Vui, buồn “Mùa nước nổi” miền Tây: Chuyển đổi sản xuất để sống chung với lũ
Làm giàu cùng con nước
Sau nhiều năm “đói” lũ, dự báo năm nay ở ĐBSCL lũ sẽ dâng cao. Tư duy mới về “sống chung với lũ” giúp người dân khu vực không phải lo chạy lũ mà sẽ tập trung tận dụng các lợi thế để từng bước triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh mùa lũ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, cung cấp nguồn nguyên liệu thực phẩm sạch đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Có lũ, hàng vạn héc-ta đất nông nghiệp sẽ được rửa mặn, tẩy phèn, tiêu trừ sâu bọ, bồi đắp phù sa màu mỡ. Đây là cơ hội thuận lợi để triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao ở những địa phương hội tụ đủ điều kiện.
Với thực tế, sống bằng nghề con cá không còn cho thu nhập ổn định khi nguồn lợi thủy sản ngày càng ít dần. Nhiều hộ dân vùng biên giới đã nghĩ ra cách chăn nuôi, sản xuất hiệu quả để “sống chung với lũ”. Những năm trước, người dân vùng biên giới An Giang đã thành công với mô hình “vỗ béo” bò, lươn, thì năm nay ông Nguyễn Văn Phú (41 tuổi, ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang) đã tận dụng nguồn thức ăn còn sót lại trên đồng và cám xay lúa từ vụ lúa hè thu vừa gặt để “vỗ béo” cá linh. Đây được xem là một cách làm mạnh dạn và mang lại hiệu quả thiết thực trong mùa nước nổi.
“Đầu con nước cá linh non bị mắc lưới, nhưng thương lái không thu mua vì quá nhỏ, không đạt chuẩn. Số cá này thường bị bỏ đi hoặc bán ủ phân với giá rất rẻ. Thấy vậy tôi bàn với một người bạn tiến hành bao lưới cước xung quanh 1ha mặt nước đất ruộng. Sau đó, thu mua 3 tấn cá linh non còn sống với giá 8.000đ/kg. Tính cả con giống và chi phí đầu tư khoảng 50 triệu đồng. Sau 15 ngày, khi cá linh phát triển khoảng 6 li (mm) thì xuất bán với giá từ 40.000 – 50.000đ/kg. Mỗi tấn cá non bằng 2 tấn cá xuất bán. Ước tính thu lãi trên 150 triệu đồng cho 3 lao động” - ông Phú tính toán.
Mô hình “vỗ béo” cá linh của ông Nguyễn Văn Phú (xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang). |
Một mô hình khác cũng rất đạt hiệu quả là nuôi tôm càng xanh luân canh trồng lúa vùng ngập lũ huyện An Phú (An Giang). Đây là mô hình được Phòng NN&PTNT huyện phối hợp thử nghiệm với nông dân mang lại kết quả rất khả quan.
Ông Trương Danh Lam, hộ dân trực tiếp thực hiện mô hình cho biết: “Khi nước dâng cao, mực nước mặt ruộng ít nhất từ 1,0 – 1,2m, thì tiến hành thả tôm giống. Sau khi tôm nuôi được 3,5 tháng kết hợp với thời điểm nước lũ tràn bờ mang lại nguồn thức ăn tự nhiên rất phong phú và chất lượng nước rất tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho tôm phát triển rất nhanh. Lợi nhuận mang lại từ mô hình đạt cao hơn mục tiêu của dự án đề ra là đạt trên 150 triệu đồng/ha/vụ. Lợi nhuận từ mô hình cao hơn gấp nhiều lần so với mô hình trồng lúa truyền thống chỉ đạt khoảng 30 - 40 triệu/ha”.
Mô hình đạt hiệu quả kinh tế phù hợp phát triển ở địa phương và có thể nhân rộng phát triển tại vùng đất An Phú và các tỉnh đầu nguồn vùng lũ. Tuy nhiên, để phát triển bền vững mô hình này thì cần tiến hành xúc tiến thương mại để có thị trường tiêu thụ ổn định giúp người dân an tâm sản xuất, cũng như phát triển mở rộng mô hình nuôi.
Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đang tiếp tục nghiên cứu, thực nghiệm phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh theo hướng xây dựng đa dạng phương thức canh tác (2 vụ lúa – 1 vụ tôm luân canh) hay (2 vụ lúa – 1 vụ tôm luân canh – vụ màu trên bờ ruộng) cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như không ngừng nâng cao hiệu quả lợi nhuận mang lại từ mô hình nuôi, thông qua giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị lúa – tôm thương phẩm trên nền đất trồng lúa ở tỉnh An Giang.
An cư lạc nghiệp
An Giang và Đồng Tháp đã chuyển đổi hàng ngàn héc-ta trồng lúa sang các loại cây trồng khác, hình thành nhiều vùng chuyên canh, nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái mang lại kinh tế cao hơn. Năm 2017, Đồng Tháp đã đổi hơn 5.000ha sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô và các loại cây trồng, hoa màu khác. Cây ngô cho năng suất từ 8-12 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn trồng lúa từ 7-10 triệu đồng/ha và được trồng theo hướng tập trung thành các vùng sản xuất quy mô lớn ven sông Tiền, sông Hậu.
Nông dân trồng ngô luân canh trên nền đất lúa sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân hoặc Hè Thu, theo mô hình 2 lúa, 1 màu vừa góp phần cải tạo đất, phá thế độc canh, cắt đứt dòng đời sâu bệnh trên lúa. Ngoài ra, tiểu dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích nghi với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười đang được triển khai, với diện tích 22.313ha.
Dự án đảm bảo điều kiện sinh kế tốt hơn cho 11.400 hộ dân ở các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự với 3 mô hình sinh kế là mô hình 2 vụ lúa xen canh 1 vụ trữ cá tự nhiên; mô hình 2 vụ lúa xen canh 1 vụ nuôi cá đồng và mô hình 2 vụ lúa 1 vụ tôm càng xanh.
Việc chuyển đổi sản xuất theo hướng “chung sống với lũ”, tạo ra nguồn nông sản, thủy sản hàng hóa chất lượng có giá trị kinh tế hướng đến xuất khẩu, giúp đời sống nông dân ngày càng nâng cao. Ngoài cá tra, xuất khẩu chủ lực của An Giang và Đồng Tháp, hiện nay còn phát triển thêm nghề nuôi cá đồng mùa lũ phù hợp với các hệ thống canh tác sản xuất lúa, gạo sinh thái hữu cơ kết hợp với sen hoặc tràm gắn kết với phát triển du lịch sinh thái…
Hàng trăm năm qua, cư dân vùng ĐBSCL đã quen thuộc với quy luật dòng chảy lũ và họ đã sống thích nghi tốt với tình trạng lũ lụt ở đây. Thật sự bà con đã có nhiều sáng tạo để thích nghi với sự thay đổi thời tiết theo hoàn cảnh và điều kiện sinh sống của từng địa phương. Tuy nhiên, quan điểm “sống chung với lũ” giờ cần nâng lên một bước với mục tiêu “Sống chung với biến đổi khí hậu”.
Thực tế, đây là một hình thức mở rộng quan điểm “sống chung với lũ” ở quy mô rộng hơn cho cả vùng đồng bằng chứ không giới hạn không gian cho riêng vùng bị ảnh hưởng của lũ lụt. Qua đó, góp phần ổn định cuộc sống, hạn chế rủi ro, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.