Tháng 7 - thức cùng Vị Xuyên

Thứ Bảy, 27/07/2019, 08:27
Khi tôi viết những dòng này vào tối 24-7, tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), hàng ngàn ngọn nến đã đỏ lửa, lung linh huyền diệu khắp nghĩa trang. Bầu trời đen thẫm với rừng già và núi đá im lìm.

Nhưng ở nơi này, nơi mà "các anh không về được, đồng đội không muốn rời nhau", đêm Nghệ thuật "Lũy đá bất tử" (do Cục Truyền thông CAND phối hợp với Công an tỉnh Hà Giang và một số đơn vị tổ chức) đã đánh thức rừng già, đánh thức núi đá trở dậy cùng anh linh hàng ngàn liệt sĩ tụ về đây. Trong chúng tôi tràn ngập nỗi nhớ thương các anh da diết, khôn nguôi.

Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên.

Chúng tôi, những cán bộ chiến sỹ Cục Truyền thông CAND đã thắp nến, dâng hương lên anh linh các liệt sĩ mà lòng cứ chực trào nước mắt, như cơn mưa rừng Hà Giang, cứ ào đến rồi lại ào đi, để lại những giọt nước trong lành lách tách rơi trên lá rừng. 

Tôi cứ nhìn mãi vào những ngọn nến lúc mờ, lúc tỏ như lay thức ký ức. Mùi hương trầm với khói hương bảng lảng, với những "đốm nhang đỏ mắt" đi tìm đồng đội, như nhịp cầu kì ảo thu lại khoảng cách âm dương cách biệt.

Không phải bỗng dưng mà tháng 7 luôn là tháng con người hoài niệm nhiều nhất, nhớ thương nhiều nhất và cũng nhiều đau đớn nhất.

Tháng 7 năm nay đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ ưu tư.

Đã có hàng ngàn người con từ mọi miền Tổ quốc đặt chân tới Vị Xuyên, mảnh đất một thời đã diễn ra cuộc chiến đấu rất ác liệt chống quân xâm lược, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc. 

Tôi nghĩ, các anh, như chúng tôi hôm nay, đã về đây để được đắm chìm trong những câu chuyện về nghĩa tình đồng đội ở thung lũng "Gọi hồn". Bởi ở thung lũng này, biết bao đồng đội đã gửi xương thịt mình vào khe đá, để linh hồn theo mây gió bạt ngàn. 

Giờ cứ vào tháng 7, nhiều đồng đội tìm về đây và gọi vang vọng: "Các anh ơi về đi, về với chúng tôi đi". Và sau tiếng gọi vang vọng núi rừng đó, lá rừng bỗng xào xạc hơn, gió rừng như thổi mạnh hơn, như một sự hiển linh. Và thực sự chúng tôi tin rằng các anh đã trở về, tụ họp ở Nhà tưởng niệm trên đỉnh 468 oanh liệt một thời.

Cán bộ chiến sĩ Cục Truyền thông CAND dâng hương tại Nghĩa trang Vị Xuyên.

Trong các điểm cao tại Vị Xuyên, điểm cao 468 là một trong những trận địa ác liệt nhất của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Tim tôi như thắt lại khi biết, tại chiến trường Vị Xuyên, hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, hơn 9.000 người bị thương.

Khi dâng hương tại đài hương của Nhà tưởng niệm 468, chúng tôi đã gặp rất nhiều cựu chiến binh chiến trường Vị Xuyên. Họ về đây, mặc quân phục nghiêm cẩn, trên ngực lấp lánh huân, huy chương nhưng đôi mắt thì nhòa lệ. Họ đứng sát cạnh nhau, vững chãi như khi vào trận tuyến, nhưng đôi chân bỗng run lên khi nhìn vào hàng ngũ, nhiều vị trí đã khuyết. 

Tôi thấy họ nắm chặt tay nhau như tìm lại hơi ấm của những đồng đội đã không trở về. Có cựu binh chỉ cho tôi những đỉnh cao của núi rừng Vị Xuyên và bảo rằng, cây rừng, khe đá như lá chắn, đã che chở cho các anh, nhưng chiến trường khốc liệt quá nên hiện tại vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác trong khe đá, thung sâu, vẫn chưa được tìm thấy và chưa được quy tập; hàng ngàn héc ta đồi núi vẫn còn vật liệu nổ của trận địa hai bên chiến tuyến… 

Có cựu binh kể, lúc đó còn nghĩ gì đến tính mạng mình. Cứ xông lên thôi. Tổ quốc là trên hết. Có những trung đoàn, khi vào trận hào hùng khí thế “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” là thế, nhưng khi trở về, trung đoàn chỉ còn lác đác vài người, người còn sống phải giữ chặt tim mình để không bi lụy, để đủ sức làm nốt nhiệm vụ bạn mình để lại. 

Lại có chiến sĩ nhìn thấy đồng đội ngã xuống chỉ cách đó vài mét mà không thể chạy lại trước làn xả pháo xối xả của kẻ địch, họ chỉ kịp chém vào vách đá để nhớ nơi này mà quay trở lại tìm đồng đội. Các anh ở nơi đâu giữa núi rừng khốc liệt này? 

Giờ núi rừng Vị Xuyên đã phủ bóng cây xanh ngút ngàn, nhưng nơi này gần 40 năm trước, đạn pháo của quân xâm lược đã cày nát, đồi núi chỉ trơ đất đá, nhiều chỗ đất đồi nhuốm đỏ máu của các chiến sĩ dũng cảm. Sau này, để tưởng nhớ các đồng đội đã khuất, các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên đã phối hợp với các nhà hảo tâm, cấp ủy chính quyền địa phương xây Đài hương 468.

Chúng tôi cứ miên man đi giữa các hàng bia mộ, tay thắp hương, dâng hoa, tay lau vội nước mắt. Các anh khi ra trận đều có tên, có danh phận nhưng giờ các anh đều trở thành liệt sĩ vô danh. Tại Nghĩa trang Vị Xuyên, còn có cả ngôi mộ tập thể, như một minh chứng rõ nét nhất cho sự khắc nghiệt, mất mát đau thương nhưng bi tráng của chiến trường. 

Tôi nhớ có vị tướng quân đội còn chia sẻ rằng, suốt đời ông luôn day dứt vì chưa tìm được đồng đội, chưa trả lại tên cho các chiến sĩ đã hy sinh tại Vị Xuyên. Dù trên bia mộ chưa xác định được tên các anh nhưng trong tôi, các anh đã có tên gọi là Bất Khuất, là Anh Dũng, là Quả Cảm, là Hào Hùng, là Kiên Cường, là Chiến Thắng. Bởi các anh đã “sống bám đá, chết hóa đá, một tấc không lùi”.

Tháng 7 về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tuy lòng ưu tư, xúc động nhưng nghĩ về sự quả cảm của các anh, lại thanh thản hơn rất nhiều, thấy cuộc đời này có gì phải dằn vặt, làm khổ nhau. Và thấy cần phải rộng lượng với nhau hơn, cần tha thứ nhiều hơn. Cuộc đời vốn ngắn ngủi, hãy sống sao cho đáng sống, để lòng thanh nhẹ như gió, như mây nơi dải đất biên cương này.

Thu Phương
.
.
.