"Nhạc sỹ" của người Hà Nhì giữa ngã ba biên giới

Thứ Ba, 02/03/2010, 15:30
Không biết nửa nốt nhạc, chẳng biết ký âm, xướng âm, ông viết tất cả 23 bài hát của mình dựa vào cảm xúc với những thứ thân thuộc tiếp xúc hàng ngày. Những bài hát của ông trở thành một thứ đặc sản văn nghệ của riêng người Hà Nhì vùng ngã ba biên giới.

Ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, nơi một con gà gáy 3 nước nghe thấy, một biểu tượng của xa xôi, khó khăn, cách trở. Không điện lưới, chỉ có đường mòn, bà con nhân dân nơi đây chịu rất nhiều thiệt thòi, cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng không bởi thế mà người Hà Nhì ngã ba biên giới quên ca hát. Không có được những bài hát của các nhạc sỹ chuyên nghiệp, thì họ đã có "nhạc sỹ" của bản làng: Toán Khừ Tư.

Có mặt tại ngã ba biên giới vào những ngày cuối tháng 11 lạnh giá của năm Kỷ Sửu, đúng dịp Tết "Cọ nhẹ chà" của người Hà Nhì, chị Ánh - Phó hiệu trưởng của Trường Mầm non Sín Thầu rủ tôi đến thăm "a pố" (ông) Toán Khừ Tư. Thấy giới thiệu tôi công tác tại Báo CAND, a pố cười khoe: "Không phải ở Hà Nội mới có bài hát về Công an đâu. Ngã 3 biên giới cũng có 1 bài riêng đấy nhé". Và ông bắt đầu cất tiếng hát: "Công an nhân dân Việt Nam, một lòng vì non sông, quyết bảo vệ bình yên, quyết đánh tan mọi kẻ thù…". Tuy đã ngoài 60, tóc lốm đốm bạc, nhưng giọng ông chắc khỏe như âm thanh của núi rừng.

Bắt đầu viết bài hát đầu tiên vào năm 1993, khi ông một mình trên chòi trông nương. Cô đơn giữa bạt ngàn nương rẫy và rừng núi, nhìn xa xa thấy 2 dòng Nậm Ma và Păng Pơi tuyết phủ, ông bỗng thấy vô cùng nhớ vợ - người đã chia sẻ cùng mình quãng đời không lạnh lẽo. Cảm xúc tràn về, và ông viết: "Sống giữa lòng Chung Chải" như một sự tri ân mảnh đất đã sinh ra vợ ông. Cho đến giờ, đây vẫn là bài hát ông yêu thích nhất.

Không biết nửa nốt nhạc, chẳng biết ký âm, xướng âm, ông viết tất cả 23 bài hát của mình dựa vào cảm xúc với những thứ thân thuộc tiếp xúc hàng ngày. Và mặc dù chẳng có gì để ghi lại, nhưng sau gần 2 chục năm, ông vẫn nhớ chính xác giai điệu từng bài hát. Có bài thì dựa theo một điệu dân ca, có bài thì ông tự nghĩ ra giai điệu. Ông viết để bà con dân bản hát khi có hội hè, khi lên nương, lên rẫy. Những bài hát của ông trở thành một thứ đặc sản văn nghệ của riêng người Hà Nhì vùng ngã ba biên giới.

Nhìn cuốn sổ bài hát của ông, một người bạn tôi thích thú bảo: "Miền xuôi có Trần Tiến viết "Sao em nỡ vội lấy chồng" tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình rất nổi tiếng thì ngã ba biên giới cũng có Toán Khừ Tư viết "Trừ ma túy quê em" nổi tiếng không kém nhé". Bài hát này được ông viết theo "đặt hàng" của "vua cai nghiện" Sừng Sừng Khai (hiện đang là Bí thư kiêm Chủ tịch xã Leng Su Sìn) để cổ động bà con từ bỏ thuốc phiện. Năm 1997, Đồn Biên phòng Leng Su Sìn 405 còn đem bài hát của ông đi tham dự Hội thi tiếng hát Biên phòng toàn huyện Mường Tè, rồi toàn tỉnh Lai Châu (cũ) đều đoạt giải nhất. 

Ngoài viết nhạc, ông còn có một trí nhớ kỳ lạ. Tất cả những dấu ấn lớn của người Hà Nhì được ông nhớ đến từng ngày, dù thời đó không phải dễ để có một tờ lịch. Làm Trưởng bản Sen Thượng liền 3 khoá; 16 năm làm kế toán bản, 11 năm làm thống kê kế hoạch; từng được tỉnh, huyện tặng bằng khen... ông là một trong những pho sử sống của dân tộc Hà Nhì

Vũ Hân
.
.
.