Vẫn âm thầm “ăn thuốc”
- Hãi hùng thực phẩm bẩn ở Đồng bằng sông Cửu Long
- Nỗ lực ngăn chặn thực phẩm bẩn tại TP HCM
- Hoa quả và thực phẩm bẩn liên tục nhập lậu qua biên giới Móng Cái
Nhưng xem ra Luật vẫn còn đang "ở trên cao", và nhiều kiểu kinh doanh bất lương vẫn tiếp tục xuất hiện, khiến thực phẩm bẩn vẫn có điều kiện len lỏi vào từng bữa ăn gây nỗi ám ảnh, lo lắng cho mỗi gia đình.
Để tự bảo vệ mình, rất nhiều cư dân thành thị đang trở thành nông dân “cày cuốc” trên sân thượng nhà mình để có miếng rau sạch.
Nhóm PV Báo CAND đã thâm nhập thực tế tìm hiểu về loại thực phẩm chính luôn có trên mâm cơm mọi nhà là thịt và rau. Những thông tin có được cho thấy nguy cơ ăn phải thức ăn bẩn là nỗi ám ảnh thường trực.
Từ những nguồn tin về chất tạo nạc thay thế, PV Báo CAND có mặt tại khu vực nuôi heo ở một số xã của tỉnh Đồng Nai – một trong những địa phương có đàn heo khá lớn, nhằm tìm hiểu thực hư chất tạo nạc mới.
Heo được nuôi chất tạo nạc Salbutamol bị giòn xương sắp tới ngày xuất chuồng thường không đứng nổi, phải ngồi để ăn. |
Tại một vài cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ thuộc huyện Long Thành, Đồng Nai, một số người cho biết, sau một thời gian dài, có hộ chăn nuôi đã từng điêu đứng vì chất tạo nạc Salbutamol, nên giờ đây có ai mời chào hay xúi sử dụng các chất tạo nạc gì, các cơ sở cũng đều từ chối.
“Trước hết nếu sử dụng, có nghĩa là đã vi phạm các cam kết với cơ quan chức năng, khi bị phát hiện, ngoài việc bị phạt hành chính, có thể phải tiêu hủy cả đàn, do vậy chẳng ai dại vi phạm lệnh cấm…”, ông Thú, chủ một cơ sở chăn nuôi cho biết. Ông còn quả quyết: “Giờ có đi khắp xã này, nếu phát hiện nhà nào sử dụng chất tạo nạc ông sẽ đi bằng đầu”.
Chúng tôi tin là ông Thú nói thật bởi ông không muốn đàn heo sắp xuất chuồng của ông bị thiêu hủy, có mà sạt nghiệp. Tuy nhiên, vẫn theo ông Thú, từ khi đẻ cho đến khi xuất chuồng một con heo được tiêm chích đến 7 loại thuốc khác nhau.
Chị Khuyên, một chủ hộ chăn nuôi khác cũng ở huyện Long Thành, Đồng Nai, cho biết, thời gian gần đây bà con (cả gia đình chị) không sử dụng bất cứ chất gì ngoài những thứ thuốc mà các cửa hàng thuốc thú y hay đại lý thức ăn gia súc bán, nếu có gì thì công ty sản xuất thức ăn, thuốc thú y chịu trách nhiệm.
Trước đây vì ham chút lợi nhỏ, mà khi chưa có thông tin Salbutamol gây ung thư rất nhiều hộ chăn nuôi ở khu vực này cũng sử dụng, gia đình chị cũng trộn cho heo ăn.
Có thời gian heo xuống giá, lỡ cho chúng ăn rồi sau 20 ngày không kịp xuất chuồng, heo bị liệt không thể đi lại được, lúc đó thiệt đơn hại kép. Sau này có khuyến cáo của thú y, cùng việc vận động hộ chăn nuôi ký cam kết không sử dụng, bà con mình sợ không dám làm liều.
Tuy nhiên khi PV Báo CAND dò hỏi chị có biết loại thuốc tăng trọng tạo nạc khác không, thì chị thừa nhận cũng nghe loáng thoáng trong khu vực có hộ chăn nuôi khi heo được khoảng 50-60kg, bà con bắt đầu cho ăn chất tạo nạc và cho ăn cách quãng cho đến khi xuất chuồng, nhưng bằng chất gì đó thì chị không nhớ tên.
Khi đem chuyện Cysteamine hỏi một số cán bộ thú y Đồng Nai, chúng tôi đã gặp phải sự né tránh. Có lẽ do câu hỏi đó đã “chạm” vào nỗi buồn của một “thủ phủ” cung ứng nguồn heo nguyên liệu lớn nhất cả nước chịu sự tác động quá lớn của “cơn bão” Salbutamol hoành hành nhiều năm dài.
Nhưng cũng đã có nhiều ý kiến của cán bộ thú y Đồng Nai cho rằng nên đưa chất này vào danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi, nếu không sẽ là “thảm họa”.
