Đại dịch COVID-19 tại Mỹ chưa có dấu hiệu chậm lại

Thứ Sáu, 20/11/2020, 06:03
Tính đến tối 19/11, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ đã lên đến 250.537 người, cùng với đó là hơn 11,5 triệu ca nhiễm, dẫn đầu thế giới trong cả hai hạng mục. Trước đó, ngày 18/11, số ca tử vong theo ngày được ghi nhận tại Mỹ là hơn 1.400.


Gần 79.000 bệnh nhân COVID-19 đã được báo cáo tại các bệnh viện, con số cao nhất trong một ngày, tăng từ khoảng 75.000 vào ngày 17/11, theo thống kê của Reuters. Các chuyên gia y tế cho rằng sự hòa nhập xã hội và tụ tập trong nhà nhiều hơn trong kỳ nghỉ lễ, kết hợp với thời tiết lạnh hơn, có thể đẩy nhanh sự gia tăng của dịch bệnh, đe dọa làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã và đang chịu nhiều căng thẳng.

Quyết định đóng cửa các trường học và hoàn toàn chuyển sang học tại nhà, bắt đầu từ ngày 19/11, được đưa ra khi các quan chức tiểu bang và địa phương trên toàn nước Mỹ áp dụng các hạn chế đối với đời sống kinh tế và xã hội nhằm giảm thiểu sự gia tăng các trường hợp COVID-19 và các ca nhập viện vào mùa đông sắp tới.

Mỹ vẫn là tâm dịch COVID-19 trong khi tốc độ lây nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.       Ảnh AP

Động thái đóng cửa các trường học ở New York, được Thị trưởng Bill de Blasio thông báo qua Twitter, không nghi ngờ gì đã giúp một số giáo viên nhẹ nhõm hơn khi nhiều người bày tỏ lo ngại về việc có nguy cơ tiếp xúc với loại virus vốn dĩ rất dễ lây lan này. Dù vậy, đây sẽ là khó khăn mới cho các bậc cha mẹ đang đi làm và buộc phải thu xếp thêm việc chăm sóc con cái. Thành phố New York đang chứng kiến sự hồi sinh của dịch bệnh vào cuối mùa thu sau thời gian tạm lắng vào mùa hè.

Các trường học đã tuân theo một hệ thống giảng dạy bán thời gian trên lớp kể từ tháng 9, với 1,1 triệu học sinh tham gia học đan xen trực tiếp và trực tuyến theo tuần. Tuy vậy, Thị trưởng New York cho biết tất cả các chương trình giảng dạy một lần nữa sẽ chuyển sang đào tạo từ xa vì tỷ lệ dương tính trong các xét nghiệm COVID-19 trong thành phố đã tăng lên mức trung bình trong 7 ngày là 3%, ngưỡng để ngừng các lớp học trực tiếp.

8 tháng trước, thành phố New York nổi lên như là tâm dịch lớn đầu tiên của nước Mỹ khi các bệnh viện hoàn toàn quá tải và đường phố hầu như không có hoạt động của con người. Hiện nay, tâm điểm của cuộc khủng hoảng y tế công cộng đã chuyển sang vùng Trung Tây đất nước. Thống đốc Tim Walz của Minnesota, một trong số các bang trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề với tỷ lệ ca bệnh trên đầu người cao nhất, đã ra lệnh đóng cửa tất cả các nhà hàng, quán bar, trung tâm thể dục và địa điểm giải trí, đồng thời hủy tất cả các môn thể thao dành cho thanh thiếu niên trong bốn tuần. Ông Walz cho biết trong một cuộc họp báo gần đây rằng hơn 90% số giường bệnh tại các khoa chăm sóc đặc biệt đã được lấp đầy ở nửa phía Đông của bang, đồng thời cho biết thêm: “Chúng ta đang ở một điểm nguy hiểm trong đại dịch này”.

Một thông tin khả quan hơn, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ thông báo các vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng của Pfizer và Moderna có thể sắp được cơ quan chức năng nước này cấp phép và phân phối trong vài tuần tới, qua đó mở ra giai đoạn tiêm chủng đại trà ngay trong năm nay.

Theo giới chức Mỹ, các bang và vùng lãnh thổ của nước này hiện sẵn sàng khởi động công tác phân phối các loại vaccine ngừa COVID-19 trong vòng 24 giờ sau khi được cơ quan chức năng cho phép và các yêu cầu về bảo quản lạnh phức tạp sẽ không phải là một trở ngại đối với tất cả những người dân Mỹ có thể tiếp cận với các loại vaccine này.

Ngày 17/11 vừa qua cũng đánh dấu tròn một năm ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận trên thế giới. Trong thời gian này, căn bệnh lạ đã lan rộng và trở thành đại dịch toàn cầu. Theo số liệu mới nhất, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 56,2 triệu ca nhiễm và gần 1,35 triệu ca tử vong vì COVID-19. Đứng thứ hai thế giới và đứng đầu châu Á, Ấn Độ đã ghi nhận tới gần 45.500 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên gần 9 triệu ca cùng với 131.618 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới, với tổng số ca mắc là gần 6 triệu ca và 167.497 ca tử vong.

Tính đến tối 19/11, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng 14,6 triệu ca mắc, chiếm tới gần 35% số bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu. Với tổng số ca nhiễm vượt 2 triệu ca, Pháp đã vượt Nga trở thành nước đứng thứ tư thế giới và đứng đầu châu Âu về số bệnh nhân. Tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lần lượt là 2,1 triệu và hơn 46.700. Ngoài Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italia tiếp tục là những điểm nóng tại châu Âu khi số ca mắc mới theo ngày liên tục phá kỷ lục.

Tại khu vực Trung Đông, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly nhận định rằng làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 nguy hiểm hơn đợt đầu, đồng thời kêu gọi các lực lượng chức năng tăng cường các chiến dịch thanh kiểm tra việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng các hình phạt theo quy định của pháp luật cùng với các quyết định của Chính phủ Ai Cập về vấn đề này. Ngày 19/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết châu lục này đã ghi nhận hơn 2 triệu trường hợp mắc COVID-19 và 48.016 ca tử vong.

Gia Khoa (Tổng hợp)
.
.
.