Tấm gương cựu chiến binh làm giàu trên vùng đất Cùa

Thứ Ba, 10/03/2020, 09:52
Trở về từ chiến trường Campuchia, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Cảnh ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, đã mạnh dạn đi đầu và đột phá trong làm ăn, phát triển kinh tế. Và kết quả mang lại, ông không chỉ nâng cao đời sống của gia đình mình mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong vùng…


Những ngày này, xưởng may của CCB Nguyễn Văn Cảnh ở vùng Cùa (Cam Lộ) với hơn 50 công nhân vẫn miệt mài làm việc với những đơn hàng số lượng lớn đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Cách xưởng may này không xa, một mô hình xưởng may với quy mô lớn hơn cũng được xây dựng ngay trên mảnh đất của gia đình ông đang gấp rút hoàn thành. “Dự tính khoảng 2 tháng nữa, xưởng may đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho 200 công nhân”, ông Cảnh nói.

Ông Cảnh trò chuyện với công nhân xây dựng xưởng may mới.

Theo lời kể của ông Cảnh, năm 1979, lên đường nhập ngũ, được bố trí về Sư 342, Quân khu IV, rồi sang chiến trường Campuchia. Gần 5 năm sau, hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về quê hương. Vùng đất Cùa ngày đó còn heo hút, vốn có nghề thợ may nên vợ chồng ông bàn nhau mở một quán may nhỏ bên góc chợ để nhận may quần áo cho bà con trong vùng. 

Rồi nhu cầu may ngày một nhiều, nhu cầu học nghề cũng lớn, hai vợ chồng nhận thêm 10 học trò, cơi nới quán rộng hơn. Thợ may thời đó thu nhập khá ổn, nhưng không đủ để làm giàu. Vì vậy, ông phải tranh thủ ngược xuôi trên những chuyến xe thu mua tiêu, sắn củ của người dân trong vùng đem về Huế bán kiếm chút lời. 

Nghĩ đến việc bà con làm ra nông sản nhưng tới vụ thu hoạch lại khó tìm đầu ra, ông bàn với vợ đầu tư xây dựng nhà máy tinh bột sắn. 

Đó là năm 2001, thời điểm ấy, đầu tư nhà máy tinh bột sắn là một quyết định khá khó khăn, vì đây là mô hình mới, bản thân ông chưa có kinh nghiệm, nhưng ông quyết tâm thực hiện bằng được với mong muốn giúp người nông dân rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, để họ khỏi bị tư thương o ép giá. 

Ông Cảnh bảo, ngày đó nhà máy có quy mô nhỏ, chỉ có vài chục công nhân nhưng sản phẩm làm ra có nguồn nhập ổn định nên công việc làm ăn khấm khá. Mô hình nhà máy tinh bột sắn của ông được bà con nhiều tỉnh, thành khác tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, thậm chí có một đơn vị ở Nhật Bản tìm đến nghiên cứu.

Nhưng đến năm 2005, khi khắp nơi có nhiều nhà máy tinh bột sắn mọc lên, sức cạnh tranh lớn, dự đoán không kham nổi, ông Cảnh quay sang trồng tiêu. “Hồi đó tiêu rớt giá, nhiều người nông dân chặt bỏ thì tui lại trồng tiêu. Vì xứ mình đất đai trù phú, hợp với cây tiêu, tui cứ nghĩ mình cắm mắt tiêu xuống khi qua đận rớt giá thì sẽ ổn dần lên”, ông Cảnh nói. 

Với suy luận đó, vợ chồng ông quăng quật trên mảnh đất vườn để ươm lên những cây tiêu con. Và, vụ tiêu những năm sau đó vừa được mùa, vừa được giá. 

Sang năm 2006, ông chuyển qua chăn nuôi lợn với 100 lợn nái sinh sản và 1.200 con lợn thịt. Khi giá lợn hơi xuống thấp, người nông dân thua lỗ, nhiều gia đình bỏ nghề nuôi lợn thì ông lại dồn sức và nuôi lợn và mở đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi. Hai thứ ấy bù trừ cho nhau để giúp ông duy trì trang trại. 

Để giúp người dân phát triển chăn nuôi, ông nghĩ ra cách khuyến khích bà con chuyển đổi từ nuôi lợn móng cái sang lợn trắng sinh sản để đem lại năng suất cao. Phần thưởng cho sự chuyển đổi đó được ông quy ra tiền, hoặc thức ăn chăn nuôi. Chỉ trong một thời gian ngắn, sức chăn nuôi lợn của bà con trong vùng được tăng đàn thấy rõ; nhu cầu mua thức ăn chăn nuôi cũng tăng lên. Cao điểm ông xuất bán mỗi tháng vài trăm tấn. 

Doanh thu từ các mô hình kinh tế đó lên đến con số tiền tỷ, 5 người con của ông được học hành, có việc làm ổn định…

Đáng quý, vợ chồng ông Cảnh đã tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động ngay trên mảnh đất quê hương của mình, nhiều lao động nhờ đó không phải bất bạt xứ người. 

Ông cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với các CCB khác và bà con nông dân để giúp họ cải thiện đời sống kinh tế. Với những đóng góp đó, ông Cảnh nhiều lần được nhận giấy khen, bằng khen về gương sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh. 

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Cảnh nói: “Bất kì sự dấn thân nào cũng khó khăn. Chuyện vay mượn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là chuyện cơm bữa. Nhưng trong khó khăn đó mình cần có sự tính toán, có khát vọng để vượt ra khỏi ranh giới nghèo khó!...”.

Phan Thanh Bình
.
.
.