Câu chuyện về người may mắn thoát chết trong thảm họa ở Indonesia

Thứ Hai, 01/10/2018, 15:17
Thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ngày 28-9 tại Indonesia đã cướp đi sinh mạng của 1.200 người dân. Với ông Ng Kok Choong, một trong số những người may mắn sống sót, khoảnh khắc thoát chết thần kỳ trong thảm họa có lẽ sẽ là giây phút ông chẳng thể nào quên.


Tai họa chớp nhoáng

Ông Ng Kok Choong, một công dân Singapore 53 tuổi, đã đến thành phố Palu hồi tuần trước để tham gia một cuộc nhảy dù của địa phương. Trận động đất chiều 28-9 xảy ra ngay sau khi ông vừa rời khỏi khách sạn Mercure, sau khi cảm nhận nơi này "đột nhiên bắt đầu rung chấn dữ dội".

"Tôi ngã xuống đất ngay lập tức và thậm chí không thể ngồi để giữ thăng bằng. Tôi lăn lộn xung quanh và nhìn thấy cả một chiếc xe ngựa đổ nhào xuống đất", ông Choong kể lại giây phút hoảng sợ khi trận động đất mạnh 7.7 độ richter xảy ra hôm 28-9 vừa qua.

Ông Ng Kok Choong đã may mắn sống sót sau khi thảm họa kép xảy ra tại thành phố Palu. Ảnh: NCA

Ng Kok Choong là một trong số những người vô cùng may mắn, bởi chỉ vài phút sau đó, đợt rung chấn đã làm khách sạn Mercure sụp đổ, khi chỉ cách ông và người bạn Francois 50 mét.

Ngay khi lấy lại được bình tĩnh, ông nhận thấy bãi biển gần khách sạn bỗng trở nên dữ dội hơn với những đợt sóng đang dồn thành từng lớp, báo hiệu nguy cơ sóng thần gần kề. Vào lúc đó, ông Choong cùng ông Francis đã vội vã tìm kiếm một khu vực cao hơn để trú ngụ và phát hiện một cô bé cùng mẹ bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ngay tại khách sạn Mercure.

Khách sạn Mercue nơi ông Choong nghỉ ngơi bị đổ sụp sau thảm họa. Ảnh: NCA

"Họ đã khóc rất nhiều. Chúng tôi chạy đến chỗ họ và cố gắng kéo họ ra ngoài. Chúng tôi đã cố gắng kéo được cô bé ra, còn bà mẹ thì vẫn mắc kẹt", ông Choong kể lại, không quên nói thêm rằng vào thời điểm ấy, ông đã thấy sóng thần nhanh chóng tiếp cận bờ biển.

"Bạn của tôi bế cô bé và chạy về hướng ngược lại với hướng của sóng thần. Ông ấy leo lên cây và ngồi ở đó cùng cô bé", ông Choong mô tả. "Chúng tôi không thể cứu người mẹ", ông nuối tiếc nói.

Khung cảnh khi ấy theo lời kể của ông Choong là rất "đáng sợ và ồn ào", với gió rít, sóng vỗ dồn dập và các tòa nhà liên tục rung chuyển. Ông tìm được một khu đất cao để trú ngụ cho đến khi đợt sóng thần giảm xuống, với khoảng thời gian kéo dài khoảng 30 phút.

Sau đó, khi cảm nhận tình hình đã an toàn, ông quay trở lại để cứu người mẹ bất hạnh vẫn đang bị mắc kẹt. Từ phía xa, ông nghe thấy tiếng người mẹ đang kêu cứu và hét lên trong đau đớn vì một miếng bê tông đang đè lên chân cô.

"Tôi trở lại và quyết định ở lại với cô ấy vì tôi không thể làm được gì cả và tôi đã nghĩ rằng cô ấy sẽ chết. Tôi chỉ có thể cố gắng trấn an cô ấy", ông nói.

Sau khoảng một đến hai tiếng đồng hồ, một số người dân địa phương đã xuất hiện và cùng ông Choong di chuyển miếng bê tông để kéo người phụ nữ bị mắc kẹt ra bên ngoài.

