Venezuela - Panama: Mối "lương duyên" thăng trầm nhất lịch sử

Thứ Bảy, 21/04/2018, 21:52
Cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Panama và Venezuela tưởng chừng như không có hồi kết khi hai bên thay nhau cắt đứt quan hệ; nhưng vừa qua, Tổng thống Venezuela đã ngỏ ý muốn làm lành với người láng giềng.



Nguyên nhân của những đổ vỡ

Mối quan hệ giữa Venezuela và Panama trong thế kỷ 21 đã nhiều lần bị tổn thương bởi hàng loạt các vấn đề về kinh tế, chính trị xảy ra giữa hai bên. Đây có lẽ là một trong những mối quan hệ dùng dằng nhất lịch sử khi hai quốc gia này thường xuyên cắt rồi lại nối.

Lần đầu tiên là năm 2004 khi cố Tổng thống Hugo Chavez đề nghị Panama trao trả một cựu nhân viên tình báo của Mỹ vì Venezuela và Cuba coi người này mà phần tử khủng bố. Tuy nhiên Panama đã từ chối trao trả với lý do Venezuela sẽ không đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân viên tình báo đó. Ngay lập tức Chính phủ Venezuela tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Panama.

Lần thứ hai vào năm 2014, Tổng thống Nicolas Maduro thẳng thừng chấm dứt quan hệ sau khi buộc tội Ricardo Martinelli - giám đốc điều hành một công ty của Panama ở Venezuela vì cổ vũ, tham gia các hoạt động chống phá Chính phủ Venezuela.

Và lần này, khi Bộ Tài chính Panama công bố danh sách những cá nhân người Venezuela có nghi vấn về tội tẩy rửa tiền, gian lận tài chính và đặc biệt trong danh sách này có cả tên của Tổng thống Venezuela và nhiều thành viên khác trong Chính phủ. Và tất nhiên, Chính phủ Venezuela đã lên tiếng cực lực phản đối, cho đây là một chiêu trò của Panama và ngay lập tức đã thực hiện lệnh trừng phạt kinh tế đối với quốc gia này, chấm dứt thông thương với 22 cá nhân, 46 tập đoàn, công ty của Panama đang hoạt động tại Venezuela. 

Đáp trả lại việc này, Tổng thống Panama - Juan Carlos Varela đã ra lệnh rút đại sứ quán khỏi "vương quốc dầu mỏ" đồng thời đề nghị nước này cũng phải làm điều tương tự. Và vào ngày 13-4, Venezuela đã rút sứ quán khỏi Panama, và nâng tổng số các tập đoàn, công ty  Panama bị cấm hoạt động lên con số 50, trong đó có cả hãng hàng không quốc tế Copa Airlines.

Những đoạn đứt trong mối quan hệ của hai quốc gia này đã gây ra hậu quả không hề nhỏ đối với nền kinh tế của cả hai bên, và bên chịu tổn thất nhiều nhất chính là Venezuela, quốc gia này đứng thứ ba trong số những nước châu Mỹ La tinh nhập khẩu nhiều nhất từ Panama, chủ yếu là thuốc men, cao su và đồ dệt may. 

Trong khi đó, Venezuela cũng đứng thứ ba trong số những quốc gia châu Mỹ đầu tư nhiều nhất vào Panama, chiếm 3,7% với số tiền lên tới hơn 11 tỷ đô la ở các lĩnh vực như xây dựng, năng lượng, du lịch, ngân hàng, nông nghiệp... Và với tình trạng như hiện tại cộng với khủng hoảng ở Venezuela thì mọi đầu tư của quốc gia này ở Panama đều bị đóng băng hoặc hoạt động cầm chừng, trong đó có 1,4 tỷ đô la nằm ở các ngân hàng Panama cũng không có khả năng rút.

Giới chuyên gia cho rằng, trong thời điểm khủng hoảng trầm trọng như hiện nay, đáng lẽ ra Venezuela phải tìm cách cải thiện mối quan hệ, tìm kiếm thêm đối tác, đồng minh để giúp đỡ nhưng những động thái của ông Maduro đã làm cho Venezuela ngày càng xa lánh các quốc gia khác, đặc biệt là trong khu vực. Hiện nay, các quốc gia trong khu vực được cho là đồng minh của Venezuela như Bolivia, Ecuador, Nicaragua, Cuba đều được đánh giá là không có khả năng hỗ trợ "vương quốc dầu mỏ" vượt qua khủng hoảng hiện tại; còn lại Nga và Trung Quốc hiện tại cũng không thể giúp đỡ được nhiều vì mỗi quốc gia này đều đang tập trung giải quyết vấn đề của riêng họ và có lẽ cả hai đều nhận ra rằng tình hình Venezuela không còn gì để cứu vãn nếu tình hình chính trị không thay đổi.

Kể từ khi Venezuela rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính trị cách đây 5 năm, mọi hoạt động đầu tư của Nga, Trung Quốc ở đây gần như chấm dứt hoặc có cũng chỉ là cầm chừng. Hai quốc gia này đã mất quá nhiều tiền bạc và công sức đầu tư vào Venezuela rồi nhận được kết quả không mấy khả quan.

Giải pháp nào cho hai bên?

Venezuela đang ở trong tình trạng náo loạn, thiếu thốn đủ thứ, từ hàng hoá đến cả tiền. Đây là hiện tại không ai ngờ đến với một quốc gia đã từng là bá chủ dầu mỏ.

Người biết rõ tình hình này nhất không phải ai khác, chính là Tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro; tiếp bước cố Tổng thống Hugo Chavez và phải công nhận một điều rằng, ông Maduro đã thực sự cố gắng duy trì, phát huy di sản mà người tiền nhiệm để lại; nhưng kết quả đạt được lại không như mong đợi. 

Tổng thống Maduro đã có nhiều biện pháp, trong đó có việc tích cực đàm phán, tranh thủ sự ủng hộ, cải thiện quan hệ ngoại giao với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; trong đó không thể bỏ qua mối quan hệ với Panama. 

Ngày 18-4 vừa qua, người đứng đầu Venezuela đã thông báo muốn gặp gỡ, đàm phán với Panama thông qua Cộng hoà Dominicana, mục đích tìm ra giải pháp chung cho tình hình đôi bên. Đây là một trong động thái của ông Maduro để bình thường hoá mối quan hệ, từ đó khôi phục lại những hoạt động đầu tư của Venezuela ở Panama, đồng thời đàm phán để Panama tạo điều kiện cho việc tái khởi động những hoạt động tài chính của Venezuela ở đây.

Phía Panama cũng bày tỏ sự đồng thuận trước đề nghị trên của Venezuela vì Panama cũng có chung mục đích là bảo vệ hệ thống tài chính của mình, nếu hai quốc gia tiếp tục tình trạng như hiện tại trong một thời gian dài nữa thì thiệt hại về kinh tế đối với cả hai thực sự không phải là nhỏ. 

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng, trong trường hợp cả hai bình thường hoá quan hệ thì có lợi nhiều nhất sẽ là Panama, còn Venezuela mới chỉ đạt được một phần rất nhỏ trong tiến trình tự giải thoát mình khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại. 

Phong Sơn (Tổng hợp)
.
.
.