Trên những cung đường Trường Sơn huyền thoại - Bài 4

Thứ Tư, 15/05/2019, 08:19
Những ngày đầu tháng 5 lịch sử, chúng tôi trở lại huyện miền núi A Lưới tìm gặp những nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến đấu, góp sức mở đường Hồ Chí Minh cách đây đúng 60 năm về trước.

Trở lại thung lũng A Sầu

Bên trong căn nhà nằm gần tuyến đường Hồ Chí Minh, Đại tá Hồ Mạnh Khóa, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện A Lưới, nâng niu từng kỷ vật là những Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến công được Đảng và Nhà nước trao tặng. 

Đã gần tuổi 80, nhưng ông Khóa vẫn còn khá minh mẫn. Ông nhớ rõ từng trận đánh dọc tuyến đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa, đặc biệt là trận đánh vào căn cứ A Sầu...

Đại tá Hồ Mạnh Khóa (góc trái) kể về những trận đánh mở đường Hồ Chí Minh qua A Lưới.

Theo lời ông Khóa kể lại, nhận thấy A Lưới chiếm giữ vai trò quan trọng trên tuyến Trường Sơn, đặc biệt là khu vực thung lũng A Sầu, nên từ năm 1957 đến 1963, giặc lập 12 đồn bốt lớn nhỏ nhằm phong tỏa khu vực miền Tây Trị-Thiên. Bọn giặc tập trung lực lượng, hỏa lực tại 3 căn cứ quân sự lớn là A Sầu, A Lưới và A Co.

Để ngăn chặn quân ta mở đường Trường Sơn, giặc huy động lực lượng gồm pháo binh, thiết giáp, máy bay suốt ngày đêm đánh phá để ngăn chặn các tuyến vận tải của ta. Tuy nhiên, trước sự tấn công của quân chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích là đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới, các đồn bốt, căn cứ quân sự của Mỹ lần lượt bị tiêu diệt.

Thời điểm này, nhận định A Sầu (đóng tại sân bay A So, xã Đông Sơn) bao quanh đồi núi, dễ phòng thủ nên Mỹ co cụm rút về đây lập cứ điểm với lực lượng gồm 1 trung đoàn, 2 đại đội biệt kích cùng nhiều xe tăng, máy bay với sự chỉ huy của 3 cố vấn người Mỹ. 

“Đầu năm 1966, nhận lệnh cấp trên là bằng mọi giá phải tiêu diệt được cứ điểm A Sầu, khai thông đường 559 qua khu vực Trị- Thiên. Sau một thời gian dài chuẩn bị, 5h ngày 10-3-1966, các cánh quân của Sư đoàn 325B thuộc Quân đoàn 2 cùng bộ đội địa phương, quân và dân quận 1,3,4 A Lưới đã nổ súng tiến công vào cứ điểm này. Quân ta và địch chiến đấu giành nhau từng chiến hào, từng dây thép gai. Đến sáng 11-3-1966, toàn bộ hơn 1.000 lính Mỹ, ngụy bị tiêu diệt và bắt sống, cứ điểm A Sầu bị tiêu diệt. Chiến thắng vang dội này có công lao không nhỏ của lực lượng du kích đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Hương Lâm, Hồng Quảng, Hồng Hạ, Hồng Bắc…”, ông Khóa nhớ lại.

Cũng theo lời ông Khóa, chiến thắng cứ điểm A Sầu đã giải phóng 3 quận gồm 1, 3 và 4 ở miền Tây Trị-Thiên và toàn bộ vùng đất A Lưới. Đây được xem như là phát súng hiệu lệnh để tiến tới mở các lối vận tải trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua địa bàn A Lưới. 

Tuy nhiên, sau thất bại tại A Sầu, từ giữa năm 1966 đến năm 1972, vì muốn đánh chiếm lại các cứ điểm ở A Lưới và ngăn quân ta mở đường mòn Hồ Chí Minh nên địch đã huy động nhiều lượt máy bay ném bom và rải chất độc hóa học dioxin xuống A Lưới. 

