Xử phạt hành vi bơm nước tăng trọng gia súc chưa đủ sức răn đe

Thứ Tư, 20/01/2016, 08:30
Có mặt tại lò giết mổ gia súc tập trung ở xã An Bình (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), chúng tôi tận mắt chứng kiến từng đàn heo bụng căng tròn, co giật, lừ đừ, sốc nước đứng không nổi… Đó là những biểu hiện thường thấy khi heo đã bị bơm nước. Một con heo trọng lượng 100kg có thể tăng 10kg sau khi bị bơm nước. Mỗi ngày nơi đây giết mổ hàng trăm con heo và đa số đều đã bị bơm nước.

Còn tại một trại tập trung gia súc ở xã Bình Thành (huyện Lấp Vò), mỗi ngày các công nhân sẽ đổ nước vào heo ba lần, mỗi lần từ 25 đến 30 phút. Sau đó, tài xế sẽ đem số heo đã bơm nước này giết mổ tại lò giết mổ gia súc tập trung huyện Lấp Vò cách đó khoảng 2km. Khi lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đến kiểm tra, mọi hoạt động đột ngột ngừng hẳn. Tại hiện trường, gần chục con heo đang bị khớp mỏ, ống nhựa được thọc sâu vào miệng heo để đổ nước. Cả ba công nhân đều khai nhận làm thuê cho Võ Minh Khoa (39 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò) - một chủ heo  ở Đồng Tháp.

Các đối tượng thực hiện hành vi bơm nước vào heo trên xe tải bị Công an tỉnh Vĩnh Long bắt quả tang.

Thời gian qua, những vùng nông thôn thuộc các huyện của tỉnh Vĩnh Long như: Bình Tân, Bình Minh, Vũng Liêm, Măng Thít xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng bơm nước vào heo để tăng trọng lượng. Việc làm này không chỉ là gian lận thương mại. Nếu người tiêu dùng sử dụng thịt heo này sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Theo cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long, các đối tượng rất khôn ngoan, thường tiến hành bơm nước vào heo ngay trên phương tiện vận chuyển rồi chở thẳng tới lò giết mổ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng trạm Thú y huyện Vũng Liêm, mỗi năm trên địa bàn huyện phát hiện từ 6-10 vụ bơm nước vào gia súc để thu lợi bất chính. Việc này gây ra ảnh hưởng đối với sản phẩm động vật giết mổ. Mức xử phạt cho hành vi gian lận này tối đa chỉ 10 triệu đồng/lần, trong khi mỗi con heo khi bị bơm nước thu về lợi nhuận từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/con.

Đại tá Nguyễn Văn Đúng, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Hành vi này vi phạm nghiêm trọng về pháp luật, về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do heo bơm nước thì phẩm chất thịt bị giảm, người tiêu dùng khi sử dụng thịt này không còn tươi ngon như thịt heo bình thường. Chính vì vậy, nhân dân rất là bức xúc”.

Năm 2015 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 200 lượt, phát hiện 56 trường hợp vi phạm, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng.

Theo quy định của Nghị định 119/2013/NĐ-CP, hành vi bơm nước vào động vật trước khi giết mổ sẽ bị xử phạt từ 5 đến 6 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền phạt trên chẳng thấm vào đâu khi những cơ sở này mỗi ngày thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng. Nguy hại hơn, nếu nước bơm vào heo là nước bẩn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó, việc xử lý các hành vi vi phạm nêu trên lại gặp rất nhiều khó khăn. Trước khi heo được đưa vào lò, các chủ heo đã bơm nước ở nhà hoặc một điểm tập trung nào đó nên rất khó phát hiện.

Mặt khác, khi đóng cửa lò thì chỉ có cán bộ thú y và chủ lò mới được ở trong lò giết mổ. Tuy nhiên tại một số lò, khi đóng cửa vẫn còn rất nhiều công nhân, chỉ cần thiếu giám sát sẽ tiến hành bơm nước vào heo tại lò. Ngoài hành vi bơm nước vào gia súc, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp còn phát hiện trường hợp mang heo đã chết đến mổ và chế biến (quay thịt) nhưng chưa qua kiểm dịch. Tại lò giết mổ gia súc tập trung xã Tân Phú Đông (TP Sa Đéc) lực lượng kiểm tra đã phát hiện 2 con heo bị bệnh đã giết mổ được đông đá bỏ vào thùng xốp.

Bên cạnh đó, nhiều lò giết mổ gia súc tập trung chưa đảm bảo về vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y, nước thải trực tiếp ra môi trường, các chất thải rắn như: phân, lông, và phế phẩm của gia súc để bừa bãi, không được thu gom và xử lý. Nhiều đối tượng chọn địa điểm vắng vẻ, cách xa đường lớn cắt cử người canh gác, thời gian bơm nước vào heo chỉ từ 10-15 phút nên khi lực lượng chức năng có mặt cũng rất khó bắt quả tang. Trước đây, tại huyện Cao Lãnh, trong quá trình kiểm tra, ghi hình các cơ sở vi phạm việc bơm nước vào heo, 2 cán bộ Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp từng bị đánh gây thương tích.

Ông Võ Trọng Phước – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Chúng tôi mong Chính phủ sửa đổi khung hình phạt về bơm nước heo mang tính răn đe cao hơn. Trong dịp Tết, chúng tôi sẽ kết hợp với Cảnh sát môi trường, Công an huyện, Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra có huyện trọng điểm mà giết mổ lớn, cương quyết xử lý đến nơi đến chốn các trường hợp vi phạm”.

Văn Vĩnh – Thanh Mỹ
.
.
.