Trên những cung đường Trường Sơn huyền thoại:

Ngày mới trên tuyến đường Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 17/05/2019, 09:37
Vào những ngày này, cả nước đang chuẩn bị lễ kỷ niệm 60 Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19-5-1959-19-5-2019) - con đường Trường Sơn huyền thoại, gặp lại chúng tôi, ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn (Quảng Nam) phấn khởi trao đổi rằng, tuyến đường Hồ Chí Minh ngày nay đi ngang qua 5 xã trên địa bàn với chiều dài 57 cây số.


Sau khi tuyến đường xây dựng hoàn thành, khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi, miền núi với đồng bằng đã được rút ngắn, tạo thuận lợi giao thương trao đổi hàng hóa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.

Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển du lịch, thương mại, nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng được đầu tư xây dựng, thu hút du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, nghỉ lại tạo sự khởi sắc, nâng cao đời sống cho nhân dân. 

Bên cạnh đó, đường Hồ Chí Minh còn tạo điều kiện phát triển nông, lâm nghiệp; hàng hóa nông, lâm sản của người dân làm ra được các thương lái đến mua, tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo. 

Còn ông Chrum Nhiên, Bí thư Huyện ủy Nam Giang (trước đây là huyện Giằng), cho hay, từ năm 2015, UBND huyện đã công bố Quyết định Phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Nam về Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) Khu trung tâm hành chính huyện Nam Giang. 

Đồng bào các dân tộc thiểu số sống dọc tuyến đường Hồ Chí Minh hoạt động vui chơi trong các ngày lễ, Tết.

Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Thạnh Mỹ - Bến Giằng, đây là trung tâm hành chính - chính trị của huyện, bao gồm khu hành chính, khu văn hóa, thể dục thể thao có tổng diện tích 85ha. Trung tâm hành chính - chính trị huyện sẽ là khu chức năng làm động lực phát triển chung cho đô thị Thạnh Mỹ…

Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Công an huyện Nam Giang, cũng cho biết, từ khi có đường Hồ Chí Minh, cuộc sống của người dân địa phương dọc hai bên tuyến đường được nâng lên rõ rệt. Những năm qua, Công an huyện thường xuyên thực hiện phương châm “3 cùng” với người dân tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống mới… 

Ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, huyện A Lưới được biết đến là địa danh gắn liền với “rốn da cam”, do trong chiến tranh hòng cắt đứt tuyến đường Trường Sơn, quân đội Mỹ đã thả xuống đất này hàng triệu tấn bom đạn, chất độc dioxin hủy diệt sự sống. 

Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Đảng ủy và chính quyền các cấp, nhiều năm qua, đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy… đã từng bước vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương giàu đẹp. 

Và điều ấy đã được chứng minh khi những ngày này, đi trên đường Hồ Chí Minh qua A Lưới, hai bên đường là những ngôi nhà được người dân xây dựng khang trang, kiên cố, với cờ đỏ sao vàng tung bay trước ngõ để chào mừng ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) không giấu được niềm vui cho biết, miền núi A Lưới đang khởi sắc từng ngày. 

Theo lời ông Hùng, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và vận động, hiện người dân ở A Lưới đã mở rộng diện tích sản xuất lúa nước lên đến 1.100ha, 650ha ngô, 1.434ha sắn, 1.235 cây cao su, 387ha chuối và trồng mới 703ha keo tràm. Bên cạnh đó, bà con dân bản còn tận dụng địa hình đồi núi để phát triển đàn gia súc với hơn 27.000 con. 

Đến cuối tháng 3-2019, tổng thu ngân sách toàn huyện A Lưới đạt hơn 40 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 490 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đã thực hiện tốt việc chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, người có công cách mạng, hộ gia đình nghèo để đảm bảo an sinh xã hội. 

“Khi đường Hồ Chí Minh qua địa bàn A Lưới được mở rộng, xây mới hoàn thiện đã tạo điều kiện kết nối giao thông A Lưới với TP Huế và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, giúp việc giao thương, kinh tế của huyện phát triển vượt bậc”, ông Hùng hồ hởi nói.   

