“Tín dụng đen” mối nguy đang tồn tại?

Thứ Hai, 23/07/2018, 07:58
Người nghèo làm nghề tự do rất khó có thể tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Bởi lẽ, dù có vay tín chấp thì người vay cũng phải chứng minh thu nhập qua các hồ sơ, chứng từ phù hợp. 


Bài cuối: Nhiều mô hình hay ngăn chặn cho vay nặng lãi

Người nghèo làm nghề tự do rất khó có thể tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Bởi lẽ, dù có vay tín chấp thì người vay cũng phải chứng minh thu nhập qua các hồ sơ, chứng từ phù hợp. Trong khi đó họ buôn bán tự do, làm thuê ăn lương công nhật… nên không thể đáp ứng yêu cầu. Do đó, một số tổ chức tín dụng dành cho người nghèo đã thật sự là cứu cánh cho không ít người thoát được vay nặng lãi.  Tuy nhiên, nguồn vốn ấy vẫn chưa thể đủ cho nhu cầu xã hội…

Hiệu quả từ Quỹ tín dụng nhân dân

Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) là mô hình tín dụng dành cho người nghèo rất thành công ở Đức, Canada và Hàn Quốc. Ở Việt Nam, Qũy TDND xuất hiện cách đây hơn 20 năm, hiện toàn quốc có gần 1.200 Qũy TDND hoạt động ở 57 tỉnh, thành với tổng tài sản hơn 100.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 10-2017, quỹ đã cung cấp tín dụng cho khoảng 8-9 triệu người với số tiền vay khoảng 76.000 tỷ đồng. 

Khác với ngân hàng, các Qũy TDND chỉ được hoạt động theo địa bàn, huy động từ các thành viên trong địa phương và cũng chỉ được cho vay chính các thành viên đó. Mô hình này được đánh giá là một trong những cách tốt nhất để hạn chế “tín dụng đen”, nhất là ở các vùng nông thôn.

Điểm nổi bật của Qũy TDND là người vay không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập nhưng phải là thành viên của quỹ. Để đăng ký thành viên, người vay phải thường trú trên địa bàn mà quỹ được phép hoạt động, góp lần đầu 300 ngàn đồng, sau đó mỗi năm góp 100 ngàn đồng để duy trì thành viên. 

Qũy TDND Long Phú, quận 9.

Do thành viên HĐQT đều là người ở địa phương, hiểu rõ hoàn cảnh của các thành viên nên việc xét duyệt cho vay khá dễ dàng, nhanh chóng. Thủ tục vay tín chấp từ 1-2 ngày, vay thế chấp khoảng 3 ngày là được giải ngân. Do vậy mà quỹ này rất phù hợp với người nghèo cần vốn kinh doanh buôn bán nhỏ, cần tiền gấp để chữa bệnh, đóng học phí cho con…

Thực tế, ở địa phương nào có Qũy TDND thì ở đó tình trạng cho vay giảm hẳn, nhiều tiểu thương ở các chợ nhờ Qũy TDND mà thoát được “tín dụng đen”.

Ông Lê Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Qũy TDND Long Phú (đặt trên địa bàn phường Phước Long A, quận 9) cho biết: Qũy TDND Long Phú được thành lập từ năm 2012, vốn điều lệ 5,2 tỷ đồng, vốn huy động 32 tỷ đồng và đã cho vay gần 33 tỷ đồng. Người vay chủ yếu lấy vốn để kinh doanh mua bán, mua phương tiện mưu sinh (xe gắn máy, xe nước mía, xe bánh mì…) và các trường hợp cần tiền gấp khác.

Lãi vay cũng tương đương với ngân hàng thương mại, lãi huy động từ bằng đến cao hơn 0,5%/năm so với ngân hàng. Người vay tín chấp cao nhất ở Long Phú là 100 triệu đồng, vay thế chấp 600 triệu đồng. “Thành viên nào đó cần vay 20 triệu đồng để mua xe gắn máy chạy xe ôm, chúng tôi xem xét gia cảnh của họ, nếu thực tế đúng người đó có chí thú làm ăn để cải thiện kinh tế gia đình là xét duyệt cho vay.

Nếu vay thời hạn 2 năm chẳng hạn thì thành viên đó chỉ cần dành dụm mỗi tháng 1 triệu đồng là dư sức trả nợ nên ít ai mất khả năng chi trả. Do vậy mà nợ xấu ở Long Phú chỉ khoảng 0,7%, đa phần rơi vào trường hợp vay từ 5 triệu đồng trở xuống. Mà đối tượng này phần lớn vay khẩn cấp để giải quyết công việc khó khăn đột xuất. Họ cho biết sẽ cố gắng tối đa để trả nợ cho quỹ”-ông Lê Xuân Anh bộc bạch.

Qũy TDND hiệu quả là vậy, song, với địa bàn hoạt động trải dài trên 4 phường mà Qũy TDND Long Phú chỉ có 760 thành viên được xem là quá khiêm tốn so với nhu cầu mà lý do được xác định là do công tác tuyên truyền, quảng cáo còn hạn chế. Nhiều người mua bán nhỏ ở lề đường khi tôi hỏi về Qũy TDND họ đều lắc đầu bảo không biết gì về mô hình này. 

