Thiềng Liềng - ấp đảo xa với những điều kì diệu

Thứ Bảy, 04/02/2017, 10:05
Gần mà như xa xôi lắm, đó là cảm nhận của bất cứ ai khi đến với Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, cũng là “ấp đảo” duy nhất của TP Hồ Chí Minh.


Để tới đó, người đi từ trung tâm TP Hồ Chí Minh phải mất 5-6 tiếng với đủ các loại phương tiện ôtô, phà, đò biển dù chỉ có 70km tính theo đường chim bay. Với gần 2 giờ đò “biển”, nếu may mắn trời yên sóng lặng thì xuống bến cũng “bồng bềnh” chân thấp, chân cao. Gặp ngày sóng lớn thì cầm chắc là … “mật xanh mật vàng”. 

Bởi vậy dù rất gần mà Thiềng Liềng lại như xa xôi lắm! Nhưng ở nơi xa ấy có những điều kỳ diệu mà không phải nơi nào cũng có. PV Báo CAND đã đến và có những cảm nhận để chia sẻ cùng bạn đọc.

Bài 1: Gian nan chuyện “trồng người” nơi ấp đảo

Hình ảnh thường thấy trên những chuyến đò đi – về giữa mênh mông biển nước ở Thiềng Liềng - Thạnh An là những cô, cậu học sinh (HS) ngủ say mê mệt trên đò hoặc tranh thủ ăn bữa tạm trước khi vào trường. 

Cho đến nay, ấp đảo Thiềng Liềng – xã Thạnh An mới có Phân hiệu Trường Tiểu học - Mầm non Thiềng Liềng - cơ sở giáo dục bậc “cao nhất” ở nơi này, muốn học lên THCS và THPT, HS ấp phải gần hai giờ đồng hồ lắc lư đi – về trên đò “biển”. 

Ngày mưa cũng như ngày nắng, biển lặng cũng như ngày gió chướng, cứ  5h30, HS của ấp tập trung ở bến đò để kịp giờ đến trường. Nếu ở vùng sâu hơn, các em còn phải dậy từ hơn 4h30, chạy xe đạp ra bến để kịp chuyến.

Sau dịp có Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng ra thăm Thạnh An vào tháng 4-2016, Phân hiệu của THPT Cần Thạnh đặt tại THCS Thạnh An được triển khai với lớp 10A8 có 28 học sinh. Lớp 10A8 mở ra, rút ngắn khoảng cách tới trường cho các em, không còn phải vượt sóng ra Cần Thạnh học nữa. Nhưng gánh nặng đó giờ đây lại chuyển qua vai các thầy, cô. THPT Cần Thạnh lại phải cử 12 giáo viên vượt biển tới với trò lớp 10 trên đảo Thạnh An.

Tranh thủ học bài, thậm chí ngủ nữa là những hình ảnh thường thấy của học sinh trên những chuyến đò đi-về giữa Thạnh An và ấp đảo Thiềng Liềng.

Thiềng Liềng trong dịp xuân 2017 còn rất vui vì có 4/5 em thi đậu đại học. Trong thành tích là nhờ công rất lớn từ những thầy cô giáo, đặc biệt là những thầy cô với nhiều năm bám đảo. Có những người có tới trên 20 năm bám đảo như thầy Lê Văn Phụng, Phân hiệu trưởng Tiểu học - Mầm non Thiềng Liềng.

Từ lâu, thầy Phụng đã coi Thiềng Liềng như quê hương thứ 2 của mình. Người thầy này rất thấu hiểu nỗi niềm của từng phụ huynh nơi đây, chia sẻ: 1kg muối chỉ bán được 500 đồng. Cha mẹ của các em nơi này lao động cực nhọc cũng để giữ được cái chữ cho con. Về phía chính quyền, thì ưu tiên hàng đầu vẫn là mục tiêu không để trẻ "đứt đoạn" đường học, cũng là một trong những tiêu chí phấn đấu, xây dựng nông thôn mới ở đây.

Thầy cô giáo nơi đây thực sự như người cha, người mẹ thứ 2 của lũ trẻ. Bởi, 80% hộ dân Thiềng Liềng là làm muối. Phụ huynh ở ruộng muối cả tuần mới về. Phân hiệu Tiểu học Thiềng Liềng có 54 em. Năm học nhiều nhất cũng chỉ có 70 em. Toàn ấp có khoảng hơn 100 em - tính cả bậc THCS và THPT. 

Gia đình làm muối nhiều khi không đủ điều kiện cho con ăn học. Nhất là với những hộ dân ở tận Kênh 50 hay khu vực Cán Gáo. Cuối tuần có em phải theo cha mẹ về phụ làm muối. Đi lại cách trở, cuối tuần cha mẹ chưa kịp cho con ra đò về lại Thiềng Liềng để đi học, nên nhiều em nản mà bỏ luôn. Lên cấp III, nhiều gia đình đành phải gửi con tại huyện Cần Thạnh để học THPT. Nhưng quá gian nan nên HS theo học THPT tại đây cũng cứ rơi rớt dần.