Đêm giữa cánh đồng hoang

Ông Choong gặp lại cô bé mình vừa giải cứu cùng người bạn tại khu cứu hộ khẩn cấp. Ảnh: NCA

Cuối cùng thì ông Choong cũng đã được chuyển đến một trung tâm cứu hộ khẩn cấp do một số người dân địa phương thành lập vào tối cùng ngày, nơi ông gặp lại bạn mình Francois và cô bé. Tại trung tâm, có khoảng 40 người khác sống sót sau thảm họa cũng đã được đưa đến đây. Họ được cung cấp đệm và nước để nghỉ ngơi.

"Một số người đã khóc, nhưng tình thế về cơ bản là bình tĩnh", ông nói.

Những người được giải cứu hoặc còn sống được đưa đến một cánh đồng bằng phẳng và an toàn, nơi họ được yêu cầu được ở lại cho đến hôm sau. "Các rung chấn có thể được cảm nhận suốt đêm," ông Ng nói.

Ông nói thêm rằng, ban đầu bản thân đã không thể liên lạc với gia đình mình vì các đường dây điện thoại và các phương thức kết nối đều bị gián đoạn sau trận động đất và sóng thần, nhưng ngay sau khi có thể liên lạc với vợ, ông đã hướng dẫn bà thông báo cho Bộ Ngoại giao Singapore về tình hình.

Bờ biển bị san phẳng bởi sóng thần. Ảnh: CNA

Cuộc di dời không hẹn trước

Ngày hôm sau, ông Choong đã quay trở lại khách sạn Mercure để tìm lại giấy tờ và hộ chiếu của mình.

"Trên đường đi, tôi thấy rằng những con đường chính dọc theo bãi biển bị hư hại, lều bạt đều bị cuốn trôi, các tòa nhà bị sụp đổ và có những mảnh vụn khắp nơi", ông mô tả.

Trở lại Mercure, hoảng sợ trước đống đổ nát do thảm họa kép gây ra, ông đã phải sử dụng một chiếc thang để leo lên tầng 4 tòa nhà, sau đó đập vỡ một cửa sổ bằng một cây búa và may mắn lấy lại được đồ đạc và hộ chiếu cá nhân.

Chân dung vận động viên nhảy dù Ng Kok Choong (ngoài cùng bên phải), người may mắn sống sót sau thảm họa. Ảnh: CNA

Với sự giúp đỡ của ban tổ chức cuộc thi nhảy dù, một cuộc di tản quân sự của lực lượng không quân Indonesia đã được bố trí tại sân bay nội địa của Palu. Những người đang chờ sơ tán, kể cả ông Choong, đã được đưa lên một chiếc máy bay quân sự vào khoảng 14h ngày 29-9, hướng về Makassar, và sau đó là Jakarta.

"Sân bay không mở cửa cho các máy bay thương mại vì tháp không lưu đã sụp đổ", ông nói. Khi đến Jakarta, ông đã đặt chuyến bay trở lại Singapore và hạ cánh vào nửa đêm 30-9..

Thế nhưng điều đáng buồn là sau khi hạ cánh, ông mới biết được thông tin rằng năm người thuộc đội dù lượn của mình vẫn đang mất tích.

"Đó là một trải nghiệm thực sự gây sốc. Tôi nhận ra chẳng thể tự chuẩn bị được gì cho một trận động đất như thế này", ông nói sau khi trở về Singapore.

"Tôi nghĩ rằng bạn có thể tìm hiểu mọi thứ về một trận động đất, nhưng thời điểm nó đột ngột xảy ra, tác động quá mạnh, và bạn thậm chí không thể bỏ chạy nổi", ông nói, không quên khẳng định rằng: "Tôi quá may mắn khi ra kịp khỏi khách sạn".

Trận động đất mạnh 7.7 độ richter xảy ra tại đảo Sulawesi, Indonesia chiều tối ngày 28-9 đã gây ra những tổn thất kinh hoàng đối với người dân khu vực này, đặc biệt là tại thành phố Palu và thị trấn Donggala. Tính đến ngày 1-10, theo Straits Times, đã có ít nhất 1.200 người tử vong sau thảm họa. Hàng nghìn người vẫn đang sống trong cảnh mất nhà cửa và 2,4 triệu người cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp.


An Nhiên (Theo NCA)
.
.
.