Mỹ cân bằng quan hệ với đồng minh sau thỏa thuận hạt nhân Iran

Thứ Tư, 22/07/2015, 09:24
Thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa nhóm P5+1 và Iran đã mở ra một chương mới trong hợp tác, quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, nó cũng tạo nên những cách biệt ở khu vực Trung Đông khiến Mỹ phải nhanh chóng “hàn gắn” các đồng minh (Israel, Arab Saudi và Jordan) bằng chuyến thăm đầy bất ngờ của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter.

Theo tin từ hãng AP, chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du mang tính chiến lược này được ông Ashton Carter lựa chọn là Israel, đồng minh thân cận của Mỹ và cũng là quốc gia phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran và nhóm P5+1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái), Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon (giữa) và Tư lệnh các đơn vị phòng vệ Israel Moni Katz từ Hussein Lookout quan sát thung lũng Hula. Ảnh: AP.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Israel Moshe Yaalon hôm 20/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã khẳng định rằng, Mỹ sẽ giúp Tel Aviv xử lý từng vấn đề khúc mắc đối với Iran, trong đó có việc chính quyền Tehran hậu thuẫn tổ chức Hồi giáo vũ trang Hezbollah. Đồng thời, ông Ashton Carter cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh của Israel và nhấn mạnh, chuyến thăm này nhằm đánh dấu “80 năm hữu nghị thân thiết” giữa 2 quốc gia. Mỹ sẽ cùng sát cánh với Israel tìm kiếm các giải pháp đối với những thách thức an ninh mà Israel đang phải đối mặt.

Một loạt lĩnh vực mà chính quyền Washington dự định tiếp tục củng cố và mở rộng, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là tăng cường năng lực quân sự, tên lửa đạn đạo phòng thủ và các hoạt động chống khủng bố. Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Ashton Carter đã tới thăm khu vực Hussein Lookout, nơi có thể nhìn bao quát cả vùng biên giới Israel cũng như cao nguyên Golan.

Tại đây, trả lời phỏng vấn báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đã nhấn mạnh những ưu tiên của Mỹ dành cho Israel và nói rõ, trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông không kỳ vọng thuyết phục nhà lãnh đạo Israel từ bỏ lập trường phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran mà chỉ muốn trao đổi để thấy rằng, thỏa thuận này không áp đặt bất cứ hạn chế nào đối với các hoạt động của Washington nhằm đảm bảo an ninh của Israel và các đồng minh Arab của Mỹ. Ông Ashton Carter khẳng định: "Một trong các lý do để nói rằng đây là một thỏa thuận tốt, đó là nó không loại trừ khả năng dùng vũ lực nếu Iran vi phạm thỏa thuận”.

Sau chuyến thăm Israel, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter sẽ tới thăm Saudi Arabia và Jordan để tham vấn về ảnh hưởng của thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời đánh giá tiến triển trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong khu vực. Một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, đối với Arab Saudi và các nước Arab khác trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, ông Ashton Carter sẽ nêu rõ Mỹ muốn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chống khủng bố, các lực lượng tác chiến đặc biệt và an ninh hàng hải, cũng như phòng thủ tên lửa và an ninh mạng.

Theo lịch trình, ông Ashton Carter sẽ gặp Quốc vương Arab Saudi Salman và Bộ trưởng Quốc phòng Mohammed bin Salman. Còn tại Jordan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thăm một căn cứ quân sự, gặp các đồng nghiệp của viên phi công Jordan bị các tay súng IS bắt và sát hại. Nội dung thảo luận chính của ông Ashton Carter với giới chức Jordan sẽ là cuộc chiến của liên minh quốc tế chống IS.

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Trung Đông lần này như là một cách để Mỹ khẳng định sự hiện diện của mình tại khu vực này, nhất là khi Iran đang tìm cách thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng như Qatar, Pakistan… sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Hơn nữa, cuộc gặp gỡ giới chức 3 nước Israel, Arab Saudi và Jordan cũng là cách để chính quyền Washington củng cố lại mối quan hệ đồng minh đang có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi những sự chồng chéo về lợi ích và sự bất đồng trong một số vấn đề liên quan đến Iran.

Một số chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông thì cho rằng, Mỹ vui với thỏa thuận hạt nhân đạt được nhưng cũng rất cảnh giác với những gì sẽ diễn ra tiếp sau đó. Vì vậy, dù không hài lòng với mức độ phản đối của giới chức Israel xung quanh thỏa thuận này, song Washington cũng đang muốn tiếp tục sử dụng Tel Aviv để “kiểm soát, theo dõi và kiềm chế” sự phát triển của Iran. Bởi lẽ, chính thủ lĩnh tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei từng tuyên bố, thỏa thuận hạt nhân vừa ký kết sẽ không làm thay đổi lập trường của Iran chống nước Mỹ "ngạo mạn” và Israel luôn là mối đe dọa ở Trung Đông và là “gốc rễ” của khủng hoảng trong khu vực.

Trong một diễn biến có liên quan, hôm 20/7, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1, đồng thời kêu gọi nỗ lực thực thi hiệu quả văn kiện này.

Tại Brussels (Bỉ), Hội đồng đối ngoại của Liên minh châu Âu cũng thể hiện sự ủng hộ và cam kết hành động liên quan đến dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế, tài chính. Tuy nhiên, người đứng đầu lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Mohammed Ali Jafari cho rằng nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ vi phạm "giới hạn đỏ" do nhà lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đặt ra, đặc biệt là về khả năng quân sự của Iran và tuyên bố không bao giờ chấp nhận điều này.

Sông Thương
.
.
.