Kỷ niệm 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2016)

Tình phụ tử của một cán bộ An ninh Miền

Thứ Sáu, 29/04/2016, 13:13
Kênh Chắc Băng và bến Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) 62 năm trước, là địa điểm tập kết 200 ngày của quân dân miền Nam ra miền Bắc theo thỏa thuận đình chiến của Hiệp định Genéve. Ngày đó, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng miền Nam do yêu cầu của tổ chức phân công ở lại, đành gạt lệ, ngậm ngùi tiễn chồng hoặc gửi các con nhỏ lên tàu theo đồng đội ra Bắc học tập chờ ngày thống nhất đất nước. Nhưng ai có ngờ đâu, cuộc trường chinh của dân tộc kéo dài đằng đẵng 21 năm.


Trong số những cán bộ gửi con tập kết 62 năm trước trên bến Sông Đốc, có đồng chí Huỳnh Việt Thắng (Mười Quỳ, Tư Thắng), nguyên lãnh đạo An ninh Miền. Do hoạt động bí mật và thay đổi địa bàn hoạt động nhiều nơi từ nội thành ra căn cứ Trung ương Cục, căn cứ An ninh miền Nam ở rừng Mã Đà, sang Campuchia… những lần gặp con và thăm con đối với ông là những câu chuyện cảm động, đẫm đầy nước mắt. 

Cho đến ngày Nam - Bắc một nhà, ông vẫn còn băn khoăn, day dứt vì mải lo việc của một cán bộ Công an với dân, với nước mà không có nhiều thời gian dành cho gia đình… Chiến tranh đã làm cha con chia ly, cách biệt quá lâu.

Lúc mới lớn, ông theo người anh trai thứ tám lên Sài Gòn để theo học trung học và làm thêm nghề chụp ảnh thì cha gọi về quê cưới vợ ở xã Long Phú (Bến Lức), theo kiểu hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. 

Ông Huỳnh Việt Thắng.

Khi ông bắt đầu giác ngộ cách mạng thì cô con gái đầu lòng tên Hồng Loan chào đời. Từ lúc còn là một thanh niên tay không tước súng giặc và vào Quốc gia tự vệ cuộc giành lấy chính quyền tại xã Long Định, huyện Cần Đước, Mười Quỳ (Huỳnh Việt Thắng) được cấp trên tín nhiệm giao làm Phó chỉ huy. 

Về sau, khi thành lập Sở Công an Nam Bộ, do đồng chí Cao Đăng Chiếm phụ trách, đơn vị Quốc gia tự vệ cuộc được chuyển thành Công an Cần Đước thuộc Ty Công an Chợ Lớn, Mười Quỳ được giao làm Trưởng Công an huyện. Giai đoạn từ 1947 đến 1950, ông làm Phó Ty Công an Chợ Lớn kiêm phụ trách tòa án đóng trụ sở tại khu vực Vườn Thơm, Bình Chánh và Đức Hòa (Long An). 

Cho đến năm 1951, Xứ ủy Nam Bộ chia chiến trường Nam Bộ thành 2 phân liên khu miền Đông và miền Tây Nam Bộ, Mười Quỳ được giao chức vụ Phó Ty Công an tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn và kiêm Ủy viên Chính phủ Tòa án quân sự. 

Bến Sông Đốc, nhân dân miền Nam tiễn người thân tập kết năm 1954.

Trước khi nhận nhiệm vụ mới, Mười Quỳ tranh thủ giải quyết chuyện gia đình. Từ trước nay, vợ con ông sống trong vùng giải phóng chiến khu Đông Thành, là vùng căn cứ bưng biền cuộc sống khá yên ổn, nhưng về lâu dài bất tiện. Do đó, ông bố trí cho vợ con dọn lên thành phố Sài Gòn sinh sống trong vỏ bọc ngụy trang mới để xóa dấu vết liên quan đến người chồng là Phó Ty Công an tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn. 

