Vượt Trường Sơn vào bảo vệ Trung ương Cục miền Nam

Thứ Bảy, 30/04/2016, 13:36
Mùa xuân Bính Thân này, Đại tá Vũ Văn Đàm (nguyên Phó chánh Văn phòng Bộ Công an, người có 10 năm tham gia chiến đấu bảo vệ Trung ương Cục tại chiến trường miền Nam) đã bước sang tuổi 82 nhưng ông vẫn minh mẫn và những kí ức về một thời chiến trường luôn tươi mới trong ông... 


Năm 1953, ông tham gia kháng chiến, vào Thanh niên xung phong trong đơn vị Đoàn 38 do đồng chí Tạ Quang Chiến (người vinh dự được Bác Hồ đặt tên) phụ trách. Sau 2 năm, ông được bổ sung vào lực lượng Công an, công tác tại Phòng Tổng hợp - Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ). Đầu năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, lãnh đạo Bộ Công an chủ trương tuyển chọn một số cán bộ có năng lực, sức khỏe và các điều kiện cần thiết để bồi dưỡng tập luyện sẵn sàng chi viện lực lượng An ninh miền Nam.

Thực hiện quyết định của Bộ Công an, Cục Cảnh vệ đã tuyển chọn một số cán bộ ưu tú tham gia vào đoàn chi viện gồm các đồng chí Huỳnh Phước (bí danh Sáu Liên), Nguyễn Hồng Long (Nam Sơn), Nguyễn Văn Liên (Tư Lâm), Hồ Kiều (Tám Thành), Nguyễn Văn Nho (Ba Kỳ), Nguyễn Văn Hanh (Hai Nghệ), Tống Công Phê (Hai Công), Vũ Văn Đàm (Tiến Nam) và Đoàn Quý... Đại tá Vũ Văn Đàm kể lại: Cấp trên chỉ thị cho tôi lấy một bí danh nào đó. Tôi suy nghĩ đợt này mình vinh dự được đi tăng cường cho an ninh miền Nam, tức là được vào Nam, nên tôi lấy bí danh Tiến Nam. Sau này trở lại ra Bắc công tác, tôi lại được mọi người gọi lại tên mà các cụ đặt cho.

Chiến sĩ ANVT đoàn 180 bắn cháy xe tăng địch trên quốc lộ 22 - Tây Ninh, năm 1967.

Đầu tháng 4 - 1964, chúng tôi tập trung về Trường Công an Trung ương để học tập chính trị và huấn luyện chiến đấu. Ngày 16-7-1964, đoàn chi viện lên đường vào chiến trường B. Đoàn chúng tôi cán bộ Cảnh vệ được ghép vào đoàn Công an vũ trang có 33 đồng chí và hình thành một đoàn 42 người do đồng chí Huỳnh Bội (bí danh Tám Nam) làm Trưởng đoàn; bí danh của đoàn là K21.

Sau gần 4 tháng hành quân xuyên rừng vượt núi theo đường Trường Sơn, đến đầu tháng 11 - 1964 đoàn đến trạm giao liên cuối cùng (Trạm 40) của đường dây, rồi tập kết về “Ông Cụ” - Bí danh của căn cứ Trung ương Cục lúc đó. Khi vào tới Ban An ninh Trung ương Cục, ông Đàm được điều về phụ trách tổ bảo vệ Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.

Đại tá Vũ Văn Đàm nhớ lại: Kỷ niệm sâu sắc nhất là bảo vệ hội nghị do Ban An ninh Trung ương cục triệu tập vào cuối năm 1967. Lần ấy, tôi cùng các đồng chí Tư Hùng, Ba Nhưng được giao chỉ huy bảo vệ hội nghị tại B4 ở tỉnh Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia. Thành phần hội nghị có các đồng chí lãnh đạo, các ban, trưởng, phó các tiểu ban và các đồng chí lãnh đạo ban an ninh các tỉnh Nam bộ.