Nằm cách thị trấn A Lưới không xa, hàng trăm người dân ở các thôn bản thuộc xã Phú Vinh trong chiến tranh từng tham gia góp sức, góp công mở đường Trường Sơn nay tiếp tục ra sức lao động, sản xuất để biến những ngọn đồi hoang hóa thành những cánh rừng xanh mướt. 

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vinh vui vẻ chia sẻ, tính đến đầu năm 2019, toàn xã có 373 hộ dân (gần 1.200 khẩu) với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/năm. Nhờ nỗ lực phấn đấu của bà con dân bản nên tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 3,3% và xã đã được tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới với 19/19 tiêu chí từ hơn 2 năm trước.

Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên những năm gần đây, Phú Vinh không có con em bỏ học giữa chừng, nhiều em tốt nghiệp THPT thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Các hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi ở địa phương cũng được xóa bỏ để thay vào đó là lối sống văn minh, tuân thủ quy định pháp luật. Và có thể khẳng định đời sống của người dân sinh sống dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đang thay da đổi thịt từng ngày… 

Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, nhiều năm qua, ngoài làm tốt công tác đảm bảo ANTT ở các xã biên giới,  Công an tỉnh đã chú trọng thực hiện nhiều kế hoạch để giúp bà con dân bản ở các xã miền núi A Lưới thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. 

Cụ thể từ năm 2017 đến nay, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế thực hiện nhiều chương trình như hỗ trợ kinh phí xây nhà tình nghĩa, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hỗ trợ cây con giống, xây dựng đường nông thôn mới, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miền phí và trao tặng hàng ngàn suất quà cho người dân các xã huyện A Lưới vào mỗi dịp lễ, Tết...

Theo đường Hồ Chí Minh ngược ra huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi cũng chứng kiến bao thay da, đổi thịt của các bản làng dọc hai bên đường. 

Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, phấn khích nói rằng, đường Hồ Chí Minh ngày nay qua các xã Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, không chỉ tạo sự thuận lợi trong đi lại cho bà con các dân tộc thiểu số ở đây, mà còn góp phần quan trọng vào vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa miền ngược với miền xuôi và phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao. 

Con đường còn góp phần đặc biệt quan trọng vào tuần tra kiểm soát, giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia và đảm bảo ANTT, góp phần vào sự ổn định, phát triển kinh tế- xã hội bền vững và hiệu quả của địa phương. 

Đến xã Hướng Phùng, chúng tôi dễ dàng nhận thấy cuộc sống đủ đầy, sung túc của người dân bản địa. Nhà cửa khang trang; trường học, bệnh viện, các cơ sở kinh doanh hàng hóa… mọc lên san sát hai bên con đường và đẹp như một bức tranh. 

“Bà con ở đây làm lúa nước mỗi năm 2 vụ. Nhờ đất đai màu mỡ, việc áp dụng đúng KHKT vào sản xuất, nên năng suất đạt được khá cao, có năm gấp hơn 1,5-2 lần so với nhiều nơi ở vùng đồng. Đặc biệt, cây trồng cà phê là nguồn thu nhập dồi dào nhất của bà con. Kể từ năm 2016 đến nay, bà con nơi đây còn có thêm nhiều nguồn thu khác, như việc trồng các loại hoa ly ly, tulip bán vào các dịp lễ, Tết. 

Ông Hồ Sơn, một người dân ở bản Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, còn bộc bạch, với 3 nguồn sản xuất, gồm trồng cây cà phê, sắn dây và lúa nước, mỗi năm gia đình ông có thu nhập lãi ròng trên 60 triệu đồng. Cùng với tuyến đường trên, Hướng Hóa còn có tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Nam gần với trung tâm huyện lỵ đi các xã rẻo cao của địa phương và huyện Đăkrông. Con đường này đã trở thành điểm tham quan, du lịch rất hấp dẫn và thú vị cho du khách…

Thanh Bình – Anh Khoa - Ngọc Thi
.
.
.