Xảy ra vụ án “Đại Việt Quốc dân đảng” nên tình hình của 3 huyện mới là Nhà Bè, Cần Giuộc, Cần Đước rất rối ren, Tỉnh ủy Chợ Lớn quyết định sáp nhập thành Liên huyện, Mười Quỳ – Phó Ty Công an tỉnh được giao kiêm Trưởng Công an Liên huyện cho đến ngày đình chiến năm 1954.

Mười Quỳ không đi tập kết, ông nhận nhiệm vụ ở lại miền Nam xây dựng lực lượng chiến đấu lâu dài với địch với vai trò Phó Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc. Tỉnh ủy điều động ông và đồng chí Bảy Hồng Vũ vào căn cứ Tỉnh ủy Chợ Lớn trong Đồng Tháp Mười. Ông được giao nhiệm vụ về Ban địch tình Biên Hòa, còn Hồng Vũ làm Bí thư tỉnh Biên Hòa.

Hai cô con gái Hồng Loan và Hồng Anh theo mẹ lên Sài Gòn sinh sống, làm nghề thêu len trong con hẻm lao động nghèo trên đường Bến Hàm Tử. Từ căn cứ, lên Biên Hòa nhận nhiệm vụ, ông nhờ người cháu họ Ba Lăng liên lạc đón hai con gái đến gặp cha. Lúc này Hồng Loan đã 13 tuổi, Hồng Anh 10 tuổi, sau bao năm xa cách mới gặp cha ôm nhau khóc mừng mừng, tủi tủi. 

Lần đầu tiên, Hồng Loan mới cất tiếng kêu… ba… rồi ôm chầm lấy ông, trong khi Hồng Anh ngơ ngác không biết chuyện gì đã xảy ra. Hồng Loan nhắc: “Ba hứa hòa bình sẽ cho tụi con ra Hà Nội học. Nay ba phải giữ lời đó… cho tụi con đi”. Mười Quỳ ôm hai con rất lâu rồi lưỡng lự hỏi: “Bà nội có cho hai con đi không?”. “Ba đừng nói cho bà nội biết. Đưa hai con đi rồi nói nội hay sau…” - Hồng Loan lém lỉnh bày kế. Không thể ngăn ước muốn chính đáng của con, nhưng để hai con nhỏ dại đi ra Bắc không người nhà ông cũng lo lắng, không an tâm. 

Vài hôm sau, ông bố trí xe đưa ba cha con xuống Phụng Hiệp rồi vào Chắc Băng, nơi tập trung tập kết. Tại đây, ông gặp đồng chí Bùi Dự cùng cháu họ tên Ngọc đang phụ trách thiếu nhi tập kết dặn dò, chăm sóc hai con nhỏ. Ở lại Chắc Băng mấy ngày với hai con, ông nuốt nước mắt tạm biệt hai con, giao cho cháu Ngọc lo giùm những ngày còn lại, ông quay về Sài Gòn bắt đầu vào cuộc chiến đấu mới.

Trong những năm kháng chiến, ưu tư nặng trĩu trong lòng người cán bộ An ninh Mười Quỳ nhiều nhất, là đứa con trai Huỳnh Hồng Quân đang sống trong vùng tạm chiếm, đang lớn từng ngày, sợ bị địch bắt đi quân dịch bất cứ lúc nào. 

Đã có hai lần, từ Phnôm Pênh và từ xã An Tịnh (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) ông biên thư nhờ người liên lạc đón con trai ra căn cứ để gửi ra miền Bắc học tập với hai chị. Nhưng cả hai lần đều không thành, do Hồng Quân đang theo học trường Luật tại Long Xuyên. Lần khác, ông nhờ cô Thuở vào thành rước con cũng không được, cô chỉ cầm về mấy tấm hình con trai. 

Lần cuối cùng, người ông nhờ là vợ của đồng chí Tư Nam (Anh hùng Đặng Công Hậu) một cán bộ cấp dưới của ông vào tận gia đình gặp mặt và bố trí cho người cháu tên Ba Lăng bí mật đưa Hồng Quân đi du lịch Đà Lạt. Khi đến điểm quy định trên đường QL20 tại Định Quán, Ba Lăng giả đò hư xe, dỡ mui lên lui cui sửa chữa. Bỗng một nhóm người lạ mặt bất ngờ xuất hiện, bắt cóc Quân lôi vào rừng. Ba Lăng mỉm cười cho xe nổ máy chạy đi. Hai cha con Mười Quỳ gặp nhau giữa rừng mừng vui không tả. Không lâu sau, Quân được bố trí ra miền Bắc học tập cùng với các con em miền Nam. 

