chưa hết”, và cuối cùng “thỏa thuận có tồn tại hay không phụ thuộc vào việc giới lãnh đạo các nước liên quan tôn trọng và hiện thực hóa các cam kết như thế nào”. Tuyên bố này cho thấy, ông Kerry hiểu rõ rằng, khúc mắc đầu tiên của thỏa thuận này chính là Quốc hội Mỹ, vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của phe Cộng hòa, những người hoài nghi về thỏa thuận với Iran.

Quốc hội Mỹ có thể thông qua một nghị quyết ngăn chặn Tổng thống Barack Obama gỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran. Ông Obama có thể phủ quyết nghị quyết này, song phe đối lập có thể vượt qua quyền phủ quyết của ông nếu họ huy động được 2/3 số phiếu ủng hộ.

Theo nhận định của nhà phân tích Suzanne Maloney tới từ Viện Brookings, một trung tâm nghiên cứu ở Mỹ, cuối cùng thì Quốc hội Mỹ cũng “không thể lật ngược được một thỏa thuận đa phương”. Tuy nhiên, các nghị sỹ Mỹ vẫn có thể gây trở ngại trong giai đoạn tiếp theo sau khi Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận vừa được ký kết với Iran - đó là giai đoạn thực thi thỏa thuận. Trở ngại tiếp theo chính là vấn đề niềm tin.

Iran và Nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Trong bức thư gửi Tổng thống Iran Hassan Rouhani tối 15/7 (giờ địa phương), lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei nhấn mạnh, việc đưa tiến trình đàm phán đi đến hồi kết là một bước quan trọng, song thỏa thuận này cần được “xem xét cẩn trọng” trước khi phê chuẩn. 

Đại giáo chủ Khamenei yêu cầu Tổng thống Rouhani cần lưu tâm tới khả năng vi phạm cam kết của các bên bởi một số bên tham gia đàm phán “không hoàn toàn đáng tin”. Tuy nhiên, ông Khamenei không nêu đích danh nước nào.

Việc Iran và P5+1 đạt thỏa thuận lịch sử khiến nhiều nước “nóng mắt”. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nhận định rằng, Israel sẽ không bao giờ hài lòng, bất kể thoả thuận Iran có là gì. Ông nói: “Câu hỏi mà bạn nên tự hỏi chính mình là thoả thuận nào sẽ được hoan nghênh bởi Tel Aviv. Câu trả lời chắc chắn là Israel không muốn bất kì thoả thuận nào với Iran. Họ muốn có một quốc gia đối đầu mãi mãi và đó không phải là lợi ích của khu vực, cũng không phải lợi ích của Anh”.

Lời nhận định của Ngoại trưởng Anh đến sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ thoả thuận lịch sử với Iran là một cách “đưa nước này đến với kho vũ khí hạt nhân, cũng như giúp Tehran có thêm hàng trăm tỉ USD để theo đuổi chính sách hung hăng và hỗ trợ khủng bố trong khu vực”. 

Để xoa dịu đồng minh, vào tuần tới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ thực hiện chuyến công du tới Saudi Arabia và Israel. Chuyến đi này nhằm tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia vùng Vịnh và nhằm thuyết phục các đồng minh trong khu vực về những lợi ích của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, nỗi lo sợ của một số nước như Israel hay Saudi Arabia chẳng phải là việc Iran làm giàu uranium để có thể phát triển bom hạt nhân. Mà là khả năng Iran tái gia nhập cộng đồng các quốc gia là đối tác của Mỹ và châu Âu, thậm chí có thể là về ngoại giao và cuối cùng là thương mại. 

Giới chức châu Âu, đặc biệt là đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU Federica Mogherini và Ngoại trưởng Anh, từng nói rằng, việc đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran làm dấy lên hi vọng mở lại các mối quan hệ với nước Cộng hòa Hồi giáo này và điều đó chính là nỗi lo sợ của các nước luôn chỉ trích thỏa thuận này. Nói rõ hơn, việc chấm dứt cô lập Iran đã khiến nhiều nước láng giềng của Iran quan ngại, cho rằng Iran sẽ trở nên hùng mạnh hơn và có thể thách thức ảnh hưởng của các nước Arab vùng Vịnh.

Giới phân tích cho rằng, Iran là một nhân tố quan trọng, cường quốc có vai trò không thể bỏ qua ở Trung Đông và việc đạt thỏa thuận hạt nhân vừa rồi dẫn đến chấm dứt cô lập Iran có thể tái định hình cấu trúc quyền lực ở khu vực này theo hai kịch bản. 

Theo kịch bản thứ nhất, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ giúp tái khởi động nền kinh tế “ốm yếu” của nước này. Theo kịch bản này, Tổng thống Hassan Rowhani sẽ bất chấp sự phản đối của phe bảo thủ để theo đuổi những cải cách tối cần thiết trong nước.

Liên minh của ông Rowhani có thể dễ dàng giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2016 và ông Rowhani có thể tái cử vào năm 2017. Bên cạnh đó, thỏa thuận hạt nhân mới đạt được có thể khuếch trương tiếng nói của những người ủng hộ việc Iran đóng vai trò lớn hơn tại khu vực và trường quốc tế.

Iran sẽ thuyết phục Saudi Arabia rằng Tehran không có ý định tăng cường ảnh hưởng của mình hay gây tổn hại cho Riyadh và các đồng minh Arab vùng Vịnh. Động thái này sẽ giúp hai bên hợp tác sử dụng ảnh hưởng tại Syria để mang lại một thỏa thuận ngừng bắn, mở đường cho việc thành lập một Chính phủ chuyển tiếp có uy tín, có khả năng đẩy lùi tổ chức khủng bố cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.

Tương tự, Saudi Arabia và Iran có thể hợp tác chấm dứt chiến sự tại Yemen. Còn kịch bản thứ hai diễn ra trong bối cảnh sự ủng hộ tại Iran đối với thỏa thuận hạt nhân không mạnh mẽ. Các lực lượng bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa đang coi thỏa thuận trên là một công cụ cần thiết để xóa bỏ sự trừng phạt kinh tế và tăng cường khả năng quân sự thông thường của Iran. Khi đó, các giáo sĩ theo đường lối cứng rắn sẽ phá hoại sự tin tưởng mà ông Rowhani đang xây dựng với các nước láng giềng của Iran bằng việc tuyên bố rằng thỏa thuận trên là sự công nhận ngầm đối với sức mạnh của Tehran. 

Lập trường này đã hỗ trợ những người hoài nghi và khiến Saudi Arabia tiếp tục những nỗ lực xây dựng một “liên minh Sunni” để kiềm chế ảnh hưởng của Iran. Nếu căng thẳng khu vực tăng lên, tác động kinh tế của việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ là không đáng kể. Ông Rowhani và các đồng minh không thể tạo ra hy vọng về kinh tế cho những cử tri Iran, điều này có thể dẫn đến thất bại trong các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống sắp tới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.