Indonesia – quốc gia luôn hứng chịu các “siêu” thảm họa thiên nhiên

Thứ Ba, 02/10/2018, 08:29
Theo giải thích của các nhà khoa học và khí tượng học, Indonesia thường hứng chịu động đất bởi “quốc gia vạn đảo” này nằm trên “Vành đai lửa” - cung núi lửa và các đường đứt gãy ở lòng chảo Thái Bình Dương. 

Khu vực này có hình dạng tựa như chiếc giày trải dài trên diện tích 40.000km², là một trong những khu vực xảy ra động đất và núi lửa phun trào nhiều nhất thế giới.

Mới đây nhất, hôm 28-9, Indonesia đã hứng chịu hai trận “siêu” động đất, với cường độ là 6,1 và 7,7 độ richter, gây sóng thần. Thảm họa kép này tính tới ngày 1-10 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.200 người và làm 540 người khác bị thương.

Hầu hết số người thiệt mạng đều được ghi nhận tại Palu, hai ngày sau khi những đợt sóng cao 1,5m tràn vào thành phố có 350.000 dân trên đảo Sulawesi. Động đất và sóng thần cũng làm 540 người bị thương đang được điều trị tại các bệnh viện, 16.732 người phải sơ tán ở 24 địa điểm trong khu vực, 2,4 triệu người ở Palu và Donggala cần được viện trợ nhân đạo.

Theo Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB), hiện còn rất nhiều nạn nhân vụ động đất chưa được sơ tán, chưa thể tiếp cận. Nhiều người vẫn đang bị mắc kẹt tại các tòa nhà, trong đó có các trung tâm mua sắm, khách sạn, bệnh viện… bị sập. 

Số liệu từ BNPB cho thấy, có 71 khách nước ngoài đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép này. Giới chức Indonesia cho biết đã tìm thấy 66 người và họ đều đã an toàn.

Khung cảnh đổ nát tại Palu sau thảm họa động đất, sóng thần.    Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, họ vẫn chưa xác định được 3 công dân Pháp, 1 công dân Malaysia và 1 người Hàn Quốc được cho là đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của khách sạn Roa Roa ở Palu. Việt Nam có 10 công dân ở Palu vào thời điểm xảy ra thảm họa. Đến nay, tất cả 10 người này là các sinh viên được xác nhận an toàn, họ đã về tới sân bay tại Palu và được chu cấp ăn uống đầy đủ để chờ bay về Jakarta.

Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị chuẩn bị 560 tỷ rupiah (tương đương hơn 43 triệu USD) chi cho công tác cứu trợ sau các trận động đất và sóng thần tấn công tỉnh Trung Sulawesi ngày 28-8. 

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết đây là số tiền từ quỹ do BNPB quản lý và được giải ngân ngay lập tức trong ngày 30-9 để BNPB có thể nhanh chóng triển khai các hoạt động cứu trợ khu vực thảm họa.

Chính phủ Indonesia cam kết sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn quỹ trên, theo đó không sử dụng nguồn quỹ này để phục hồi cơ sở hạ tầng mà chỉ dành cho hỗ trợ các nạn nhân, đặc biệt là giúp giảm thiểu số người thiệt mạng, hỗ trợ những người bị thương tại các bệnh viện và các cơ sở y tế dã chiến.

Bên cạnh đó, Chính phủ “quốc gia vạn đảo” ngày 1-10 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ nước này trong công tác khắc phục hậu quả sau thảm họa kinh hoàng trên.

Trong một tuyên bố, người đứng đầu Ủy ban Điều phối đầu tư (BKPM) Indonesia Tom Lembong cho biết Tổng thống nước này Joko Widodo đã cho phép tiếp nhận hỗ trợ quốc tế phục vụ cho công tác ứng phó và khắc phục thiệt hại sau thảm họa. Hàng chục cơ quan viện trợ và tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng thông báo sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Indonesia trong công tác cứu hộ, cứu trợ và tái thiết.

Đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ Indonesia, nhiều quốc gia cho biết sẽ hỗ trợ Indonesia khắc phục hậu quả sau thảm họa động đất – sóng thần. Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo khoản viện trợ khẩn cấp 1,5 tỷ euro (tương đương 1,74 triệu USD) cho Indonesia. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố, nước này sẽ viện trợ nhân đạo 1 triệu USD cho Indonesia để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa và hỗ trợ công tác tái thiết.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ sau khi cân nhắc nguy cơ quy mô thảm họa sẽ mở rộng, nước này đã lên kế hoạch cử đoàn công tác cứu trợ thông qua việc tham vấn với các cơ quan liên quan và với Chính phủ Indonesia. Chính phủ Hàn Quốc cũng đang hợp tác với Chính phủ Indonesia để tìm kiếm công dân Hàn Quốc mất tích trên đảo Sulawesi sau thảm họa.

