Tổng tuyển cử trước thời hạn ở Hy Lạp: Cuộc đua căng thẳng giữa Syriza và ND

Thứ Hai, 21/09/2015, 08:46
Chưa đầy một năm sau cuộc bầu cử trước thời hạn hôm 25/1, đưa đảng Syriza của Thủ tướng Alexis Tsipras lên nắm quyền, sáng 20/9 (giờ địa phương), gần 10 triệu cử tri đủ tư cách của Hy Lạp đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử lần thứ hai trong năm nay. Cuộc bầu cử này được đánh giá là mang tính quyết định đối với vận mệnh của “Xứ sở thần thoại”, và cũng hứa hẹn ít nhiều bất trắc.

Cuộc bỏ phiếu này là hệ quả của việc ông Tsipras từ chức hôm 20/8 và kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử trước thời hạn. Theo số liệu do Bộ Nội vụ Hy Lạp cung cấp, có hơn 9,8 triệu cử tri từ 18 tuổi trở lên, trong đó hơn 50% cử tri là phụ nữ, đăng ký đi bỏ phiếu tại hơn 19.000 điểm trên toàn quốc. Có khoảng 110.000 cử tri là thanh niên lần đầu tiên tham gia bỏ phiếu. Trong cuộc bầu cử lần này, có tới 9 đảng cùng chạy đua với hy vọng giành được lợi thế tại Quốc hội. 

Các cuộc khảo sát cho thấy, hai đảng đang dẫn đầu là đảng cánh tả Syriza cầm quyền và đảng trung hữu Nea Demokratia (ND – Dân chủ mới). Trong khi đó, kết quả các cuộc thăm dò dư luận một ngày trước khi bỏ phiếu cho thấy, đảng Syriza của cựu Thủ tướng Tsipras đang giành ưu thế trước các đối thủ, và dẫn trước đảng Dân chủ mới của ông Vangelis Meimarakis từ 0,7 đến 3 điểm phần trăm. 

Theo kết quả thăm dò của Đại học Saloniki và kênh Skai TV, 33% cử tri có khả năng bỏ phiếu cho Syriza, khi ND thu hút được 28% cử tri. Còn theo thăm dò của Mega TV, tỷ lệ ủng hộ của Syriza là 28%, chỉ hơn ND 2%. Rõ ràng, cách biệt giữa Syriza và ND là quá ngắn để có thể khẳng định thắng lợi vượt trội thuộc về ai. 

Cử tri Hy Lạp sẽ là những người quyết định kết quả cuối cùng và cũng sẽ có những yếu tố bất ngờ trong cuộc bầu cử lần này. Bởi lẽ, vài giờ trước khi các điểm bỏ phiếu được mở cửa, vẫn còn nhiều cử tri do dự, chưa biết nên bỏ phiếu cho đảng nào. 

Đáng chú ý, có không ít cử tri trước đây ủng hộ đảng cánh tả Syriza của ông Tsipras, nhưng nay có thể sẽ thay đổi quyết định chuyển sang ủng hộ đảng đối lập. Tuy vậy, cả Syriza lẫn ND dường như đều khó có thể giành được đa số tuyệt đối 151 ghế trong Quốc hội gồm 300 ghế để tự đứng ra thành lập chính phủ. 

Lãnh đạo đảng ND Vangelis Meimarakis.
Cựu Thủ tướng Alexis Tsipras – thủ lĩnh đảng Syriza cầm quyền.

Theo đó, Tsipras và Meimarakis, nếu thắng cử, cũng đều phải thành lập một liên minh để lãnh đạo đất nước và phải tuân thủ các điều khoản đã ký kết với các chủ nợ liên quan đến các khoản vay và tìm cách để đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng đình đốn hiện tại.

Kết quả của cuộc bầu cử này, dự kiến sẽ được công bố vào lúc 18h ngày 20/9 (giờ địa phương – 1h ngày 21/9 giờ Việt Nam), dù có như thế nào thì lao động tại Hy Lạp, từ nông dân đến dược sĩ, sẽ là những người bị tổn thương nhiều nhất, vì ai hay phe nào thắng cử vẫn buộc phải tăng thuế và điều chỉnh chính sách kinh tế cho phù hợp với quy định khắc khổ do nhóm các chủ nợ quốc tế áp đặt với quốc gia vay nợ. 

Quốc hội mới của Hy Lạp sau cuộc bầu cử ngày 20/9 sẽ phải điều chỉnh ngân sách nước này năm 2015, trong đó có tính tới những thay đổi về thuế thu nhập và quỹ lương hưu. Theo đó, thuế thu nhập của nông dân dự kiến tăng gấp đôi, từ 13% hiện nay lên 26% vào năm 2017. 

Cũng theo những điều chỉnh về ngân sách của Hy Lạp, mức thuế mà những người có thu nhập dưới 12.000 euro/năm phải đóng sẽ tăng dần từ 11% lên 15%, còn thuế thu nhập đối với những người kiếm được hơn 12.000 euro/năm trở lên sẽ tăng từ 33% lên 35%. Trong khi chi tiêu cho quốc phòng và quỹ hưu trí dự kiến sẽ bị cắt giảm, thì thuế giá trị gia tăng (VAT) tại Hy Lạp sẽ tăng lần thứ hai trong tháng 10-2015, sau khi tăng lần đầu trong tháng 7 vừa qua.

Bên cạnh đó, điều mà nhiều người lo ngại nhất lại là việc các cử tri, thất vọng trước tình hình đất nước và không hài lòng với chính giới, sẽ không đi bầu nhiều. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu hôm 25/1 vừa qua là 64%, một tỷ lệ được cho là khá cao. 

Nếu như 9,8 triệu cử tri Hy Lạp không bầu ra được người chiến thắng, Tổng thống Hy Lạp Propokis Pavlopoulos sẽ trao quyền đứng đầu chính phủ cho thủ lĩnh của đảng thuộc phe đa số. Nếu điều này không thành hiện thực, ông sẽ bổ nhiệm chức Thủ tướng cho thủ lĩnh của đảng có số phiếu nhiều thứ hai hoặc thứ ba. 

Nếu ngay cả những nỗ lực này cũng không thành công, các cử tri sẽ tiếp tục quay trở lại hòm phiếu, trong một cuộc khủng hoảng chính trị nặng nề của đất nước đã bị bần cùng hóa vì khủng hoảng kinh tế và nợ nần này.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.