Tết của người Hà Nhì ở Y Tý
- "Nhạc sỹ" của người Hà Nhì giữa ngã ba biên giới
- Chuyện đón Tết của người chuyển giới
- Văn hóa quà Tết của người Việt
Ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, phóng tầm mắt ra bốn phía, cảm nhận không gian bao la của trời và đất, mới thấy hết được sự bình yên của dải đất biên cương. Ôm lấy chân núi là những nóc nhà trình tường của người Hà Nhì. Một năm người Hà Nhì ở Y Tý đón 4 cái Tết, nhưng Tết Nguyên đán là lớn nhất trong năm.
Y Tý quanh năm mây mù bao phủ, nhiệt độ một ngày có bốn mùa, nên con gái Hà Nhì có nước da trắng hồng, đẹp đến nao lòng. Trời về trưa có chút hửng nắng, biển mây ở Y Tý đẹp đến mê người. Đứng ở đây, ta có thể cảm nhận như mình đang đi trong mây. Cảnh sắc say đắm lòng người, hòa với cái Tết rộn ràng của người Hà Nhì làm cho bức tranh vùng cao thêm rực rỡ.
Người Hà Nhì đen chiếm hơn một nửa dân số ở Y Tý. Đại úy Ly Thó Xe, người dân tộc Hà Nhì, cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý giải thích: “Gọi là Hà Nhì đen không phải bởi nước da đen mà là do trang phục. Phần lớn trang phục của phụ nữ Hà Nhì đen là màu chàm, còn đàn ông là màu đen”.
Sinh ra ở bản Ngải Chồ, xã Y Tý, từ nhỏ đã đi thiếu sinh quân, sau về công tác ở Đồn Biên phòng Y Tý, mỗi khi Tết về, Đại úy Ly Thó Xe lại run run nhớ cảm giác đầm ấm khi được cùng gia đình quây quần đón năm mới.
Cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý vui Tết cùng bà con Hà Nhì. |
“Người Hà Nhì đen chúng tôi ăn Tết Nguyên đán trùng với lịch Tết của người Kinh. Tết kéo dài trong 3 ngày và 3 ngày này đều cấm làm việc” – anh Xe kể.
Theo chân các cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý, chúng tôi tới thôn Lao Chải 1 để tìm hiểu về phong tục đón Tết của người Hà Nhì. Trong ánh nắng hiếm hoi ở đỉnh núi mù mây, màu nâu đất của những ngôi nhà trình tường hàng trăm tuổi ánh lên sắc vàng đẹp mắt.
Nhà trình tường làm bằng đất, ấm về mùa đông, mát về mùa hè nên bao đời nay người Hà Nhì không bỏ được tập quán xây dựng này. Bên bậu cửa, những người phụ nữ Hà Nhì đang chuẩn bị gạo để làm bánh dày, bánh trôi đón Tết. Cánh đàn ông thì hò nhau bắt lợn. Người Hà Nhì đặc biệt chỉ giết lợn ăn Tết chứ không ăn thịt gà.
Với giọng kinh lơ lớ, ông Ly Seo Chơ, một lão thành cách mạng năm nay đã ngoài 70 tuổi cho biết: “Từ 24 đến 25 Tết, người dân bắt đầu mổ lợn. Lợn chia ra làm nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là là món thịt ướp treo gác bếp. Ngoài thịt lợn, đặc sản để đón Tết của người Hà Nhì là bánh giày đen, bánh giày trắng và bia Hà Nhì”.
Tìm hiểu từ những người phụ nữ Hà Nhì đang xắn tay giã bánh giày, chúng tôi được biết: để bánh giày có độ dẻo và thơm, họ phải chọn loại gạo nếp nương ngon nhất. Nước để làm bánh giày và bánh trôi được lấy từ chiếc giếng của làng. Theo tục lệ của người Hà Nhì thì giếng nước này chỉ mở cửa vào sáng mùng 1 Tết.
Mỗi nhà đem một chiếc vầu ra giếng múc nước, trước khi múc thì phải thắp hương. Người Hà Nhì quan niệm lấy nước giếng làng vào sáng mùng 1 sẽ mang đến vận may sung túc cho gia đình cả một năm nên nó đã trở thành tín ngưỡng tồn tại cả trăm năm nay. Phụ nữ Hà Nhì thể hiện sự khéo léo bằng cách gói bánh giày ngon, nấu bánh trôi từ nước giếng thiêng để dâng lên cúng tổ tiên.
Trong 3 ngày cấm làm việc, người Hà Nhì ngoài sang nhà họ hàng chúc Tết, giao lưu với bạn bè thì đổ ra công viên chơi. Gọi là công viên nhưng thực ra nó chỉ là một khoảng đất bằng phẳng. Mỗi thôn có một công viên riêng, người ta cắm cây quay, cây đu để cho trẻ em vui chơi.
Đến mùng 2 Tết thì tổ chức các lễ hội với trò chơi đá bóng, bóng chuyền, cầu mây. Các đôi trai gái qua giao tiếp, nếu thấy hợp nhau thì chàng trai sẽ ngỏ lời. Được người con gái đồng ý, họ rủ nhau đến bờ suối tâm sự. Đã có rất nhiều cặp đôi nên duyên từ lễ hội trong ngày Tết này.
Gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc ở Y Tý, đặc biệt là người Hà Nhì, Trung tá Đinh Văn Lào, Chính trị viên Đồn Biên phòng Y Tý kể rằng, mỗi một cái Tết, các tổ, đội của Đồn Biên phòng đều có mặt ở từng bản, không chỉ ăn Tết với bà con mà qua đó còn phối hợp giữ gìn an ninh vùng biên giới. Chính vì “ba cùng” với dân mà phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc ở đây, đồng chí Lào đều hiểu một cách sâu sắc.
Nét duyên dáng của thiếu nữ Hà Nhì. |
Đồn Biên phòng Y Tý không chỉ đưa bà con ở những đỉnh núi cao theo tập quán “du canh du cư” xuống thấp, giúp đồng bào trồng lúa bậc thang, mà còn cùng các cô giáo đưa chữ lên non, cho con em người Hà Nhì, người Dao và người Mông biết cái chữ.
Trung tá Đinh Văn Lào kể: “Phụ nữ Hà Nhì rất chịu thương chịu khó, đời sống của người dân giờ đã phát triển hơn trước rất nhiều”. Quả đúng như lời đồng chí Lào nói, phụ nữ ở Hà Nhì cả ngày chỉ biết đến nương rẫy, những ngày Tết ở nhà làm cơm cúng ngày hai bữa. Mùng 4 Tết họ đã bắt đầu lên nương khai xuân.
“Chỉ là đắp bờ ruộng, phát nương nhưng việc làm này cho cả năm được no đủ, mùa màng bội thu” – Đại úy Ly Thó Xe vui vẻ cho biết.
Trên đường vào bản, chúng tôi bắt gặp từng tốp thiếu nữ Hà Nhì má hây hây đỏ, đeo những đồng bạc nhỏ lấp lánh vô cùng tinh xảo và đẹp mắt. Theo lời kể của Trung tá Đinh Văn Lào thì trang phục của người Hà Nhì không sặc sỡ như người Mông nên ngày Tết họ phải điểm thêm những họa tiết làm bằng bạc để trang trí lên áo, khăn vấn đầu cho thiếu nữ.
Ngoài Tết Nguyên đán, người Hà Nhì còn có thêm 3 cái Tết nữa, đó là Tết thiếu nhi, Tết tháng sáu hay còn gọi là lễ hội Khô già già và Tết tháng 11. Tết Khô già già còn gọi là “lễ hội cầu mùa” lâu đời và lớn nhất của dân tộc Hà Nhì.
Kể về lễ hội Khô già già ở quê mình, Đại úy Ly Thó Xe cho biết, đây là nét văn hóa đặc sắc nhất của người Hà Nhì đen ở Y Tý. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, bắt đầu vào ngày Thìn (ngày con rồng) đầu tiên của tháng 6 âm lịch hằng năm.
Lễ hội thể hiện đặc trưng tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thờ thần rừng, thần nước, thần đất của cộng đồng người Hà Nhì, cầu mong cho mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no. Lễ hội mở đầu bằng nghi lễ quan trọng là mổ trâu hiến tế thần linh.
Sau nghi thức này, thịt trâu sẽ được chia đều cho các gia đình trong làng mang về làm lễ cúng tổ tiên, cầu mong tổ tiên bảo vệ gia đình, bảo vệ con cháu trong suốt một năm. Tiếp đó, chủ các gia đình bày đặt lễ vật lên mâm, rồi đội rước mâm lễ từ nhà đến rừng, tổ chức lễ cúng chung của làng, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đến các đấng thần linh, luôn theo sát cuộc sống và che chở, phù hộ cho dân làng.
Lễ hội Khô già già đã trở thành tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc, được truyền từ đời này qua đời khác, gắn kết các gia đình, thành viên trong cộng đồng dân tộc Hà Nhì đen ở vùng cao Y Tý. Tìm hiểu về cái Tết của người Hà Nhì, chúng tôi bị cuốn hút bởi những phong tục mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc vùng cao. Họ dành riêng 3 ngày để làm Tết thiếu nhi.
Trước ngày Tết thiếu nhi, cả làng mang một con lợn ra khu rừng trong thôn để cúng, cầu cho người dân làm ăn thuận lợi, sức khỏe dồi dào. Ngày chính Tết làm một lễ cúng tại nhà Trưởng bản.
Lễ cúng kéo dài nửa ngày, đồ cúng tự gia đình mang đến. Lễ cúng này để cầu mong cho gia đình hạnh phúc, xin lộc làm ăn, mùa màng tươi tốt. Người Hà Nhì quan niệm, ngày đầu và ngày cuối không được hái rau xanh nên không ai dám hái rau vào ngày này.
Để các dân tộc vùng cao Y Tý, trong đó có người Hà Nhì đón Tết bình yên như hôm nay, có sự đóng góp công sức của những chiến sĩ Công an và Bộ đội Biên phòng.
Chỉ cách đây 6-7 năm, Y Tý còn là địa danh biệt lập với thế giới bên ngoài khi không có đường đi, muốn đến được phía chân mây đó, chỉ có cách đi bộ xuyên qua các dãy núi cao. Nửa thập kỷ sau, con đường lên Y Tý đã được xây dựng, dù còn quanh co, khúc khuỷu, ổ gà lởm chởm nhưng với người dân Y Tý thì chân trời mơ ước đã mở ra. Y Tý giờ trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, đưa kinh tế địa phương phát triển.