Trên những cung đường Trường Sơn huyền thoại -Bài 2

Thứ Hai, 13/05/2019, 08:59
Đất nước hòa bình, bằng ý chí và quyết tâm lao động, sản xuất, những ngôi làng trong tọa độ lửa đã hồi sinh, phát triển mạnh mẽ, người dân xây dựng cuộc sống ấm no.


Màu xanh cuộc sống trên tuyến lửa năm xưa

Trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam, hàng ngàn ngôi làng dọc dài theo dãy Trường Sơn từng được coi là tọa độ lửa bắn phá của địch suốt ngày đêm. 

Nhiều ngôi làng hầu như bị san phẳng bởi bom đạn, người dân phải sống, sinh hoạt trong hầm đất, hang, hốc núi. Nhưng trên tất cả là tình yêu Tổ quốc, hàng vạn chuyến xe, và đội quân trùng điệp vào chiến trường vẫn luôn được người dân thương yêu, bảo vệ an toàn. 

Đất nước hòa bình, bằng ý chí và quyết tâm lao động, sản xuất, những ngôi làng trong tọa độ lửa đã hồi sinh, phát triển mạnh mẽ, người dân xây dựng cuộc sống ấm no.

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình luôn sát cánh cùng bà con dân bản Mày, Sách, Khùa… ở miền Tây Quảng Bình.

Trong một buổi chiều đầu hạ, tôi tìm về nhiều làng quê ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An. Những vùng quê mà trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc, người dân đã tự nguyện dỡ bỏ nhà cửa để làm đường qua sông đưa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, hàng ngàn tấn quân lương vào chiến trường miền Nam. 

Với khẩu hiệu “xe chưa qua, nhà không tiếc”, chỉ trong một đêm, người dân các làng quê dọc theo tuyến đường Trường Sơn ở Can Lộc, Tân Kỳ, Minh Hóa, Bố Trạch... đã tự nguyện tháo dỡ chục ngàn căn nhà để làm đường, nối cầu cho con em vào Nam chiến đấu. 

Chỉ tính riêng để bảo vệ tuyến đường qua Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, hàng trăm hộ dân đã tự nguyện tháo hết nhà cửa, nhà thờ họ, trường học... trong tháng 12-1968 để lấp đường cho xe vô tiền tuyến. Gặp lại các o, các mẹ khi nói về việc tháo nhà làm đường, ai cũng trả lời một câu nhẹ tênh “Nước còn thì nhà mình còn”...

Trong căn nhà ngói khang trang, anh Hồ Khăm, xã Dân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình tự hào: Trong chiến tranh, bà con các tộc người sinh sống ở thung lũng Trường Sơn nơi đây như Khùa, Mày, Sách, Mã Liềng đều hết lòng che chở cho bộ đội. Tìm hang trong núi đá để cho bộ đội cất giấu vũ khí và trú tránh bom đạn. Sau chiến tranh, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng, Công an…, nhiều ngôi làng mới, nhà mới của bà con dân tộc đã mọc lên giữa núi rừng.

“Trường Sơn ơi! Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió…”, bài ca bất hủ về Trường Sơn của một thời oanh liệt đưa chúng tôi tiếp tục đến Ngã ba Khe Ve, đèo Mụ Gịa, Đồi 37, suối Rụng tóc, đèo Đá Đẻo… Những địa danh gắn với những làng quê từng được coi là tọa độ lửa của bom đạn Mỹ bắn phá suốt ngày, đêm. 

Chúng tôi đến xã Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình khi mặt trời đứng bóng. Thượng Hóa là xã nằm ngay trên đường Trường Sơn xưa, cả xã chủ yếu toàn bà con tộc người Sách và Rục. 

Trong những năm kháng chiến mở đường Trường Sơn, người dân nơi đây đã cùng với bộ đội, TNXP chung lưng đấu cật vượt qua muôn vàn khó khăn để chiến thắng kẻ thù. Sau chiến tranh, Thượng Hóa trở thành xã nghèo nhất cả nước với gần 99% số hộ đói, nghèo. 

Cũng như Thượng Hóa, nhiều làng mạc bên đường Trường Sơn người dân cũng phải vật lộn với đói cơm, khát chữ. Song từ ngày nhà nước xây dựng đường Hồ Chí Minh như dải lụa bắc qua các bản, làng, cuộc sống bà con các dân tộc trên dãy Trường Sơn đã thực sự đổi thay. 

Từ một xã chỉ có 10 người biết chữ, đến nay Thượng Hóa đã phổ cập xong trung học cơ sở. Từ bản Yên Hợp, bản Ón, đến bản Mò O Ồ Ồ…, những dãy nhà ngói khang trang nằm nép mình bên đường Hồ Chí Minh tạo nên sức sống mới trên dãy Trường Sơn. 

Trở lại đèo Đá Đẻo, nơi lịch sử mãi ghi đậm chủ nghĩa anh hùng cách mạng của hàng vạn nam, nữ TNXP trong những ngày mở đường Trường Sơn. Những hố bom đã được san lấp, thay vào đó là những thửa ruộng, mảnh vườn mướt mát ngô, khoai. Cả bản hầu hết nhà nào cũng sắm được tivi, xe máy. 

Những nơi tưởng là vùng đất chết trong chiến tranh trên đường Trường Sơn như đèo Đá Đẻo, Khe Ve, Cổng Trời… hôm nay người dân đã xây dựng thành những bản làng mới khang trang. Đó là sự tri ơn có ý nghĩa nhất đối với những người lính Trường Sơn, TNXP một thời đã đổ mồ hôi và máu cho một dân tộc anh hùng.

Dương Sông Lam
.
.
.