Vừa xa con trai một tháng, ông bất ngờ nhận được tin của Bộ Nội vụ từ Hà Nội gửi vào báo tin: Cô con gái lớn Hồng Loan, đã bảo vệ xong luận án Phó Tiến sĩ từ Liên Xô về nghề chế biến thủy sản, đã mắc bệnh nan y phải đưa về nước có ước nguyện muốn gặp cha một lần cuối cùng… Thường vụ Trung ương Cục và Khu ủy miền Đông đồng ý cho ông ra Bắc thăm con, sau hơn 20 năm cách biệt kể từ khi tập kết.

Ông vượt Trường Sơn ra đất Bắc. Ra đến thị xã Đồng Hới, lòng ông càng như lửa đốt. Lúc này, chợt nhớ đến con gái Hồng Anh từng viết thư báo tin đang công tác tại Trạm Điều dưỡng của Ty Y tế tỉnh Quảng Bình nên ông vội vã hỏi thăm. Hai cha con gặp nhau tưởng như trong mơ, Hồng Anh ôm chầm lấy ba mừng tủi và khóc thật nhiều. 

Chồng của Hồng Anh đang học ngoại ngữ tại Hà Nội, cháu ngoại Hồng Tâm mới lên 2 tuổi. Cho đến lúc này, Hồng Anh mới biết ba còn sống và chị gái mắc bệnh nan y từ Liên Xô đưa về Hà Nội. Sau ngày lên tàu tập kết tại bến Sông Đốc (Cà Mau) ra Bắc, hai chị em được gửi sang Quế Lâm-Trung Quốc để học. Sau đó về nước, kỹ sư thủy sản Hồng Loan được cử sang Liên Xô học tiếp chuyên môn và làm luận án Phó Tiến sĩ, còn Hồng Anh theo học ngành Y, sau đó vào Quảng Bình công tác.

Hai cha con tức tốc lên đường, tranh thủ từng giây, từng phút để sớm ra Hà Nội… Khoảng 11h đêm, tìm đến nhà của Hồng Loan trong khu tập thể ở phố Khâm Thiên – Hà Nội. Ông đậu xe ngoài hẻm, còn Hồng Anh vào tìm nhà. Cô đã ngất lịm, khóc gào thảm thiết bên bàn thờ của chị ruột đang còn nghi ngút hương khói với di ảnh mới tinh. 

Anh Ba Nghiêm, nguyên Cục phó Cục ANKT (A17) Bộ Công an nhòa nước mắt thưa với cha vợ lần đầu gặp mặt: “Thưa ba, vợ con đã chôn cất 5 ngày rồi tại nghĩa trang Văn Điển...”. Lúc này cháu Hồng Điệp mới lên 5 tuổi, xa mẹ từ lúc 2 tuổi đến khi mẹ Hồng Loan từ Liên Xô về, cháu suốt ngày hồn nhiên líu ríu vui như chim sáo. 

Anh Ba Nghiêm kể lại: Khi hạ huyệt, cháu hỏi: “Sao ba để mẹ nằm dưới đất bùn bẩn quá vậy ba?”. Một câu hỏi ngây thơ và hồn nhiên của trẻ con đã làm xé lòng những người lớn đau buồn chứng kiến cảnh chia ly, tang tóc. Cháu nào biết mẹ cháu vĩnh viễn nằm dưới lòng đất không bao giờ về nữa… 

Trong đời của ông, còn một lần gặp con trai Huỳnh Hồng Kỳ hy sinh năm 1964 tại Cần Đước – Long An, không phải gặp con trai bằng xương bằng thịt, mà chỉ là hài cốt khi đưa anh về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Long An yên nghỉ!

Trần Hiếu
.
.
.