Hội nghị vừa khai mạc thì chúng tôi nhận được điện khẩn báo địch sẽ cho máy bay oanh tạc khu vực B4, dùng trực thăng đổ nhiều toán biệt kích nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta. Từng tốp máy bay địch thay nhau đến trút bom xuống khu vực B4. Tiếp sau những trận mưa bom là gần chục chiếc trực thăng lao tới. Chúng quần đảo trên bầu trời B4, nhả đạn xối xả vào bất cứ điểm nào nghi ngờ có lực lượng ta. Sau những đợt vãi đạn không tiếc, chúng bắt đầu thả từng toán biệt kích xuống nhiều địa điểm trong khu vực tạo thành một vòng vây.

Khi địch đổ quân vừa xong thì trời sập tối, nên chúng buộc phải co cụm lại. Mặc cho địch bắn vu vơ suốt buổi chiều, ta không nổ phát súng nào nên chúng càng hoang mang. Về phía lực lượng An ninh vũ trang bảo vệ B4, tất cả đều náu mình dưới công sự, chờ lệnh của cấp trên.

Đến khoảng 20h, chúng tôi nhận được lệnh của Ban An ninh Trung ương Cục chỉ thị An ninh B4 di chuyển an toàn các đại biểu đến dự hội nghị ra khỏi khu vực. Nhưng tình huống lúc này rất nguy hiểm. Lực lượng của chúng đã tạo thành vòng vây khép chặt lấy B4. Tôi được giao trách nhiệm tổ chức bảo vệ cuộc dịch chuyển hội nghị đến một địa điểm an toàn khác… Tôi bàn với đồng chí Tư Hùng và đồng chí Ba Nhưng ngay trong đêm phải tìm bằng được một con đường bí mật, vuợt vòng vây đến một địa điểm an toàn. Cả ba chúng tôi đi theo đội hình chiến đấu, có chỗ sát địa điểm trú quân của biệt kích. Tìm được địa điểm mới, xác định đường đi, cả ba anh em tôi cụm lại xây dựng kế hoạch để báo cáo lãnh đạo B4... 

Biệt kích xâm phạm vùng giải phóng sau Hiệp định Pari, bị chiến sĩ ANVT Đoàn 180 bắt giữ trên quốc lộ 22.

Khi được cấp trên đồng ý thì mọi công việc chuẩn bị di chuyển cũng làm xong. Các tổ bảo vệ B4 được bố trí thành từng tuyến phối hợp, vừa hành quân vừa cảnh giác đề phòng gặp địch. Các đại biểu được phân ra từng tổ do một tiểu đội an ninh vũ trang bảo vệ đi theo mỗi hướng như trong kế hoạch. Điều quan trọng nhất là thực hiện phương châm “Tránh địch hơn đánh địch”; nếu gặp địch, tổ bảo vệ phải chọn phương án an toàn, bí mật nhất để chuyển hướng hành quân. Trường hợp nếu địch phát hiện chặn đánh, thì tổ bảo vệ phải để lại 1/3 quân số đánh chặn địch còn lại tiếp tục bảo vệ các đoàn đại biểu hành quân về đích.

Những chiến sỹ An ninh được chọn cử ở lại đánh chặn phải là những đồng chí có kinh nghiệm, kiên cường và dũng cảm trong chiến đấu, biết cách làm tiêu hao sinh lực địch, nhưng đồng thời cũng phải biết tổ chức nghi binh để địch không nhận biết được quân ta nhiều hay ít hoặc đã rút thì rút lúc nào. Ngoài ra phải biết lợi dụng địa hình rừng núi, vừa đánh vừa rút, đánh lạc hướng kẻ địch rồi tìm cách về đích đã chọn. Kết quả đoàn cán bộ lãnh đạo cấp cao của Ban An ninh B4 và đại biểu về dự hội nghị đã rút khỏi mục tiêu địch tập kích an toàn.

Tờ mờ sáng hôm sau khi phát hiện một số công sự bỏ không trong khu vực B4, bọn biệt kích gọi tăng viện. Lực lượng ta được phân công ở lại đánh chặn địch đã chiến đấu vô cùng dũng cảm. Hàng chục vị trí ở phòng tuyến bảo vệ B4 chiến đấu rất quyết liệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, trong khi lực lượng ta vẫn bảo đảm an toàn.

Nguyễn Đức Quý
.
.
.