Sau dịp Bí thư Đinh La Thăng ra thăm Thạnh An vào tháng 4-2016, Phân hiệu của THPT Cần Thạnh đặt tại THCS Thạnh An ra đời với 28 HS thi đậu vào lớp 10 THPT học tại lớp 10A8. Lớp 10A8 được mở ra, rút bớt cho các em đỡ phải vất vả của một chuyến đò, không còn phải vượt sóng ra Cần Thạnh học nữa. Song gánh nặng đi lại đó giờ đây lại chuyển qua vai các thầy, cô. THPT Cần Thạnh lại phải cử 12 giáo viên vượt biển tới với học trò lớp 10 trên đảo Thạnh An.

Bỏ phố ra đảo khi mới ngoài 20 tuổi, nay mái tóc thầy Phụng đã muối tiêu. Khi ấy, phòng làm việc là vài căn nhà lá. Đơn sơ tới mức không thể hơn! Điện không, nước sạch không. Mùa mưa, ngập, lụt. Đêm về, thầy soạn giáo án trong ánh đèn dầu leo lét. Muốn mua đồ ăn thì phải "canh" chuyến đò Cần Thạnh đi ngang qua đảo Thiềng Liềng. Có khi 1h sáng đò mới ghé qua. Vì thùng gạo đã hết, dầu hoả, xà bông, thậm chí bông băng, gạc cá nhân cần dùng cho mình đều cần phải mua. 

Tuần đầu tiên ra ấp đảo, thầy còn bị sốt. Nằm sốt run lập cập trong căn nhà tôn. Thầy được một đồng nghiệp dìu ra đò đưa cấp cứu tại bệnh viện huyện Cần Thạnh. Nằm viện 1 tuần, thầy trở lại trường, nhìn dãy nhà lá mà lòng uể oải. Thế nhưng vừa bước vào trường, HS, phụ huynh đã pha sẵn ấm trà nóng trân trọng đợi thầy. Từng cái nắm tay thăm hỏi, từng ánh mắt chờ đợi của lũ trẻ khiến mọi ý định bỏ về tự nhiên tiêu tan. Nhưng sau một thời gian, đồng nghiệp nam duy nhất ấy cũng ngậm ngùi chia tay thầy Phụng về lại thành phố.

Ngay trước thềm năm mới 2017, ấp Thiềng Liềng vừa lắp đặt 42 bóng đèn dọc các con đường trong ấp để lấy ánh sáng cho trò sáng sớm chạy xe đạp ra bến đò an toàn. Từ đây HS Thiềng Liềng an tâm chạy xe đạp từ sáng sớm mà không cần phải dùng đèn pin soi đường như xưa nữa.

Thầy Phụng kể, nhiều năm dài trước đây, giáo viên khi ra đảo là phải quen với việc lội ruộng hàng chục kilômét đường rừng. Có khi ban đêm đi, đất, sình dính từ đầu tới chân, nhưng sĩ số lớp vắng thì lòng thầy buồn lắm, nên mưa gió bão bùng cũng phải đi, tìm tới nhà trò đưa các em lên lớp cho đủ. "Nay thì bậc Tiểu học cả ấp không rớt mất đứa nào!". Thầy Phụng vui mừng nói!

Thầy Phụng chia sẻ: “Ấp đảo ai cũng khó khăn, nghèo cả. Thế nhưng nếu cái bếp của tôi hết dầu hỏa, phụ huynh mang cho ít củi nấu. Hết đồ ăn, phụ huynh chia sớt lại. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì được đùm bọc, yêu thương. Ấm trà nóng ngày ấy đã níu chân tôi ở lại, chẳng rời xa đảo được”.

Được biết, trong năm học 2015-2016, tỷ lệ chung của HS xã Thạnh An lên lớp đạt 97,27%; giáo dục mầm non đạt 54/54 (100%); học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học 64/64 (100%), tốt nghiệp THCS là 53/53 em; 28/51 em trúng tuyển lớp 10 và 21/25 em tốt nghiệp THPT (84%). Những con số thật khô khan! Nhưng, ít ai biết rằng, để có được con số đó, thầy trò ở đây đã cố gắng vượt bậc. 

Xã đảo Thạnh An nằm ở đúng vị trí địa lý đặc biệt-vịnh Gành Rái, nơi đây thường có sóng to gió lớn và thời tiết biến động bất thường. Không ít lần trên tuyến tàu cao tốc TP Hồ Chí Minh –Vũng Tàu đã gặp tai nạn khi qua đây, Cảng vụ đã phải ra lệnh cấm đối với các tàu cánh ngầm đi lại khi mưa to gió lớn. 

Tàu hiện đại mà còn như vậy, huống hồ là trên những con đò nhỏ mong manh! Thế nên, với các em, đi học được ở nơi này đã là giỏi, là… anh hùng rồi! Trong đó, mỗi nét tiến bộ dù là nhỏ nhất của HS nơi này đều chứa đựng sự hy sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo. Mọi sự thiệt thòi được gạt qua một bên, họ như những con tằm rút ruột nhả tơ, đã và đang dốc lòng dốc sức vì HS thân yêu, vì sự nghiệp “trồng người” cho đất đảo.

Tranh thủ học bài, thậm chí ngủ nữa là những hình ảnh thường thấy của học sinh trên những chuyến đò đi-về giữa Thạnh An và ấp đảo Thiềng Liềng.
Huyền Nga
.
.
.