Trong những ngày nán lại khu vực nuôi heo ở Đồng Nai, cũng theo thừa nhận của người nuôi, lái heo thường chích cho heo thứ gì đó trước khi đưa lên xe chuyển về thành phố giết mổ.
Một chuyên gia đầu ngành cho biết, thông thường, khi heo đã dùng hormon kích thích tăng trọng thì rất dễ nhạy cảm với stress dẫn đến dễ chết dọc đường hay phẩm chất thịt xấu.
Vì vậy nên lái heo sử dụng thuốc an thần trước khi vận chuyển đến lò mổ. Loại thuốc này thường được sử dụng như: Azaperone, nhóm Phenothiazine ví dụ Chlorpromazine, Propionylpromazine, trong đó khá phổ biến là Acepromazine (với tên thương mại như Combistress và Prozil).
Tuy nhiên, do khả năng bài thải chậm và độc tính cao (đã có một số ca trẻ em bị ngộ độc tử vong hoặc có trường hợp dùng thuốc để tự tử); nên hiện nay thuốc chỉ được sử dụng trong lĩnh vực thú y kết hợp điều trị. Các chuyên gia cũng không khuyến khích sử dụng trong vận chuyển thú giết thịt sử dụng thuốc này.
Các chuyên gia nhận định lái heo dùng thuốc an thần là để hỗ trợ hành vi bơm nước vào heo nhằm tăng trọng lượng thịt. Do khả năng bài thải chậm và liều lượng sử dụng trong vận chuyển chắc chắn là cao nên tồn dư chắc chắn xảy ra.
Riêng người sử dụng, ăn phải sản phẩm thịt gia súc có chứa tồn dư thuốc an thần có thể dẫn tới các triệu chứng hạ huyết áp, tình trạng lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hoà thân nhiệt… và nếu tương tác với các thuốc khác có thể làm cho tình trạng lâm sàng phức tạp hơn.
Đặc biệt, triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn đối với trẻ em, người già, và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận.
Ngày 5-11, qua trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Xuân Dương - Cục phó Cục Chăn nuôi cho rằng: “Mới phát hiện ra hiện tượng thôi chứ ta chưa khẳng định đây là hành vi phổ biến của chủ trang trại mua thức ăn gia súc có sử dụng chất Cysteamine. Khác Salbutamol, Cysteamine không kinh khủng như vậy.
Hiện ta cần nghiên cứu xem nó ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng ra sao nếu ăn thịt heo có ăn chất này.
Đủ cơ sở cùng khuyến cáo của các nhà khoa học thì sớm nhất cũng phải tháng 122016 mới đưa ra chế tài, cấm hay không. Nếu ta đưa ra ngay lệnh cấm sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, và nhiều hệ lụy tới các chủ trang trại. Ta phải cân nhắc”…
Chiều 8-11, trả lời PV Báo CAND, ông Trần Văn Quang Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho rằng, từ đầu năm tới nay tại Đồng Nai trong kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi, trong 517 mẫu chỉ phát hiện có 7 mẫu dương tính salbutamol, như vậy là tình hình kiểm soát sử dụng chất cấm trong heo đã rất có hiệu quả.
Trong đợt 1 kiểm tra có 2 mẫu (2 trại) vi phạm dùng chất cấm Salbutamol đã bị xử lý theo NĐ 119 và thông tư 57 của Bộ NN-PTNT, xử phạt hành chính là 15 triệu/hộ. Hai đợt kiểm tra sau, 2 cơ sở này không phát hiện mẫu dương tính.
Khi chúng tôi đề xuất ý kiến với ông Phan Minh Báu-Phó Giám đốc Sở NN-PTNT được thành lập đoàn kiểm tra tại các cơ sở đã có nguồn tin mua thức ăn gia súc có trộn Cysteamine, nhưng ông Báu phân trần: “Cysteamine phải được đưa vào danh mục cấm mới làm. Không có kế hoạch thì tài chính không duyệt lấy đâu kinh phí?!”.
Vào năm 2015, khi thông tin về một số lượng mới có khoảng 9 tấn Salbutamol có mặt ở Việt Nam nhưng trong đó chỉ có một số lượng rất nhỏ được sử dụng đúng mục đích đã khiến cơ quan ban ngành, nhất là cả cộng đồng người dân muốn “nhảy dựng” vì lo lắng thế mà giờ đây, trên 150 tấn sản phẩm thực phẩm thức ăn chăn nuôi bổ sung có hàm lượng chất tạo nạc đã và đang “chu du” nhiều nơi, vào tới cả các trang trại nuôi heo nhiều tỉnh thành mà xem ra, phản ứng của các nhà quản lý có vẻ còn quá chậm khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi, phải chăng bài học đắt giá Salbutamol đã bị lãng quên? …