Từ Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chia buồn đến Tổng thống Indonesia Joko Widodo về thương vong lớn sau thảm họa động đất và sóng thần tại tỉnh Trung Sulawesi, đồng thời chia sẻ với những mất mát với người dân quốc gia Đông Nam Á này.

Ông Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ để đáp ứng các nhu cầu của phía Indonesia. Tương tự, Chính phủ Australia tuyên bố sẽ hỗ trợ Indonesia bất cứ điều gì cần thiết để quốc gia này có thể phục hồi sau trận sóng thần nguy hiểm vừa qua. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết đã liên lạc với Tổng thống Joko Widodo và cam kết hỗ trợ.

Thủ lĩnh Công đảng đối lập Australia Bill Shorten cũng tái khẳng định, đảng này và Chính phủ sẽ hỗ trợ hết sức những gì mà người dân Indonesia cần để phục hồi sau động đất và sóng thần. 

Theo ông, Australia nên cân nhắc mọi phương án tiềm năng để hỗ trợ ngay lập tức, cũng như trong dài hạn để giúp người dân Sulawesi xây dựng lại nhà cửa và cơ sở hạ tầng.

Trong những tháng gần đây, Indonesia đã chịu nhiều trận động đất là minh chứng cho thấy vị trí tiềm ẩn nhiều nguy hiểm của quốc gia này. 

Riêng tại đảo du lịch Lombok, khi người dân trong quá trình phục hồi sau trận động đất 6,4 độ richter xảy ra hôm 29-7 khiến 19 người thiệt mạng và phá hủy hàng trăm căn nhà thì vào ngày 5-8 một trận động đất 6,9 độ richter lại ập đến nơi này khiến hơn 400 người thiệt mạng, hàng ngàn căn nhà bị hư hại và khoảng 20.000 người phải sống ở nơi trú tạm.

Ngược về quá khứ, ngày 26-12-2004, một trận động đất gây ra sóng thần đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người trên đảo Sumatra của Indonesia. Ngay khi thảm kịch đến, rất nhiều người vẫn còn đang say giấc sau ngày lễ Giáng sinh an lành bên người thân, với họ, đó là lần cuối cùng được tận hưởng cảm giác an lành ấy…

Nhiếp ảnh gia kiêm tình nguyện viên quốc tế Chris Rainier đặt chân tới Sumatra hai tuần sau đó đã phải thốt lên: “Ở khắp mọi nơi đi qua, tôi phải hết sức cẩn thận để không giẫm phải một xác chết”. 

Các tòa nhà bị san phẳng trong hàng dặm cùng toàn bộ cư dân trong đó bị cuốn ra biển. Để mô tả về thảm cảnh ấy, nhiều người gọi nó không khác gì TP Hiroshima sau khi bị thả bom nguyên tử.

Theo ước tính, sức tàn phá của sóng thần vào Sumatra ngày hôm đó thực sự gấp đôi nguồn năng lượng bùng nổ trong Chiến tranh thế giới II, bao gồm cả hai quả bom nguyên tử. Tính riêng cường độ và nguồn năng lượng của riêng trận động đất gây ra, ước tính đã phải xấp xỉ khoảng 23.000 quả bom nguyên tử ở Hiroshima. Đây được đánh giá là đợt sóng thần gây thảm họa chết người và tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử.

Những con sóng thần cao tới 30m, tốc độ đi chuyển lên đến 500 - 1.000km/h, ở vùng nước cạn gần bờ thì khoảng 10km/h nhưng sức công phá lại rất lớn, không cho người dân nào có cơ may sống sót.

Không dừng lại ở đó, các trận động đất diễn ra một cách liên hoàn, với cường độ tăng tiến: hơn 9,1 độ richter trong lần thứ 2, chỉ đứng sau trận động đất lớn ở Chile năm 1960 với sức công phá khoảng 9,5 độ richter. 

Khoảng 230.000 - 280.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa. Đảo Sumatra là tâm chấn của thảm họa, có số người thiệt mạng cao nhất Indonesia, đồng thời phải chịu thảm họa kép động đất và sóng thần.

Trong các năm từ 2004 đến 2010, Indonesia cũng liên tục chịu những trận động đất lớn ở mức 6.3 độ richter và cao nhất là 8.6 độ richter. 

Trận động đất mạnh 6.5 độ richter vào tháng 12-2016 ở tỉnh Aceh nơi đã chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận động đất và sóng thần hồi năm 2004 đã khiến hơn 100 người chết và hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy, khoảng 84.000 người bị mất nhà cửa.

Hà Linh (tổng hợp)
.
.
.