Mặt khác, ở TP Hồ Chí Minh hiện có 19 Qũy TDND hoạt động chỉ ở 12 quận, huyện vùng ven, ngoại thành nên vẫn còn khá nhiều người nghèo chưa tiếp cận với nguồn vốn này. Ở các tỉnh, thành khác cũng vậy, Qũy TDND cũng chưa được trải đều trên khắp các địa bàn. 

Đặc biệt hơn, do Qũy TDND chỉ cho vay với thành viên có đăng ký thường trú trên địa bàn hoạt động nên đối tượng chính là người tạm trú lại không được vay, đó là một thiệt thòi, một bất cập cần được tháo gỡ.

CEP mô hình hay nhưng cũng chưa đủ mạnh

Đầu thập niên 90 thế kỷ 20, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiều cuộc khảo sát, học tập những mô hình tạo việc làm và cải thiện an sinh cho người nghèo hiệu quả của một số quốc gia trên thế giới. Trong đó, mô hình Ngân hàng Grameen của Bangladesh – được xem là mô hình phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam thời điểm đó. 

Tháng 7-1991, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh mạnh dạn thực hiện thí điểm một số chương trình tín dụng, tiết kiệm theo mô hình trên tại quận 1, Gò Vấp, huyện Củ Chi và Cần Giờ. Khi đạt được kết quả khả quan, tháng 11-1991, UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định cho phép Liên đoàn Lao động TP chính thức thành lập “Quỹ trợ vốn cho Người Lao Động nghèo tự tạo việc làm”, gọi tắt là quỹ CEP. Mục đích của quỹ là xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân lao động, hỗ trợ những khoản vay nhỏ giúp họ tạo việc làm, tăng thu nhập, phấn đấu làm ăn vươn lên, cải thiện tình trạng nghèo đói.

Giữa năm 2001, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia đã ký kết thỏa thuận “Mở rộng hoạt động tài chính vi mô của quỹ CEP”. Tháng 10-2017, Quỹ CEP chính thức chuyển đổi thành “Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm” với tên gọi tắt là “Tổ chức tài chính vi mô CEP”. 

Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc Tổ chức tài chính vi mô CEP cho biết, nguồn quỹ cho vay của CEP hiện nay khoảng 3.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 30%, còn lại huy động từ các tổ chức trong và ngoài nước. 

Đã có 320.000 thành viên vay vốn với hơn 3.200 tỷ đồng, trong đó 65% là đoàn viên công đoàn, công nhân và hộ gia đình công nhân; 35% còn lại là người lao động bình thường có hoàn cảnh khó khăn. Việc vay qũy CEP khá đơn giản, nếu là công nhân thì chỉ cần được Công đoàn cơ sở giới thiệu là được xét duyệt cho vay. 

Còn người lao động tự do bên ngoài thì CEP sẽ phối hợp cùng Ban điều hành khu phố, ấp tuyên truyền, lập danh sách người cần vay và được xét duyệt theo từng đợt. Lãi suất vay khoảng 0,6-0,65%/tháng, người vay có thể trả góp theo tuần, theo tháng tùy lựa chọn. 

Quỹ CEP mở rộng hơn so với Qũy TDND là cho vay luôn cả với người có KT3 chứ không nhất thiết phải có hộ khẩu thường trú. Đặc biệt hơn, Quỹ CEP còn giúp cho người vay được tiếp tục vay khẩn cấp khi việc làm ăn buôn bán, chăn nuôi, trồng trọt…bị thất bại khi vay vốn lần đầu. Đồng thời CEP còn phối hợp cùng chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, chuyên môn để giúp họ thành công cho lần vay sau. 

Ở huyện Củ Chi có khá nhiều người vay vốn ban đầu để nuôi một con bò nay phát triển lên hàng chục con. Khi cần vay vốn từ Tổ chức tài chính vi mô CEP, người nghèo có thể gọi theo số điện thoại 028.38220959-028.38239100 để được tư vấn, giới thiệu vay vốn.

Cũng giống như Qũy TDND, dù rất cố gắng nhưng Tổ chức tài chính vi mô CEP cũng chỉ mở rộng mạng lưới lên 34 chi nhánh với 17 chi nhánh tại các quận, huyện thuộc TP Hồ Chí Minh và 17 chi nhánh tại các tỉnh Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long. 

Lý do là nguồn huy động vốn gặp khó khăn, rất cần được sự quan tâm của Chính phủ bằng nguồn vốn vay ưu đãi. Ngoài hai nguồn quỹ trên, người lao động nghèo còn có thể vay vốn từ các “ngân hàng người nghèo” khác, tuy nhiên các nguồn vốn ấy cũng chưa đủ mạnh để có thể trải khắp trên đất nước Việt Nam. Do đó, hoạt động cho vay nặng lãi vẫn còn đất sống và giăng bẫy khắp nơi nên mọi người cần phải cảnh giác để tự cứu mình.

Nhóm PV
.
.
.