Đắng quá muối ơi (!)
- Diêm dân Quảng Bình khốn đốn vì giá muối 'tụt dốc'
- Tìm giải pháp gỡ khó cho diêm dân
- Lượng muối tồn trong diêm dân và doanh nghiệp tăng mạnh
Đứng bên cánh đồng muối Hòn Khói đã hình thành gần một thế kỷ qua, diêm dân Phan Thanh Dung, trú ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chỉ tay về phía những đống muối mới thu hoạch, rồi chia sẻ với tôi bằng giọng trầm buồn: “Đầu vụ muối năm nay, giá bán mỗi cân muối truyền thống 350 đồng, sau đó tụt xuống 250 đồng rồi 200 đồng, còn muối trải bạt nhựa giá bán mỗi cân dao động từ 400 - 500 đồng. Vụ muối năm nay gia đình tui đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để sản xuất muối trải bạt nhựa, nhưng trước thực trạng giá muối rớt thê thảm, nguy cơ đối mặt với thua lỗ, nợ nần là không thể tránh khỏi”.
Được mùa thu hoạch muối nhưng do mất giá nên diêm dân thấp thỏm nỗi lo. |
Cùng tâm trạng đó, ông Trương Công Hiến – Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) muối 1-5 ở phường Ninh Diêm cho biết: “Vụ muối năm nay HTX sản xuất hơn 100 hecta muối, nhưng giá bán từ đầu vụ đã thấp sau đó giảm xuống dần khiến cho nhiều xã viên mệt mỏi không muốn ra đồng sản xuất, vì họ biết trước số tiền thu được không bù lại chi phí đã đầu tư. Nghề làm muối hết sức vất vả, suốt ngày diêm dân phải dầm mình trong nắng gió và nước biển mặn chát nhưng giá cả cứ tụt dần, mỗi tạ muối thủ công tại thời điểm này chưa được một bát phở. Có lẽ vụ muối năm sau HTX phải cắt giảm diện tích sản xuất”.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh có hơn 970 ha muối, diện tích tập trung lớn nhất ở Hòn Khói, thị xã Ninh Hòa, phần còn lại ở huyện Vạn Ninh và TP Cam Ranh.
Trong số đó, DN và HTX sản xuất 700 ha, 270 ha còn lại do diêm dân tự chủ sản xuất. Thời tiết thuận lợi nên những năm gần đây sản lượng muối toàn tỉnh tăng dần. Năm 2013 đạt 48.641 tấn, năm 2014 đạt 70.174 tấn, năm 2015 đạt 113.668 tấn.
Đến giữa tháng 5-2016, toàn tỉnh đã sản xuất 28.807 tấn nhưng gần như các DN không mặn mà với muối mặc dù Nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ lãi suất khi vay vốn ngân hàng để thu mua muối tạm trữ, vì sau khi mua phải tốn kém chi phí vận chuyển, thuê kho bãi, do đó đến nay chỉ mới bán được 12.971 tấn. Cộng với lượng muối năm trước còn lại thì lượng muối tồn đọng của Khánh Hòa gần 26.000 tấn.
Muối tồn đọng ở nhiều cánh đồng nhưng không tìm ra hướng xử lý. |
Đến cánh đồng muối Tuyết Diêm nằm bên đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu (Phú Yên), tôi cảm nhận nỗi buồn man mác khi lắng nghe những trăn trở của diêm dân quanh chuyện rớt giá. Ngồi bên đống muối vừa mới che chắn để tránh mưa, ông Nguyễn Hồng Hà chia sẻ thời xưa diêm dân ở vùng quê này ví von “Muối Cù Mông ba mươi đồng một hạt”, bây giờ giá muối bấp bênh nên đời sống diêm dân thật sự khó khăn, nhưng nếu bỏ nghề thì họ chẳng biết làm gì để mưu sinh. Nghề sản xuất muối cực hơn rất nhiều so với nghề nông, mỗi năm diêm dân trông chờ vài ba tháng nắng.
Nắng càng gay gắt thì muối càng sớm kết hạt mặn mà, tinh khiết. Cả làng Tuyết Diêm, xã Xuân Bình có hơn 370 hộ gia đình sinh sống bằng nghề sản xuất muối với diện tích 134 ha. Để có được sản lượng muối mỗi năm 13.000 - 15.000 tấn, diêm dân ở đây luôn vất vả, cực nhọc, thế nhưng hạt muối mùa này thêm đắng chát vì giá bán mỗi cân chưa được 300 đồng, trong khi chi phí đầu tư sản xuất mỗi hecta muối thủ công ít nhất 15 triệu đồng, vì thế đến giữa tháng 5-2016, trên những cánh đồng muối ở Tuyết Diêm, Lệ Uyên, Trung Trinh – thị xã Sông Cầu vẫn còn tồn đọng hơn 6.500 tấn muối.
Không riêng ở Khánh Hòa, Phú Yên mà điệp khúc “được mùa, mất giá” vẫn tái diễn trên những cánh đồng muối ở tỉnh Ninh Thuận. Năm nay Ninh Thuận sản xuất 3.544 ha muối, trong đó có 2.892 ha muối công nghiệp và 652 ha muối thủ công.
Đến huyện Ninh Hải – một địa phương có diện tích sản xuất muối lớn nhất Ninh Thuận, tôi đã nghe anh Nguyễn Trúc Chánh – một diêm dân ở thị trấn Khánh Hải thở dài: “Nếu như giá muối mỗi cân trên 700 đồng may ra mới có lãi chút ít, đằng này giá rớt thê thảm đến mức mỗi cân muối chỉ còn 250 đồng, diêm dân thấp thỏm lo âu”.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ninh Hải – ông Trần Hữu Nhân, cho biết, đến thời điểm này sản lượng muối tăng hơn 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước nhưng do giá xuống quá thấp nên lượng muối ở đây còn tồn đọng trên 20.000 tấn. Theo nhiều nguồn tin, nguyên nhân khiến cho giá muối tụt xuống thấp là do lượng muối nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc...
Để tháo gỡ những vướng vấp cho nghề sản xuất muối, Sở NN&PTNT Ninh Thuận đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về quản lý sản xuất kinh doanh muối để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lưu thông muối, tăng lượng muối dự trữ quốc gia, hạn chế nhập khẩu muối để góp phần bình ổn giá.
Các tỉnh khu Nam Trung Bộ kiến nghị Chính phủ có chủ trương “giải cứu” muối tồn đọng bằng chủ trương thu mua muối tạm trữ với giá hợp lý. Đề cập đến giải pháp bền vững, không ít ý kiến cho rằng cần sớm tái cơ cấu lại nghề muối theo hướng quy hoạch khép kín, đầu tư hoàn thiện đê bao, hệ thống kênh mương nội đồng, tạo cơ chế chính sách khuyến khích và bình ổn giá để diêm dân sản xuất muối sạch...