Chiến sự tại Syria tạm thời hạ nhiệt

Thứ Hai, 26/03/2018, 08:57
Việc phiến quân Syria trong những ngày gần đây tiến hành nhiều đợt sơ tán khỏi khu vực Đông Ghouta ở ngoại ô Thủ đô Damascus và trao lại khu vực này cho quân đội Chính phủ Syria được đánh giá là đang giúp quốc gia Trung Đông này phần nào hạ nhiệt sau chuỗi ngày căng thẳng leo thang.


Người dân thủ đô đã đổ ra đường ăn mừng chiến thắng với niềm hi vọng mọi điều sẽ tốt đẹp hơn với việc Chính phủ kiểm soát khu vực này.

Tính tới ngày 25-3, 2 trong số 3 nhóm phiến quân kiểm soát khu vực đã đầu hàng với hàng nghìn tay súng và người thân đã sơ tán tới các khu vực do nhóm đối lập kiểm soát tại khu vực phía Bắc đất nước. 

Người đứng đầu Trung tâm Hòa giải Nga ở Syria, Thiếu tướng Yuri Yevtushenko thông báo đã có tổng cộng 4.979 phiến quân của nhóm Ahrar al-Sham rời Đông Ghouta trong những ngày qua và được chuyển tới vùng giảm căng thẳng ở Idlib. 

Xe buýt chở các phiến quân và gia đình của họ rời khỏi Đông Ghouta. Ảnh: AP

Chỉ còn nhóm phiến quân thứ 3, Jaish al-Islam, kiểm soát khu vực Douma là vẫn đang từ chối đầu hàng. Tuy nhiên có nhiều thông tin cho biết nhóm này đang tiến gần đến một thỏa thuận sơ tán với quân đội Nga. 

Trước đó, các cuộc đối thoại đã không thành công do nhóm này từ chối sơ tán tới tỉnh Idlib do nhóm đối lập kiểm soát, vì Jaish al-Islam không có mối quan hệ tốt với các nhóm phiến quân kiểm soát tỉnh Idlib. Do đó, nhóm phiến quân này có thể chuyển đến khu vực phía Đông gần biên giới với Lebanon. Kênh truyền hình Nhà nước Syria cũng cho biết quân đội đang dỡ các rào chắn, mìn và các thiết bị còn sót lại để mở một hành lang sơ tán mới.

Như vậy, chiến dịch quân sự do Chính phủ Syria phát động từ tháng trước nhằm đánh bật các nhóm phiến quân khỏi các khu vực chiếm đóng ở Đông Ghouta đã đem lại kết quả tích cực. Quân đội Syria đã kiểm soát 90% diện tích khu vực Đông Ghouta sau khi phiến quân lần lượt hạ vũ khí ở nhiều khu vực trọng điểm. Việc này sẽ giúp đảm bảo an toàn cho Thủ đô Damascus vốn đã liên tục hứng chịu những đợt tấn công bằng pháo hoặc súng cối của phiến quân suốt 7 năm qua.

Xu hướng tình hình ở Syria được đánh giá là luôn bị ảnh hưởng chủ yếu bởi các thế lực bên ngoài. Sau khi bước vào năm 2018 đã dần dần hình thành 3 lực lượng bên ngoài chi phối tình hình quốc gia Trung Đông này. 

Thứ nhất, phe “Nga – Iran – Chính phủ Syria”. Chính phủ Syria có tính hợp pháp về mặt pháp lý đối với chủ quyền lãnh thổ Syria, dưới sự giúp đỡ của các đồng minh (quy mô quân đội chưa rõ) như Nga, Iran, Hezbollah…, hiện đã kiểm soát được các thành phố lớn có dân cư tập trung đông nhất và các tuyến đường giao thông quan trọng, chiếm khoảng 60% diện tích lãnh thổ Syria. 

Ngày 30-9-2015, sau khi Nga trực tiếp can dự, lập tức trở thành vai chính trên mặt trận Syria, khiến cho Iran – lực lượng bên ngoài lớn nhất ở Syria trước đó lùi xuống vị trí thứ 2. Nga không chỉ đã cung cấp lực lượng tấn công trên không lớn mạnh, mà còn củng cố 2 căn cứ quân sự của mình ở Syria, giúp quân đội Chính phủ Syria thu hồi được phần lớn lãnh thổ từ tay của phe đối lập và cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Trong năm 2017, phe “Nga – Iran – Chính phủ Syria” chủ yếu là củng cố, tiếp nhận, chuyển hóa thành quả thắng lợi, thông qua việc tổ chức tiến hành hội đàm ở Astana, lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập “khu vực giảm leo thang xung đột”, khiến cho lực lượng vũ trang thuộc phe đối lập bị “nhốt lại”. 

Thứ hai, phe “Mỹ - Lực lượng vũ trang người Kurd”. Phe này được thành lập bởi 2.000 quân Mỹ đóng ở Syria và khoảng hơn 50.000 quân thuộc các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ đào tạo, SDF lại lấy lực lượng vũ trang người Kurd làm quân chủ lực tuyệt đối, kiểm soát phía đông-bắc Syria với tài nguyên dầu mỏ khá phong phú và vùng đất canh tác ở thung lũng sông Euphrates, chiếm khoảng 25% diện tích lãnh thổ Syria. 

Và thứ ba, phe “Thổ Nhĩ Kỳ - Lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA)”. Đây là liên minh lỏng lẻo gồm lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria (chưa được tiết lộ số người chính thức) và FSA – lực lượng vũ trang phe đối lập dòng Sunni ở tây-bắc Syria, một số ít “phần tử thánh chiến”, chiếm đóng ở khu vực Idlib phía tây-bắc Syria, chiếm khoảng 10% diện tích Syria.

Trong thời điểm hiện tại, thực lực của phe “Nga – Iran – Chính phủ Syria” là mạnh nhất, ở tình trạng tốt nhất, một mặt duy trì lệnh ngừng bắn với phe “Thổ Nhĩ Kỳ - FSA”, bắt đầu thử nghiệm đàm phán hòa bình; một mặt duy trì sự răn đe đối với phe “Mỹ - Lực lượng vũ trang người Kurd” đồng thời không quên lôi kéo họ tham gia tái thiết lập trật tự sau chiến tranh.

Có ý kiến cho rằng, sau khi trải qua gần 7 năm mịt mù khói súng, cuộc khủng hoảng Syria cuối cùng đã kết thúc, thời gian gần đây lực lượng các bên cũng đang tập trung tương tác lẫn nhau, “Đại hội Sochi” (Đại hội đối thoại dân tộc Syria) cũng đã khởi đầu thiết lập trật tự sau chiến tranh; cũng có ý kiến cho rằng, cùng với việc IS bị tiêu diệt ở Syria, các mâu thuẫn đều sẽ nâng cấp đồng bộ, tương lai của Syria không phải là ổn định và hòa bình, mà là hỗn loạn và xung đột. 

Thực ra, cuộc khủng hoảng Syria sớm đã trở thành một hình ảnh thu nhỏ về mâu thuẫn ở Trung Đông, thậm chí thế giới. 

Hai quan điểm trên đều chỉ phản ánh sự thực ở mức độ nhất định hoặc phương diện nào đó, tình hình thực tế rất có thể là 2 cục diện xuất hiện xen kẽ, trùng lặp nhau, còn thời gian mà Syria cuối cùng hình thành trật tự ổn định có thể muộn hơn rất nhiều so với dự tính.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.