“Bọn giặc lúc đó muốn ngăn chặn quân ta mở đường mòn theo dãy Trường Sơn, cũng như hòng cắt đứt các tuyến vận tải, chi viện cho chiến trường miền Nam”, ông Khóa nói.

Từng tham gia hàng trăm đợt gùi súng đạn, lương thực để tiếp tế cho quân chủ lực trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua địa phận huyện A Lưới, cựu chiến binh Hồ Chính Bắc nay đã 70 tuổi, là người có uy tín ở thôn Phú Thượng, xã Phú Vinh, huyện A Lưới, cũng không khỏi bùi ngùi xúc động. 

Ông Bắc kể, đầu năm 1967, Tư lệnh Trường Sơn Đoàn 559 Đồng Sỹ Nguyên cùng một số cán bộ vào A Lưới để khảo sát mở đường mòn Hồ Chí Minh. 

Tại đây, nói chuyện với bộ đội, dân quân đang làm nhiệm vụ ở thung lũng A Sầu, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên khẳng định, muốn chi viện, đưa các quân đoàn chủ lực từ Bắc vào miền Nam thì tuyến đường Hồ Chí Minh qua A Lưới cần phải được mở thông suốt, tạo thế trận giao thông liên hoàn. Mà muốn làm được điều này thì cần có sự đoàn kết, nỗ lực của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc các thiểu số ở A Lưới. 

“Với lời căn dặn ấy, lực lượng cách mạng đã thực hiện tuyên truyền đến các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng và đồng bào dân tộc thiểu số để họ hiểu rõ mục đích của việc mở đường Hồ Chí Minh. Nhờ thế mà sau đó, người dân ở các bản làng ở Phú Vinh và nhiều xã khác ở A Lưới đã cùng tham gia vào việc mở đường, gùi hàng hóa, lương thực, súng đạn phục vụ cho công tác mở các tuyến vận tải trên đường mòn Hồ Chí Minh qua A Lưới”, ông Bắc nói.

Nhờ sự đoàn kết, giúp đỡ của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi và các dân tộc thiểu số khác ở miền Tây Trị-Thiên, đến cuối năm 1967, tuyến đường Hồ Chí Minh đã được mở thông đến thị trấn A Lưới. Đến năm 1968, đường mở vào xã Hương Lâm và sau đó tiếp tục được mở qua đèo Ba Lạch, xã A Đớt, A Roàng và đến địa phận giáp tỉnh Quảng Nam. 

Anh hùng Hồ Vai nay đã 79 tuổi, hiện sống ở thị trấn A Lưới là một trong những người từng tham gia chỉ huy lực lượng bộ đội địa phương đánh nhiều trận vào căn cứ Mỹ -ngụy để bảo vệ tuyến đường Hồ Chí Minh. 

Theo lời ông Vai, ngoài việc hỗ trợ quân chủ lực, bộ đội địa phương đánh địch, người dân A Lưới đã góp sức cùng với bộ đội Trường Sơn mở đường Hồ Chí Minh. Từ năm 1959 đến 1975, đã có hơn 100km đường Hồ Chí Minh qua 16 xã thuộc địa phận A Lưới được khai mở, làm nhiệm vụ vận chuyển, giao thông liên lạc giữa hai miền Bắc-Nam và trực tiếp chi viện sức người, sức của cho chiến trường Trị- Thiên.

Trong chiến tranh lửa đạn đã xuất hiện những anh hùng như: Hồ Vai, Kan Lịch, Hồ A Nun, Cu Trip… Bên cạnh đó là gần 16 nghìn thanh niên ở A Lưới lên đường nhập ngũ, phối hợp với quân chủ lực tiêu diệt hơn 7.000 tên địch, bắn rơi 365 máy bay, phá hủy 60 xe quân sự và phương tiện các loại của giặc. Ngoài ra, quân và dân A Lưới đã đóng góp hơn 33 nghìn tấn lương thực, thực phẩm; 4.560 lượt dân công hỏa tuyến; 1,5 triệu ngày công phục vụ chiến đấu và góp công mở tuyến đường mòn huyền thoại Hồ Chí Minh để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Anh Khoa
.
.
.